(KTSG Online) – Để người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp thực sự thụ hưởng lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng, các chuyên gia cho rằng cần sớm nâng cấp hạ tầng công nghệ khu vực nông thôn và tăng cường tính bảo mật, song song với nâng cao kỹ năng số cho tất cả người dân.
- Chuyển đổi số: Chậm mà chắc hơn nhanh mà rối!
- Thúc đẩy chuyển đổi số địa phương để sử dụng hiệu quả dữ liệu
Cơ hội cho nông dân trong hành trình chuyển đổi số của ngân hàng?
Ông Trần Văn Tần, Phó chủ tịch hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - thành viên HĐQT VietinBank, đánh giá năm 2023 là một năm đầy khác biệt với áp lực lạm phát, khó khăn trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm. Điều này khiến các doanh nghiệp có xu hướng thay đổi từ chuyển đổi tập trung vào tăng trưởng sang tiết kiệm chi phí.
Với sự thay đổi trên, xu hướng chuyển đổi số tiếp tục được thúc đẩy và thay đổi, chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang cạnh tranh về dịch vụ hệ sinh thái, low-code, nền công nghiệp 4.0 và máy học…
Ngoài ra, việc cung cấp các mô hình làm việc mới và thân thiện hơn, lấy khách hàng làm trung tâm cũng rất quan trọng. Cụ thể, nghiên cứu của Digital Banking Report cho biết chiến lược gia tăng trải nghiệm cho khách hàng - tức gia tăng hiểu biết hành vi, nhu cầu của khách hàng và tưởng thưởng đúng lúc cho hành vi của khách hàng - là ưu tiên số hai, chỉ sau chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng vì các ngân hàng phải chuyển đổi đáng kể các quy trình hiện tại và đối mặt với sự cạnh tranh lớn của Fintech, vốn ở hữu nền tảng chi phí thấp và phát triển cá nhân hóa dễ dàng, nhanh chóng hơn ngân hàng.
Cũng theo ông Tần, người tiêu dùng ngày nay có kỳ vọng cao hơn và nhiều lựa chọn hơn. Một nghiên cứu của Salesforce cho thấy 53% khách hàng mong đợi các ưu đãi mà họ nhận luôn được cá nhân hóa, 62% mong đợi các công ty dự đoán được nhu cầu của họ, 83% cho rằng trải nghiệm - sản phẩm và dịch vụ quan trọng như nhau. Điều này có nghĩa là các tổ chức tài chính không chỉ phải cải thiện tính cá nhân hóa tại thời điểm bán hàng, mà còn phải cung cấp hệ thống dịch vụ tương tác với khách hàng vượt xa những gì được yêu cầu trong quá khứ và trong suốt vòng đời của khách hàng.
Để làm được việc này, ngân hàng nhận biết và phản ứng nhanh được với yêu cầu của khách hàng đòi hỏi phải tổng hợp dữ liệu theo từng ngữ cảnh và trên từng kênh cung cấp thông tin phù hợp; phân tích dữ liệu sẽ giúp làm tăng mức độ tương tác và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
"Gia tăng tiện ích và nâng cao trải nghiệm khách hàng đang xu thế tất yếu trong cuộc đua cạnh tranh của ngành Ngân hàng. Điều này vừa mang đến cơ hội bứt phá, vừa đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi các ngân hàng cần hoạch định chiến lược rõ ràng trong việc tận dụng hạ tầng công nghệ có sẵn hoặc liên kết hợp tác với bên thứ ba để triển khai hiệu quả", ông Tần cho biết.
Một thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng cho hoạt động chuyển đổi số đến cuối năm 2022. Tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam được duy trì ở mức 40% trong 4 năm trở lại đây, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số.
Ngoài ra, có 95% tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, trong đó có những tổ chức tín dụng đạt 90% giao dịch khách hàng trên kênh số.
Nhờ chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí trên thu nhập của một số ngân hàng giảm xuống 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực đang hướng tới.
Về phía các ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho biết lộ trình số hóa hoạt động ngân hàng đã đến cấp độ thứ 2 là số hóa hoạt động kinh doanh. Điều này thể hiện qua hai minh chứng khá rõ nét.
Thứ nhất, các ngân hàng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ chuyển đổi số. Trong đó, một số ngân hàng đã tiên phong cung ứng dịch vụ số cho khách hàng từ rất sớm như: Vietcombank bắt đầu với phiên bản Internet Banking cho khách hàng cá nhân và hệ thống VCB-Money cho khách hàng tổ chức từ năm 2001; Vietinbank thay thế hệ thống CoreBanking (Core SunShine) và triển khai kho dữ liệu doanh nghiệp EDW từ năm 2017; VPBank xây dựng ngân hàng số YOLO với hệ thống Core banking riêng, tách biệt với hệ thống hiện tại vào năm 2018; BIDV hoàn thành chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) vào đầu tháng 9-2023.
Trong quá trình số hoá, khá nhiều công nghệ hiện đại đã được các ngân hàng ứng dụng vào hoạt động, gồm: Các giải pháp thanh toán điện tử với cổng thanh toán điện tử, thẻ hoặc ví điện tử ngày càng trở nên quen thuộc và dần trở nên phổ biến; Công nghệ chuỗi khối (Blockchain); Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Chú trọng ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Ông Nguyễn Phúc Dương, Phó giám đốc Khối công nghệ thông tin và ngân hàng điện tử - Phó giám đốc Trung tâm chuyển đổi số của HDBank, cho biết ngân hàng đã làm việc với đối tác hàng đầu thế giới là BCG để tư vấn chiến lược chuyển đổi 5 năm cho chuyển đổi số cũng như triển khai chiến lược kinh doanh 5 năm.
Dựa vào đó, từ năm 2020, HDBank đã thành lập trung tâm chuyển đổi số và chú trọng tuyển dụng các nhân tài trong, ngoài nước giỏi ngoại ngữ, am hiểu công nghệ về trí tuệ nhân tạo, Big data, Blockchain và kỹ năng làm việc nhóm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngân hàng triển khai nhanh nhất. HDBank cũng xác định rõ các nội dung chính cần tập trung, ngoài yếu tố công nghệ thì yếu tố quan trọng hơn nữa là con người và quy trình.
Với VIB, ba khía cạnh được chú trọng gồm ứng dụng My VIB; dữ liệu: dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning); ứng dụng các công nghệ mới như Cloud, Open API... Đây là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai điện toán đa đám mây (Multi-Cloud) tại Việt Nam. Trước đó, từ 2020, đơn vị đã ứng dụng thành công AI và Big Data để số hóa 100% quy trình duyệt cấp thẻ tín dụng, cho phép khách hàng đăng ký và nhận thẻ tín dụng trực tuyến chỉ trong 30 phút.
Với MB, Ông Mai Huy Phương, Phó giám đốc Khối ngân hàng số, cho biết ngân hàng đã cho ra đời thẻ “Hi” được tích hợp hai chức năng ATM và thanh toán trên một thẻ và một chip. Ngoài ra, khách hàng không cần tới ngân hàng chở để được phát hành thẻ, mà được định danh và sở hữu ngay trong thời gian ngắn.
Về bảo mật và an toàn, thẻ Hi-Collection tích hợp toàn bộ thông tin chủ thẻ vào chip, tức chỉ chủ thẻ mới xem được nhưng thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch trên app MB.
Về phía khách hàng, ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, cho biết bản thân đang sử dụng những dịch vụ tài chính của nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước với nhiều tiện ích như chủ động giao dịch với đối tác, tiết kiệm chi phí.
Cũng theo vị này, sản phẩm số đã giúp người nông dân tiết kiệm thời gian, không phải đi lại, giao dịch an toàn chính xác.
"Chúng tôi chủ động giao dịch với các đối tác ngay tại cơ sở sản xuất, có thể thanh toán bằng các hình thức như chuyển khoản, quét mã QR,… 24/7 mà không phải đi ra quầy giao dịch; cũng như có dịch vụ chuyển tiền với hạn mức lớn. Bên cạnh đó, giúp tiết kiệm chi phí vì gần như là miễn phí khi sử dụng trên app ngân hàng số; trong khi rút tiền để xài bị thu phí", ông Hoàng cho biết.
Ông Phạm Văn Quyên, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX Nam Việt, bổ sung cho rằng các dịch vụ ngân hàng số giúp đơn vị tăng tính kết nối và mở rộng thị trường.
"Trước đây khi sử dụng tiền mặt thì rất khó để mua bán giao dịch hàng hóa với các đối tác xa, nay điều đó trở nên đơn giản hơn rất nhiều bằng thao tác thanh toán điện tử, các đối tác có thể mở rộng phạm vi cả nước thậm chí là nước ngoài", ông Quyên nói và cho rằng với các dịch vụ thanh toán điện tử thì các khoản chi tiêu, mua bán đều dễ dàng được kiểm đếm nhanh chóng, chính xác.
Vị này cũng cho biết từ ngày áp dụng hình thức trả lương qua tài khoản ngân hàng, người lao động cũng chuyển dần sang thanh toán bằng app ngân hàng tiện lợi, không mất phí.
Rào cản ngăn cản nông dân tiếp cận công nghệ số
Ngân hàng nỗ lực chuyển đổi số, nhưng không phải lúc nào khách hàng, gồm doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân, cũng được hưởng lợi từ quá trình này.
Ông Phạm Văn Quyên bày tỏ băn khoăn vì cùng với chuyển đổi số, những người nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu vùng xa, trình độ hiểu biết có hạn, đang gặp khá nhiều rắc rối trong việc bị lừa đảo mất tiền trong tài khoản.
“Còn rất nhiều hiện tượng người dân mất tiền trong tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân vùng nông thôn như chúng tôi nhiều khi vô tình nhấn vào được link giả mạo khiến cho đối tượng lừa đảo rút sạch tiền, báo chí nói nhiều chúng tôi cũng rất lo lắng, bất an khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số”, ông Quyên nêu thự trạng.
Theo ông Quyên, một trường hợp thường xảy ra ở khu vực nông thôn là có những số điện thoại là gọi đến thông báo người dân có phiếu phạt nguội vì vi phạm luật giao thông.
“Nọ biết được cả họ tên đầy đủ, quê quán chính xác... như vậy có phải dữ liệu cá nhân của chúng tôi đang được mua bán hay không? Tại Bộ Công an có nắm được vấn đề này không? Phía ngân hàng có bảo mật thông tin cho chúng tôi như thế nào nếu chúng tôi sử dụng dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt trên kênh số?”, ông Quyên lo lắng.
Với vấn đề thanh toán, vị này cho biết việc rút tiền từ tài khoản công ty hiện vẫn là dùng Sec rút tiền. Hình thức này có nhược điểm là phải ra phòng giao dịch, trong khi số lượng phòng giao dịch ở khu vực nông thôn không nhiều, việc đi lại xa gây khó khăn. Thậm chí, có lần đơn vị của ông Quyên phải thực hiện giao dịch tại chi nhánh của ngân hàng khác và chịu khoản phí rút tiền bằng 0,033% tổng số tiền rút. “Với khoản 1 tỉ đồng trở lên chi phí này cũng rất lớn. Chúng tôi mong muốn ngân hàng có dịch vụ phù hợp và thuận lợi cho các HTX như chúng tôi, thay vì rút Sec bằng việc đến tận phòng giao dịch cũng nên số hóa trên các app ngân hàng số hiện nay”, ông Quyên nói.
Bổ sung, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư BAGICO, nhận định chuyển đổi số với doanh nghiệp nông nghiệp không chỉ là giao dịch số, mà còn liên quan tới câu chuyện mã vùng nông sản, giá cả thị trường.
"Vừa rồi sản phẩm sầu riêng có cơn sốt cực mạnh, người được hưởng lợi nhất là người nông dân với thu nhập có thể gấp đôi gấp ba bình thường. Vậy làm thế nào để người nông dân bảo vệ mình trong giai đoạn vừa rồi, khi nhức nhối nhất là vấn đề liên quan đến giả mạo mã số vùng trồng?”, bà Thực nêu vấn đề.
Theo bà Thực, câu chuyện này tưởng độc lập, nhưng lại liên quan tới việc chuyển đổi số của ba bên, gồm chính quyền, ngân hàng và cơ quan thuế. Cụ thể, nếu ba bên thực hiện tích hợp công nghệ và thông tin, tức là khi xác thực giao dịch mua – bán có thể hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản, thì rủi ro bị giả mạo mã số vùng trồng nông sản sẽ được giảm thiểu tối đa.
“Hiện tỷ lệ người mua phải hàng giả, hàng nhái không ít. Nếu chúng ta cùng xác thực với ngân hàng là hôm nay tôi mua của đại lý A, đại lý B với đầy đủ như thông tin như thế này, thông tin đó đưa vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, thì trường hợp hàng của tôi hay cây trồng chết thì hoàn toàn có thể truy cứu lại người bán hàng cho tôi. Đó là một trong hai công cụ thiết thực nhất hiện nay”, bà Thực nói.
Cần một khung kinh tế số phù hợp với năng lực người nông dân
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho biết các khuôn khổ pháp lý, thể chế, chính sách vẫn đang được hoàn thiện và bổ sung, đặc biệt khi kinh tế số, xã hội số là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, điểm bất cập là nông nghiệp số và ngân hàng số là các bộ phận thuộc kinh tế số, song tư duy về chính sách lại không xuất phát từ hai phía, mà dường như đang lấy ngân hàng số, tài chính số, thậm chí là kinh tế số áp đặt cho ngành nông nghiệp hiện tại.
“Chúng ta chưa tư duy từ góc độ thể chế, việc chuyển đổi ngành nông nghiệp sang nông nghiệp số sẽ tạo điều kiện để phát triển ngân hàng số, tài chính số. Đây là vấn đề nên xem xét thêm”, ông Ánh lưu ý.
Vị này cũng băn khoăn việc các cơ quan quản lý đang tư duy về một khung chuẩn cho kinh tế số chỉ phù hợp với trình độ năng lực chung của khu vực đô thị.
“Liệu chúng ta sẽ tư duy hạ chuẩn để phù hợp với bà con nông dân hay ta đang tư duy tăng trình độ bà con nông dân lên để bằng chuẩn cho hiện tại? Đây là cái tôi cho rằng quyết định của chúng ta, đơn cử như họ phải trải qua những lớp tập huấn, tiếp cận thông tin để nâng cao trình độ hay chúng ta phải đưa các quy trình, thục tục liên quan ngân hàng số, tài chính số về với trình độ hiện tại với bà con nông dân”, ông Ánh đặt vấn đề.
Để thực hiện mục tiêu này, bà Mai Thị Thanh Bình, Vụ Kinh tế số và xã hội số thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, đề xuất giải pháp đưa cáp quang băng thông rộng đến từng hộ gia đình bởi khi đã có hạ tầng kết nối, Chính phủ sẽ phổ cập thiết bị di động thông minh để đảm bảo ít nhất mỗi gia đình sẽ có 1 thiết bị thông minh, tiến tới mỗi người dân sẽ có 1 thiết bị thông minh trong thời gian tới.
“Đã có 78% số lượng thuê bao đang sử dụng thiết bị điện thoại thông minh và để phổ cập 22% còn lại sẽ phải phổ cập bằng sự tổng hợp của nhiều nguồn lực từ địa phương, nhà mạng và từ xã hội hoá”, bà Bình thông tin.
Đặc biệt, để nâng cao kỹ năng số cho người dân, các tổ công nghệ số cộng đồng và nền tảng học trực tuyến đại trà sẽ được xây dựng để cung cấp các bài giảng miễn phí để người dân chủ động bồi dưỡng kỹ năng số. Theo đó, tổ công nghệ số cộng đồng của tỉnh Bình Phước đã tiến hành chiến dịch 92 ngày đêm nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, qua đó tạo ra gần 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng, với khoảng 5.500 thành viên tham gia.
Kết quả thu được sau Chiến dịch 92 ngày đêm, gồm: thiết lập tài khoản và khai thác các cổng dịch vụ công; tập huấn chữ ký số, các ứng dụng cho 163.410 thành viên; hơn 220 doanh nghiệp, hợp tác xã đưa 466 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; ngành thuế đã chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Theo bà Bình, cơ quan quản lý sẽ hướng tới mục tiêu mỗi người dân đều có tài khoản VNeID để xác định quyền và trách nhiệm của mỗi người dân. Tiếp đó, mỗi người dân trưởng thành một tài khoản thanh toán số. Đồng thời, đa dạng hoá hình thức thanh toán với các vùng chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng và phối hợp với nhà mạng triển khai Mobile Money.
“Tài khoản mobile money gắn với tài khoản SIM điện thoại sử dụng thanh toán ngay cả khi sử dụng điện thoại đời cũ (feature phone). Đồng thời, triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số như làng số, xã số, khu phố không dùng tiền mặt từ đó nhân rộng, lan tỏa”, bà Bình nhấn mạnh.
Về vấn đề an toàn thông tin, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN, cho biết cơ quan này đã nghiên cứu dự thảo gửi các tổ chức tín dụng, lấy ý kiến về biện pháp xác thực bằng khuôn mặt sinh học, thu thập lấy dữ liệu từ căn cước công dân và đây là tiền để đảm bảo chính chủ khi mở bằng email PC và cũng là tiền đề đảm bảo người mở tài khoản đó là người thực hiện nhiệm vụ thanh toán. Dự kiến quyết định này sẽ có hiệu lực từ tháng 4-2024 để các tổ chức tín dụng có thời gian thu thập thông tin của người tiêu dùng.
“Chúng tôi tin rằng tình trạng về lừa đảo, gian lận khó xảy ra khi người tiêu dùng thực hiện giao dịch ở một hạn mức nhất định sẽ được kiểm tra bằng khuôn mặt sinh trắc học phải khớp với khuôn mặt khi mở tài khoản", ông Tuấn nói.