(KTSG Online) - Nhiều nghệ sĩ vô tình phải tham gia vào cuộc chiến bảo vệ nhãn hiệu khi tên/nghệ danh của họ bị đăng ký trái phép bởi cá nhân, tổ chức khác và thậm chí còn có nguy cơ bị khởi kiện từ bên đăng ký nhãn hiệu trái phép đó.
- Bảo vệ nhãn hiệu khi xuất ngoại không phải là nhiệm vụ bất khả thi
- Nhiều bất lợi khi nhãn hiệu chưa được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng
Việc vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng, công việc nghệ thuật của nghệ sĩ mà có thể khiến công chúng nhầm lẫn, ảnh hưởng đến việc kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu là tên/nghệ danh của nghệ sĩ.
Nghệ sĩ chật vật khi bị đăng ký nhãn hiệu trái phép
Cuối năm 2024, Tòa án liên bang Úc phán quyết ca sĩ nổi tiếng thế giới Katy Perry (tên thật là Katheryn Elizabeth Hudson) đã thành công trong việc đảo ngược phán quyết của Tòa án sơ thẩm rằng cô và các pháp nhân liên kết của cô đã xâm phạm nhãn hiệu Katie Perry đã được đăng ký bảo hộ trước đó của một nhà thiết kế thời trang người Úc, Katie Taylor.
Trước đó, Thẩm phán Tòa án sơ thẩm cho rằng, Katy Perry và các pháp nhân liên kết của cô đã xâm phạm nhãn hiệu Katie Perry được đăng ký cho cho nhóm 25 về sản phẩm quần áo.
Ở phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán cho rằng tại thời điểm nguyên đơn Katie Taylor nộp đơn kiện (ngày 29-9-2008), ca sĩ Katy Perry có danh tiếng tại Úc nhưng không phải đối với quần áo mà được biết đến với tư cách là một nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn và chưa tung ra sản phẩm quần áo của mình.
Tuy nhiên, Tòa án liên bang cho rằng, Tòa án sơ thẩm đã bỏ qua thông lệ chung là các ngôi sao nhạc pop thường bán hàng hóa (merchandise) bao gồm quần áo tại các buổi hòa nhạc và ra mắt nhãn hiệu quần áo của riêng họ. Nói cách khác, danh tiếng của Katy Perry không chỉ gắn liền với âm nhạc mà còn lan tỏa sang lĩnh vực thời trang dưới nhãn hiệu "Katy Perry”, danh tiếng này đã có trước khi Katie Taylor nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu và Katie Taylor cũng biết đến sự nổi tiếng này trước khi đăng ký nhãn hiệu (**).
Tại Việt Nam, một trường hợp cũng từng tốn giấy mực của báo chí vào năm 2022 là vụ ca sĩ Nathan Lee (tên thật là Trương Triều Trúc Lân) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" cho các sản phẩm dịch vụ thuộc nhóm 36 (mua bán bất động sản, môi giới bất động sản, quản lý bất động sản...), nhóm 41 (dịch vụ giải trí, biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, sản xuất phim và chương trình truyền hình...) và nhóm 43 (dịch vụ quán cà phê, dịch vụ quán rượu...).
Tại Việt Nam, tên/nghệ danh của nghệ sĩ nổi tiếng có thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Luật SHTT) và không thuộc các trường hợp "không được bảo hộ" quy định tại Điều 73 của luật này.
Tuy nhiên, việc có chấp nhận bảo hộ hay không vẫn tùy thuộc vào quan điểm của thẩm định viên Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT), đặc biệt khi thẩm định viên có thể cho rằng việc đăng ký như trên có thể được coi là dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ, rằng chính người nghệ sĩ đó kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
Quay trở lại vụ việc ca sĩ Nathan Lee đăng ký nhãn hiệu "Cao Thái Sơn". Hiện tại trên cơ sở dữ liệu công khai của Cục SHTT thì vào ngày 14-2-2025, nhãn hiệu này đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ với danh mục hàng hóa/dịch vụ như tại Hình 1.
Hình 1: Thông tin nhãn hiệu “CAO THÁI SƠN”
Điều đáng chú ý là nhóm 41, gồm các sản phẩm dịch vụ giải trí, biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, sản xuất phim và chương trình truyền hình... vẫn được cấp cho nhãn hiệu này mặc dù đây là nhóm có liên quan mật thiết đến công việc nghệ thuật của ca sĩ Cao Thái Sơn. Hai nhóm còn lại là 36 và 43 được Cục SHTT xem xét cấp đã được dự đoán từ trước mặc dù việc này vẫn có khả năng gây ra nhầm lẫn vì công chúng có thể nghĩ rằng các sản phẩm và dịch vụ được đăng ký dưới nhãn hiệu này có liên quan đến ca sĩ Cao Thái Sơn.
Có hai khả năng pháp lý liên quan đến vấn đề này từ phía ca sĩ Cao Thái Sơn. Một là chờ 5 năm sau khi cấp bằng để yêu cầu chấm dứt hiệu lực. Điều này khá bất lợi và rủi ro khi ca sĩ Nathan Lee hoàn toàn có thể sử dụng nhãn hiệu trong thời gian này.
Khả năng thứ hai là ca sĩ Cao Thái Sơn có thể xem xét nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ với căn cứ người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu theo điểm d khoản 1 Điều 96 Luật SHTT. Tuy nhiên, việc có chấp nhận hủy bỏ hay không vẫn phụ thuộc vào quan điểm của của chuyên viên Cục SHTT.
Ngược lại với Cao Thái Sơn, nhiều nghệ sĩ khác đã đăng ký nhãn hiệu mang tên/nghệ danh của mình từ sớm, có thể kể đến là ca sĩ Hoàng Thùy Linh (Hình 2), ca sĩ Đông Nhi (Hình 3),...
Hình 2: Thông tin nhãn hiệu “Hoàng Thùy Linh”
Hình 3: Thông tin nhãn hiệu “Đông Nhi”
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghệ sĩ chưa đăng ký bảo hộ hay chỉ vừa mới thực hiện việc đăng ký khi phát hiện ra bên khác đăng ký nhãn hiệu mang dấu hiệu là tên/nghệ danh của mình.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Kim Entertainment, được cho là có mối quan hệ với ca sĩ Hari Won đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “HARI WON” cho nhóm 41 vào ngày 21-10-2021 ngay sau khi nhãn hiệu tương tự được đăng ký vào 5-7-2021 cho nhóm 41 bởi Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại mỹ phẩm Seven Nice (Hình 4).
Có lẽ phía ca sĩ Hari Won đã phát hiện ra nghệ danh của nữ ca sĩ bị đăng ký nên đã nộp đơn đăng ký ngay và đồng thời nộp đơn phản đối cấp nhãn hiệu vào ngày 10-11-2021. Trước đó, công ty Seven Nice này đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ cho các nhãn hiệu thuộc nhóm 3, 5 và 35.
Hình 4: Thông tin nhãn hiệu “HARI WON”
Không đơn giản chỉ đăng ký là xong
Việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu không đồng nghĩa với việc nghệ sĩ có thể yên tâm trong công việc nghệ thuật và hoạt động kinh doanh của bản thân. Đăng ký nhãn hiệu chỉ là bước đầu trong một hành trình dài. Nghệ sĩ cần lưu ý đến các vấn đề sau đây:
(i) Hoạch định kế hoạch kinh doanh từ sớm để xác định rõ nhóm hàng hóa/dịch vụ nào cần được đăng ký bảo hộ trong trường hợp có dự định kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đó (đặc biệt là các nhóm về thời trang và mỹ phẩm bởi các nhóm này gắn liền với công việc nghệ thuật và hình ảnh của nghệ sĩ).
(ii) Đối với các nghệ sĩ đã có danh tiếng và hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài, việc đăng ký nhãn hiệu ở các quốc gia khác là vô cùng cần thiết. Ví dụ, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã và đang hoạt động nghệ thuật tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
(iii) Nghệ sĩ có thể đăng ký nhãn hiệu cho bất cứ thứ gì liên quan đến bản thân mình. Chẳng hạn, ca sĩ Beyoncé và chồng là Jay-Z đã đăng ký nhãn hiệu cho tên con gái mình là Blue Ivy Carter nhằm mục đích cho các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm các sản phẩm dành cho trẻ em và dịch vụ giải trí.
Tương tự, ca sĩ nổi tiếng thế giới Taylor Swift đã đăng ký nhãn hiệu cho tên những chú mèo cưng. Động thái này được cho là nhằm mở rộng hoạt động quảng bá và kinh doanh các sản phẩm mang nhãn hiệu liên quan đến những chú mèo này.
(iv) Việc theo dõi tình trạng nhãn hiệu là rất quan trọng vì thường Cục SHTT sẽ gửi các thông báo dự định từ chối, thông báo cấp văn bằng và các thông báo có liên quan khác đến chủ đơn hoặc đại diện sở hữu (nếu có).
Trong trường hợp không trả lời hoặc không làm theo yêu cầu của thông báo trong thời gian nhất định thì nhãn hiệu có khả năng cao bị từ chối bảo hộ. Ví dụ, nhãn hiệu “CHI PU” của chủ đơn Công ty TNHH giải trí GOM (được cho là có mối liên hệ với ca sĩ Chi Pu) do không nộp phí đúng thời gian quy định nên đã bị Cục SHTT ra thông báo từ chối cấp bằng vào ngày 20-3-2024 (Hình 5).
Hình 5: Thông tin nhãn hiệu “CHI PU”
(v) Sau khi được Cục SHTT chấp nhận bảo hộ thì cần nghệ sĩ cần thường xuyên kiểm tra, rà soát để phát hiện kịp thời các đối tượng sử dụng nhãn hiệu trái phép, từ đó ngăn chặn các hành vi xâm phạm có thể gây tổn hại đến danh tiếng và quyền lợi của mình.
(vi) Cuối cùng, nghệ sĩ cần lưu ý đến hiệu lực của văn bằng bảo hộ để chủ động nộp đơn xin gia hạn kịp thời, giúp duy trì hiệu lực bảo hộ, tránh ảnh hưởng không đáng có đến công việc nghệ thuật và hoạt động kinh doanh của nghệ sĩ. Ví dụ, nhãn hiệu 365daband của nhóm nhạc 365 đã hết hiệu lực hơn một năm nhưng chưa được gia hạn (Hình 6), có khả năng nhóm nhạc này đã không còn hoạt động nữa vì các thành viên đã tách ra hoạt động riêng.
Hình 6: Thông tin nhãn hiệu “365daband”
-----------------
(*) Công ty Cổ phần Sở hữu Công nghiệp INVESTIP
(**) https://www.austlii.edu.au/cgi-bin/viewdoc/au/cases/cth/FCAFC/2024/149.html
(**) https://sladen.com.au/news/2024/12/2/katy-perry-wins-out-against-australian-clothing-designer-katie-perry-in-trade-mark-dispute