Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Để Tây Nguyên phát triển bền vững

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để Tây Nguyên phát triển bền vững

Phạm Thanh Thôi (1)

Để Tây Nguyên phát triển bền vững
Khu tái định cư của người Kơho ở xã Liên Hiệp, Đức Trọng, Lâm Đồng. Ảnh: PHẠM THANH THÔI

(TBKTSG) - Nhìn tổng thể về kinh tế, xã hội thì Tây Nguyên đã “thay da đổi thịt”so với trước đổi mới. Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh và tồn tại trong xã hội các tộc người tại chỗ không phải là ít và dễ giải quyết.

Từ chỗ chỉ có hơn 10 tộc người tại chỗ (bản địa), đến nay Tây Nguyên đã có đủ các tộc người từ các vùng miền khác di chuyển đến định cư sinh sống. Quan hệ giữa các tộc người ở Tây Nguyên đã chuyển sang một bức tranh mới. Từ chỗ mỗi tộc người có một không gian sinh tồn (một địa vực sinh thái núi rừng, sông suối, đồng ruộng, nương rẫy) khác nhau, nay đã chuyển sang cư trú xen kẽ giữa các tộc người, trong đó người

Kinh chiếm đa số. Nhiều tộc người, cư trú xen kẽ dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ các tiếp xúc về mặt kinh tế, văn hóa và biến đổi sâu đậm trong đời sống của từng tộc người.

Tây Nguyên nay là nơi biểu hiện rõ nhất tình trạng các tộc người tại chỗ thiếu đất sản xuất. Kể từ năm 2002 đến nay, chính quyền các tỉnh đã giải quyết đất ở và đất sản xuất cho 59.164 hộ, với khoảng 26.370 héc ta. Theo báo cáo của Vụ Địa phương II (thuộc Ủy ban Dân tộc)(2), Tây Nguyên hiện có đến 20.481 hộ thiếu đất ở và đất sản xuất (là chủ yếu). Có thể nói, thiếu đất sản xuất trong các tộc người tại chỗ ở Tây Nguyên ngày càng nghiêm trọng hơn khi tỷ lệ tăng dân số, tách hộ ngày càng cao. Hơn nữa, quỹ đất được cấp phần lớn chưa đến 1 héc ta/hộ, đất lại nằm ở vị trí sườn đồi dốc khó sản xuất và cư dân thì thiếu vốn để đầu tư phân bón và nguồn nước để trồng thâm canh. So với năm 2000, riêng ở Daklak, tình trạng thiếu đất sản xuất trong các hộ thuộc tộc người tại chỗ hiện nay tăng hơn 60% (Ban Dân tộc tỉnh Daklak). Ở Kon Tum, địa phương được xem là đất rộng người thưa, vậy mà hiện có đến 6.400 hộ gia đình không có đất sản xuất.

Không còn du canh luân khoảnh với nền kinh tế tự cung tự cấp, đa phần các tộc người tại chỗ ở Tây Nguyên sau năm 1980 đã định canh định cư và tồn tại trong bối cảnh của nền kinh tế hàng hóa. Sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp thâm canh các loại cây công nghiệp và chăn nuôi chuồng trại luôn đòi hỏi kỹ thuật, nguồn vốn cao và chịu sự chi phối của giá cả trên thị trường. Theo đó, đã có không ít hộ trở nên giàu có hơn với khoản tiền thu được từ nền kinh tế hàng hóa này. Tuy nhiên, số lượng các hộ gặp khó khăn, rơi vào hoàn cảnh nghèo đói, thất nghiệp, lao động không có thu nhập cũng nhiều hơn. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn vùng có giảm trong 10 năm qua (hiện là 13,64%), nhưng đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo trong các tộc người tại chỗ lại tăng lên nhanh chóng.

Các chương trình về nhà ở, giáo dục, dạy nghề, y tế, nước sạch, trợ vốn sản xuất,... đều có đến với các buôn/làng. Tuy nhiên, tình trạng phân tán nguồn vốn, nguồn lực trong đầu tư của hầu hết các chương trình/dự án phát triển khiến cho các hộ gia đình vẫn mãi gặp khó khăn. Việc xây dựng nguồn nhân lực quản lý và thích nghi với điều kiện kinh tế-xã hội mới trong các tộc người tại chỗ vẫn chưa mang lại kết quả. Tỷ lệ học sinh trung học phổ thông của các tộc người tại chỗ còn rất thấp (cụ thể, Kon Tum có 27,5%, Daklak có 13,6%, Dak Nông có 13,9%...).

Rõ ràng các vấn đề kinh tế-xã hội nơi các tộc người tại chỗ vẫn còn nhiều. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn nêu lên một số nhận xét:

- Có nhận diện đúng các thách thức từ mỗi cộng đồng tộc người thì mới có được những chính sách hợp lý để phát triển bền vững. Tây Nguyên đang có những mâu thuẫn xã hội khá cơ bản giữa và trong các tộc người, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đất đai và văn hóa tộc người.

- Nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách bị phân tán, chồng chéo, dàn trải, không phù hợp với đặc điểm văn hóa và kinh tế từng tộc người. Cần xem xét lại vai trò cầm trịch của các bộ ngành trong vấn đề phát triển và đầu tư.

- Cơ chế quản lý chồng chéo giữa các bộ ngành, các cấp quản lý khiến cho nguồn lực đầu tư phát triển khi đến cộng đồng dân cư bị xé nhỏ và dàn trải. Từ chính sách lớn và nguồn lực đầu tư mang tầm quốc gia, khi đến địa phương chỉ còn là những việc “vụn vặt”, mang giá trị thành tích, không thực tế.

Những tồn tại trong phát triển của cộng đồng các tộc người tại chỗ ở Tây Nguyên đang gia tăng. Tình trạng phân hóa về mức sống và hưởng quyền sử dụng đất đai là quá khác biệt giữa các nhóm người. Những mâu thuẫn tộc người, những vấn nạn xã hội, những mặt xấu có sức hủy diệt bản sắc văn hóa dân tộc cũng đang gia tăng. Thiếu đất, không có việc làm, nghèo đói đưa đến những đứt gãy trong lối sống và văn hóa truyền thống giữa các thế hệ trong từng tộc người đã thấy rõ. Những hệ lụy tiếp theo về mặt xã hội trong cộng đồng đa tộc người như Tây Nguyên là chưa thể nói trước được. Nhưng chắc sẽ rất lớn, nếu như không có những giải pháp căn cơ về cơ chế quản lý để nguồn lực được tập trung cho phát triển bền vững các cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên ngay từ hôm nay.

(1) Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.

(2) Báo cáo của hội thảo khoa học “Quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên từ đổi mới đến nay: những vấn đề và giải pháp”, Buôn Ma Thuột, ngày 4-7-2014.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới