(KTSG Online) - Tại phiên họp giữa hai đợt của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 14-11, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các quy định để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá kho số viễn thông, như không cho tham gia đấu giá một số lần tiếp theo nếu bỏ tiền đặt cọc, và các biện pháp khác mà pháp luật về đấu giá tài sản cho phép.
- Có nên giới hạn giá trị đặt cọc nhà ở hình thành trong tương lai?
- Đề xuất tiền đặt cọc không quá 10% giá bán bất động sản hình thành trong tương lai
Liên quan đến tài nguyên viễn thông, tại phiên họp giữa hai đợt của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 14-11, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị số thuê bao dịch vụ viễn thông cần được chia thành các nhóm cụ thể nhằm tránh trường hợp bỏ cọc khi đấu giá và Bộ Thông tin Truyền thông sẽ quy định chi tiết, theo TTXVN.
Thông tin tại phiên họp, việc phân nhóm theo giá trị các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt là khó khả thi vì còn phụ thuộc vào quan niệm của người sử dụng, vùng, miền. Việc xác định một mức giá khởi điểm cho số thuê bao thực hiện đấu giá cũng như lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến và theo phương thức trả giá lên của Luật Đấu giá tài sản hiện hành (tương tự triển khai thí điểm đấu giá biển số xe ô tô) sẽ tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, góp phần xác định được giá trị số thuê bao đấu giá theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trường hợp người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong đấu giá các loại tài sản đấu giá như đất đai, biển số xe ô tô… Do đó, trong quá trình xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông (sửa đổi), cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các quy định để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc như không cho tham gia đấu giá một số lần tiếp theo nếu bỏ tiền đặt cọc và các biện pháp khác mà pháp luật về đấu giá tài sản cho phép.
Về thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng, cũng theo bản tin trên, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ việc các tổ chức quốc tế, khu vực hiện nay thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng có làm ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam không; Việt Nam có thu phí số hiệu mạng không.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã triển khai việc thu lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng đối với tên miền “.vn”, địa chỉ internet. Luật Phí và Lệ phí chưa quy định về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng.
Tuy nhiên, APNIC (tổ chức quản lý địa chỉ internet, số hiệu mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương) vừa thông báo kế hoạch điều chỉnh các khoản thu đối với tài nguyên internet, trong đó có việc thực hiện thu phí số hiệu mạng từ ngày 1-1-2025. Chính sách này sẽ miễn phí đối với 2 số hiệu mạng đầu tiên, từ số hiệu mạng thứ 3 trở đi sẽ phải đóng phí đăng ký 500 đô la Úc/số hiệu mạng và phí duy trì là 100 đô la Úc/năm.
Tính đến tháng 10-2023, cả nước chỉ có 4 trong số hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký sử dụng số hiệu mạng thuộc nhóm phải nộp phí theo chính sách mới của APNIC.