(KTSG Online) - Theo Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, một số ý kiến cho rằng, mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân là không khả thi và quá nặng.
- Trình Quốc hội xem xét, bố trí 44.000 tỉ đồng cho sắp xếp, kiện toàn bộ máy
- Bộ Chính Trị: Xóa bỏ triệt để định kiến về kinh tế tư nhân

Tiếp tục kỳ họp thứ 9, chiều nay (5-5), Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, TTXVN đưa tin.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới nhất trí với sự cần thiết ban hành luật. Ông cho rằng, việc xây dựng dự án luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, ông đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 2 là “Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân”.
Ông lý giải, một số ý kiến cho rằng, mức xử phạt hành chính như vậy là không khả thi và quá nặng đối với tổ chức, doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, quy định phạt theo doanh thu năm liền trước không phù hợp với tổ chức, doanh nghiệp mới thành lập và trường hợp tổ chức, doanh nghiệp không có doanh thu hoặc có doanh thu mà không có lợi nhuận…
Về quyền của chủ thể dữ liệu, một số ý kiến cho rằng, quy định tại các điều luật trên đang tuyệt đối hóa quyền của chủ thể dữ liệu cá nhân dễ dẫn đến lạm dụng quyền mà gây cản trở quá trình xử lý dữ liệu của các bên kiểm soát, xử lý dữ liệu cá nhân. Ông đề nghị bổ sung các quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của các bên kiểm soát, xử lý dữ liệu cá nhân khi thực hiện các yêu cầu của chủ thể dữ liệu cá nhân để đảm bảo hài hòa về quyền và lợi ích của các bên có liên quan.
Một số ý kiến nêu, các quy định bắt buộc thực hiện yêu cầu về hạn chế xử lý dữ liệu, phản đối xử lý dữ liệu, cung cấp dữ liệu, chỉnh sửa dữ liệu, xóa dữ liệu trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu cá nhân là không phù hợp với thông lệ quốc tế và không đảm bảo tính khả thi do điều kiện hạ tầng, kỹ thuật và con người không đáp ứng được.
Về xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cơ bản nhất trí với quy định trong dự thảo luật này. Một số ý kiến cho rằng, hiện nay có nhiều luật và văn bản dưới luật quy định về một số trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, do đó đề nghị rà soát bổ sung, đồng thời chỉnh sửa cụm từ “theo quy định của luật” tại các khoản 2, 3, 4 và 5 thành cụm từ “theo quy định của pháp luật”.