Thứ Năm, 1/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống theo hàm lượng đường

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) – Tại phiên họp thẩm định dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) diễn ra ngày 1-8, Bộ Y tế đề nghị, nên chia hàm lượng đường trong các loại đồ uống theo những mức độ khác nhau để tính thuế thay vì chỉ quy định 1 mức từ 5g/100ml trở lên như dự thảo luật hiện nay.

Đối với thức uống có cồn, Bộ Y tế đề nghị cân nhắc việc chia hàm lượng đường trong các loại thức uống theo các mức độ khác nhau để tính thuế. Ảnh: TL

Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo thông tin được đăng tải trên trang web của cơ quan này, các ý kiến cho rằng, qua 16 năm thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Luật số 27/2008/QH12, sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022), chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đã bộc lộ một số hạn chế như đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại biểu thuế chưa rõ ràng… Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết.

Trong đó, với sản phẩm thuốc lá mới, đại diện Bộ Y tế khuyến nghị nên loại sản phẩm này khỏi đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá số 2012 chưa quy định khái niệm về các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới. Bộ thống nhất việc giữ nguyên mức thuế suất 75%.

Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung theo lộ trình các loại đồ uống có đường khác để phù hợp với định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới và Tiêu chuẩn Việt Nam. Cùng với đó là cân nhắc việc chia hàm lượng đường trong các loại đồ uống theo các mức độ khác nhau. Hàm lượng đường càng cao thì tỷ lệ thuế càng cao thay vì chỉ quy định 1 mức từ 5g/100ml trở lên như dự thảo luật hiện nay. Điều này góp phần hướng đến việc đạt được mục tiêu giảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có lượng đường cao.

Cũng tại phiên họp, đại diện Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho rằng, nếu mức thuế áp dụng với thuốc lá điếu tăng đột ngột và lớn như dự thảo luật (từ năm 2026 là 2.000-5.000 đồng/bao và 10.000 đồng/bao vào năm 2030) thì sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành thuốc lá ở nhiều khía cạnh như giá bán xuất xưởng, giá bán lẻ, gói chi tiêu của người tiêu dùng… Vì vậy, hiệp hội đề xuất phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là 1.000 đồng/bao từ năm 2026-2028 và 3.000 đồng/bao vào năm 2030.

Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, việc sửa đổi luật này sẽ ảnh hưởng tới nhiều ngành hàng, doanh nghiệp. Do vậy, cơ quan chức năng cần đánh giá tác động và xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, tránh gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc làm của người lao động.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung định nghĩa, quy chuẩn đối với một số ngành hàng mới được đưa vào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như kinh doanh golf, massage, karaoke…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới