(KTSG Online) – Phụ phẩm, chất thải của ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng được xem là “mỏ vàng”, là nguyên liệu đầu vào để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Bắt đầu từ phế phụ phẩm, hướng tới kinh tế tuần hoàn
Báo cáo của Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 100 triệu tấn phế phụ phẩm trong ngành nông nghiệp, trong đó, có khoảng 45 triệu tấn rơm, 8 triệu tấn trấu và khoảng 30-50 triệu tấn phế phụ phẩm thực vật khác.
Trong khi đó, ông Võ Trọng Thành, Đại diện Cục chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại diễn đàn kinh tế 970 với chủ đề "kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi" được tổ chức mới đây cho rằng, Việt Nam hiện có trên 28,8 triệu con heo, 8,9 triệu con trâu bò và 533 triệu con gia cầm. “Điều này, giúp cung cấp cơ bản về thịt, trứng, sữa cho nhu cầu của 100 triệu dân và một phần dành cho xuất khẩu, với giá trị toàn ngành chăn nuôi đạt khoảng 23,7 tỉ đô la Mỹ”, ông cho biết.
Theo ông, với số lượng gia súc, gia cầm lớn như trên cũng đã tạo ra một lượng chất thải rất lớn, được ví như “mỏ vàng”, là nguyên liệu đầu vào phục vụ phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, mỗi năm có khoảng 62,2 triệu chất thải rắn, 305 triệu tấn chất thải lỏng. Trong đó, chất thải lỏng từ hoạt động chăn nuôi heo chiếm 84% và các loại vật nuôi khác chiếm 16%; còn chất thải rắn từ chăn nuôi bò chiếm 4%, heo chiếm 34%, trâu 2% và còn lại các vật nuôi khác.
Với một lượng chất thải khổng lồ phát sinh từ hoạt động chăn nuôi và trồng trọt như nêu trên, ông Thành cho rằng, đây là nguồn tài nguyên rất lớn có thể xử lý thành phân bón phục vụ phát triển ngành nông nghiệp, nhưng thực tế việc sử dụng hiện vẫn còn hạn chế. “Hiện nay, lượng phân bón sử dụng hàng năm của ngành trồng trọt là khoảng trên 10 triệu tấn, nhưng phân hữu cơ chiếm chưa đến 25%”, ông Thành dẫn chứng và nói rằng, tiềm năng khai thác nguồn chất thải từ nông nghiệp để xử lý thành phân bón phục vụ cho ngành trồng trọt còn rất lớn.
Không chỉ có tiềm năng để phát triển, về mặt chính sách, ông Thành cho biết, định hướng ngành chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, thì đến năm 2030 có 100% phụ phẩm cây trồng chính được thu gom, xử lý làm phụ phẩm thức ăn chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu đạt 95% lượng chất thải từ chăn nuôi được thu gom, xử lý làm phân bón hữu cơ phục vụ cây trồng, nuôi động vật khác, sản xuất năng lượng tái tạo và đầu vào cho các quá trình khác…
Ngoài ra, phấn đấu 3% tổng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi từ các trang trại ứng dụng công nghệ chăn nuôi theo chuỗi giá trị 4F (nông trại, thực phẩm, thức ăn và phân bón) và chăn nuôi tuần hoàn khép kín hoặc mở.
“Yêu cầu đối với ngành chăn nuôi phát triển theo kinh tế tuần hoàn là phải có hiệu quả kinh tế, giảm phát thải và phải có chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, kết nối được các mô hình trong chuỗi giá trị nông sản; phải có công cụ đánh giá việc sử dụng, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp”, ông Thành cho biết.
Khai thác phụ phẩm như một nguồn tài nguyên
Có tiềm năng và định hướng, nhưng bà Nguyễn Giang Thu, Phó vụ trưởng Vụ khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam. “Thực tế, tỷ lệ thu hồi và tái chế còn thấp, thậm chí trong nhận thức của các nhà làm chính sách cũng như người dân vẫn xem đây là nguồn phát thải cần xử lý, chứ không phải là tài nguyên, đầu vào cho các mô hình sản xuất khác”, bà dẫn chứng.
Theo TS Nguyễn Thế Hinh, Giám đốc Ban quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phụ phẩm nông nghiệp và chăn nuôi được xem là tài nguyên, nhưng đến thời điểm hiện tại đây là tài nguyên kém cạnh tranh hơn so với các nguồn tài nguyên khác. “Nguyên nhân chủ yếu của nguồn tài nguyên chất thải chăn nuôi kém cạnh tranh hơn so với các nguồn tài nguyên khác do chất thải chăn nuôi nằm rải rác, khiến chi phí thu gom rất cao, dẫn đến hiệu quả kinh tế khi sử dụng chất thải thấp hơn so với các nguồn tài nguyên khác”, ông Hinh giải thích.
Chính vì vậy, theo gợi ý của ông Hinh, cần có sự hỗ trợ từ chính sách để phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua chính sách thuế, chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ các mô hình thu gom.
Ông Thành của Cục chăn nuôi thì gợi ý, đối với cơ chế chính sách, thì đầu tiên phải hoàn thiện hệ thống thể chế về tái chế chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp; thứ hai, xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, sinh học để thay thế phân bón hoá học; thứ ba, xây dựng chính sách về giá điện sản xuất từ khí sinh học để khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn khai thác hết lượng khí dư thừa bán ra thị trường…
Để mô hình kinh tế tuần hoàn thành công, bà Giang Thu, cho rằng cách đây 20 năm, với các nước Bắc Âu, muốn quản lý một trang trại có số lượng bao nhiêu con bò, heo…, thì yêu cầu đầu tiên để được cấp phép là phải có đủ diện tích đất để sử dụng hoàn toàn lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi thải ra.
“Đây là hướng tôi nghĩ bây giờ các trang trại bò sữa chúng ta có thể sử dụng, nhưng phải gắn với liền với cơ chế quản lý của nhà nước để làm thế nào khép kín trang trại, tức sử dụng hết để không bị đẩy chất thải ra môi trường, tránh tạo ra ô nhiễm”, bà gợi ý.
Còn đối với xử lý nước thải, theo bà Giang Thu, nuôi trồng thuỷ sản sử dụng một khối lượng nước rất lớn, nhưng thời gian qua việc sử dụng này là không hợp lý do suy nghĩ xem nước là “nguồn tài nguyên vô tận, không mất chi phí”. “Thế nhưng, trong bối cảnh biến đội khí hậu, đặc biệt khi có nhiều công trình đập đã xây dựng trên sông Mekong, thì việc sử dụng nước đầu vào cần phải tính toán để đảm bảo hiệu quả kinh tế, tức phải sử dụng theo hướng tuần hoàn” bà gợi ý.
Ông Đỗ Anh Phong, Giám đốc Trung tâm thông tin của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn gợi ý, cần phải xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hoá về kinh tế tuần hoàn. “Ở đây là hoàn thiện cơ chế chính sách và văn bản quy phạm, đặc biệt là quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện các mô hình kinh tế tuần hoàn”, ông nói và cho rằng, đây là việc làm quan trọng nhằm đưa ra quy chuẩn sản xuất thương mại hoá, sử dụng các sản phẩm chế tạo tự phế phụ phẩm để thương mại hoá được.