Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Để sàn giao dịch lúa gạo không đi vào ‘vết xe đổ’

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc thiết lập sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo nói riêng cũng như ngành nông nghiệp nói chung là cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là làm sao để xây dựng thành công, tránh “vết xe đổ” của những sàn giao dịch hàng hoá đã xây dựng trước đó.

Đại diện một doanh nghiệp truy cập vào sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo (sanphupham.vn). Ảnh: Trung Chánh

Cách đây khoảng 14 năm, trước tình trạng nông dân bị ép giá cũng như vỡ nợ cà phê liên tục xảy ra bởi phương thức buôn bán truyền thống thông qua ký gửi tại các đại lý, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) đã thiết lập sàn giao dịch cà phê ở tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, hoạt động của sàn giao dịch này không hiệu quả, mà cụ thể, sản lượng cà phê giao dịch tại sàn cũng như số lượng người tham gia không cao. Trước bối cảnh như vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định cổ phần hoá và Công ty cổ phần Sở giao dịch cà phê và hàng hoá Buôn Ma Thuột (BCCE) đã ra đời.

Dù đã quyết định cho cổ phần hoá, nhưng sàn giao dịch nêu trên vẫn không thể hoạt động theo mô hình mới, cho nên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã “khai tử” sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột vào năm 2018.

Trong khi đó, vào hôm 19-12, Công ty cổ phần chỉ số nông nghiệp (Agri Index) đã công bố dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Dự án có mục tiêu kết nối các thành phần tham gia trong vòng tuần hoàn lúa gạo tại Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung với các đầu mối thương mại trên cả nước. Từ đó, tạo ra một nền tảng công nghệ hữu ích và mang lại giá trị thặng dư cao hơn từ cây lúa.

“Kéo” thương lái lên sàn

Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc, Giám đốc Agri Index chia sẻ, mô hình đầu tiên khi thực hiện sàn này chỉ có hai đối tượng là các nhà sản xuất trực tiếp và người mua trực tiếp. “Thế nhưng, khi chúng tôi thực hiện hoạt động kết nối giữa hai đối tượng này, thì hoàn toàn bị “khớp", bởi khi kết nối đơn hàng để hai bên giao dịch, thì nhà sản xuất yêu cầu hàng lên xe bên mua phải thanh toán, trong khi bên mua yêu cầu hàng về kho mới thanh toán cho bên cung cấp”, bà cho biết.

Theo bà Ngọc, việc không có người kết nối giữa người sản xuất trực tiếp và người mua trực tiếp là một khó khăn thực sự đối với đơn vị này. “Chúng tôi gặp hàng trăm doanh nghiệp, nhưng không nhận được sự hồi đáp nào”, bà nói và kể rằng, vào tháng 5-2022, khi đọc bài viết về “Câu chuyện thương lái” của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì bà mới nhận thấy được vai trò của thương lái.

Khi đó, Agri Index đã có 6 tháng nghiên cứu tiền khả thi lại toàn bộ mô hình của sàn giao dịch này. “Suốt bao nhiêu năm qua, có nhiều người được gọi là cò, thương lái, nhưng bây giờ chúng tôi gọi tất cả họ là doanh nghiệp thương mại”, bà Ngọc nói và cho biết trong thời gian nghiên cứu tiền khả thi, Agri Index đã quy tụ về sàn hơn 100 doanh nghiệp, trong đó, có trên 50 doanh nghiệp là những thương lái uy tín nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đồng hành, cố vấn, chia sẻ.

“Đến hôm nay (19-12), khi chúng tôi tổ chức công bố dự án thì đã quy tụ được 132 doanh nghiệp tham gia với khối lượng chào bán giữa các doanh nghiệp đề xuất là 20.000 tấn/tháng với tỷ lệ đề xuất thành công là 40% và khả năng giám sát giao dịch đề xuất trên sàn của chúng tôi hiện nay đảm bảo 100 giao dịch/ngày”, bà Ngọc nói.

Củi trấu sẽ được bán trên sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo. Ảnh: Trung Chánh

Phải kết nối được những con người với nhau

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo không đơn thuần chỉ là kết nối mua bán, mà quan trọng hơn là kết nối những con người, từ đồng ruộng tới ghe của thương lái, cho đến nhà máy của doanh nghiệp và ra thị trường.

Đặc biệt hơn, ở đây theo mô hình tuần hoàn của ngành lúa gạo, tức đó là vòng tròn của một ngành hàng, mà giá trị của ngành hàng xuất phát từ con người, tức là vòng tròn của những con người sẽ quyết định vòng tròn tuần hoàn của nền kinh tế. “Tôi nghĩ, hãy tư duy con người nhiều hơn là tư duy về vấn đề kinh tế, bởi tất cả thành công của vòng tuần hoàn là do con người”, ông nhận định.

“Người Trung Quốc tại sao họ thành công, giàu có?”, ông Hoan đặt câu hỏi và ông cho rằng, "300 năm trước họ qua khu vực Chợ Lớn (của TPHCM ngày nay) và thành công là nhờ vào vòng tròn các mối quan hệ, tức người này giúp người kia, người này kết nối người kia, người này tương hỗ với người kia để tạo ra một sức mạnh".

Với dự án khởi nghiệp sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo, theo ông Hoan, muốn thành công trong vòng tuần hoàn đó thì cần có một vòng tuần hoàn các mối quan hệ với nhau; phải biết bỏ qua các xung đột, lợi ích cá nhân để vòng tròn, những mắt xích không bị tách rời.

Bất kỳ một thành công nào, đôi lúc cũng xảy ra những “trục trặc”, đứt gãy, cho nên nếu có niềm tin, dự tính và chia sẻ với nhau, vòng tròn liên kết sẽ được giữ lại. “Còn nếu lúc đó chúng ta hoang mang, sợ mất phần, muốn lấy về phần mình, thì chắc chắn vòng tròn đó sẽ không còn, ngành nông nghiệp sẽ chịu rủi ro”, ông nói.

Chính vì vậy, một lần nữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng các thành phần trong sàn giao dịch phải học hỏi lẫn nhau nhau, chia sẻ cùng nhau, đặc biệt phải nghĩ cho nhau nhiều hơn thì mới thành công được.

Thay đổi “chất”, chứ không phải chỉ ở... tên gọi

Trao đổi với KTSG Online, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho rằng cách tiếp cận của sàn giao dịch lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung cần thoát khỏi câu chuyện “tên gọi mới”, nhưng cách vận hành không bắt kịp "ý nghĩa thật sự" của sàn giao dịch nông sản, tức vẫn là chợ gạo, chợ trái hay chợ cá.  “Câu chuyện sàn cà phê hay một số sàn giao dịch khác cũng đã thể hiện điều đó”, ông nói.

Vậy câu hỏi được đặt ra làm sao để một sàn giao dịch vận hành có hiệu quả?

Muốn vậy, theo ông Hiệp, thứ nhất cần phải có một không gian vật lý, tức phải có nơi như một trung tâm chẳng hạn để gắn với quy hoạch theo Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, trong đó có 8 trung tâm nông sản của vùng.

Thứ hai, phải được cụ thể hoá với các quy hoạch của địa phương đang làm, tức sàn giao dịch sẽ tích hợp, được hỗ trợ của rất nhiều yếu tố, bao gồm giao thông, logistics, phát triển hạ tầng nông nghiệp, thương mại…, để kết nối vào đó.

Thứ ba, là phải ứng dụng các giao dịch thương mại điện tử và công nghệ, cho nên, đòi hỏi ứng dụng công nghệ phải thuận lợi để các bên gặp nhau trên đó (bên cạnh không gian vật lý). Muốn vậy, phải kết nối hệ thống và nơi đó trở thành một cái “hub” (trung tâm) để thông tin truyền tải qua đó được xử lý nhằm kết nối nhu cầu mua, bán như sàn giao dịch chứng khoán.

Như vậy, theo ông Hiệp, thông tin về các mặt hàng nông sản phải tiến tới được mã hoá. “Muốn vậy, phải xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu của nông sản”, ông nói. Và ông cho rằng, điều này phải bắt đầu chuyển đổi từ vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc, phát triển hệ thống các chuỗi, chứ không đơn giản nói sàn giao dịch thì nó sẽ trở thành sàn giao dịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới