Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Để thị trường trái phiếu chính phủ thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế

Vân Phong (thực hiện)

(KTSG Online) - Đầu tháng 7 này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường vốn, trong đó có mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính.

Chia sẻ với KTSG Online về việc thực hiện mục tiêu này, Thạc sĩ Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, cho rằng Chính phủ cần giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, lãi suất, cân bằng giữa ngân sách và tỷ lệ nợ công hợp lý. Cùng với đó là đa dạng hóa các chủ thể tham gia thị trường để phát hành trái phiếu chính phủ với kỳ hạn dài hơn và mức lãi suất thấp hơn.

KTSG Online: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thị trường trái phiếu chính phủ trong việc huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách nhà nước, gắn với tái cơ cấu nợ chính phủ những năm gần đây?

- Thạc sĩ Đinh Tuấn Minh: Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần vay vốn cho các khoản chi tiêu của chính phủ, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn đầu sau khi đất nước đổi mới, chúng ta dựa nhiều vào nguồn vốn được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, chính phủ phát hành trái phiếu với quy mô hạn chế và vay vốn trên thị trường quốc tế với lãi suất cao, kỳ hạn ngắn do quy mô nền kinh tế lúc đó khá nhỏ, thị trường vốn chưa có.

Từ năm 2009, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ cho các tổ chức tài chính trong nước khi thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng dần hình thành.

Trong giai đoạn 2009-2013, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về nợ công, suy giảm kinh tế do ảnh hưởng từ kinh tế thế giới nên quy mô và kỳ hạn trái phiếu huy động trong nước còn hạn chế.

Trong giai đoạn 2014-nay, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định hơn, mức lãi suất chung của nền kinh tế tương đối thấp, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá được duy trì ổn định nên Chính phủ đã huy động được trái phiếu với lãi suất thấp hơn và kỳ hạn dài hơn.

Cụ thể, hơn 2,47 triệu tỉ đồng vốn đã được huy động cho ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước trong vòng 12 năm, theo số liệu của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 206.000 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội và 28,3% tổng vốn đầu tư của khu vực nhà nước năm 2020.

Lãi suất huy động vốn trung bình đã giảm 4-6%/năm trên tất cả các kỳ hạn. Tại kỳ hạn 5 năm, lãi suất giảm từ mức 10,49%/năm trong 2009 xuống còn 1%/năm trong 2021. Còn tại kỳ hạn 10 năm, giảm từ mức 9,7%/năm trong 2009 xuống còn 2,06%/năm trong 2021.

Kỳ hạn phát hành của trái phiếu chính phủ tăng từ mức 2-3 năm vào năm 2009 lên mức 12,2 năm vào năm 2021. Điều này giúp giảm tỷ trọng vay nước ngoài trong cơ cấu nợ công, từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% năm 2015 và 34,8% năm 2021.

Đó là những thành công của Chính phủ trong việc xây dựng được thị trường vốn để huy động được nguồn vốn trong nước với chi phí thấp.

 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tăng cường đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Ảnh: TTXVN

KTSG Online: Mục tiêu gia tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ của các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng khác lên 50% vào năm 2020 chưa đạt được. Nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng này?

- Với các quỹ hưu trí, thực tế Chính phủ chưa tạo lập được một thị trường riêng dành cho nhóm này.

Với các cơ quan bảo hiểm xã hội và công ty bảo hiểm, phần nhiều là là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa với đa số sở hữu nhà nước nên gặp rất nhiều rào cản khi đầu tư vào những kênh, lĩnh vực có khả năng sinh lời do các quy định hiện hành của cơ quan quản lý.

Với các quỹ đầu tư, họ thường tập trung nguồn vốn vào các kênh thị trường tài sản có khả năng sinh lời cao như chứng khoán hoặc quỹ phát triển bất động sản. Nhóm này chưa có nhiều nhu cầu với trái phiếu chính phủ.

Như vậy, các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng chưa tham gia nhiều vào thị trường trái phiếu chính phủ chủ yếu tới từ việc cơ sở hạ tầng của thị trường Việt Nam chưa đáp ứng được những điều kiện về lợi nhuận, pháp lý như mong muốn.

Với riêng các ngân hàng thương mại, lợi tức được hưởng từ việc trái phiếu chính phủ hiển nhiên thấp hơn so với kênh tín dụng. Tuy nhiên, ngân hàng có thể dùng trái phiếu làm giấy tờ có giá để mua bán trên thị trường mở hoặc vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với mức lãi suất thấp và cũng có thể bán hoặc cho bên khác mượn trái phiếu để kiếm lời. Điều này giúp các ngân hàng nhanh chóng huy động vốn ngắn hạn cho các nghiệp vụ khác nhau, đặc biệt là khi cần cải thiện thanh khoản.

Đây cũng là yếu tố khiến các ngân hàng thương mại vẫn là chủ thể giao dịch chính trên thị trường trái phiếu với tỷ trọng chiếm khoảng hơn 80%.

Trái phiếu chính phủ có lẽ sẽ được các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư quan tâm khi thị trường thứ cấp phát triển. Khi đó, tương tự như các ngân hàng thương mại, họ nắm giữ trái phiếu như là một loại tài sản có tính thanh khoản cao thay vì nắm giữ nhiều tiền mặt.

KTSG Online: Như vậy chúng ta cần ưu tiên phát triển thị trường vốn, bao gồm thị trường trái phiếu chính phủ để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư?

- Yếu tố quan trọng nhất để thị trường vốn Việt Nam tăng quy mô là khả năng hấp thụ vốn của các khu vực, gồm Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách cổ phần hoá.

Với Chính phủ và các địa phương là khả năng lập và thực thi kế hoạch giải ngân, sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả.

Với doanh nghiệp tư nhân là khả năng kinh doanh để mở rộng quy mô, qua đó thu hút nhà đầu tư qua việc phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách cổ phần hoá, Chính phủ cần có giải pháp để bán cổ phần doanh nghiệp với giá cao, rồi dùng số tiền thu về để tái đầu tư cho nền kinh tế.

Mấu chốt là chúng ta có thể hấp dụng lượng vốn đầu tư, huy động, rồi phân phối vốn cho các lĩnh vực, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Khi đó nhà đầu tư sẽ tự tìm đến.

KTSG Online: Với nhu cầu nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ước tính khoảng 1.676 -1.778 tỉ đô la Mỹ cho cả giai đoạn 2021-2030, dường như việc chỉ huy động vốn trong nước từ các ngân hàng là không đủ?

- Như đã nói ở trên, vấn đề chính với Chính phủ và các cơ quan quản lý nằm ở khâu giải ngân và sử dụng nguồn vốn, chứ không phải huy động vốn. Số giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 192.200 tỉ đồng, bằng 35,3% kế hoạch năm. Trong đó nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ phân bổ, giải ngân vốn thấp.

Bên cạnh yếu tố dịch bệnh và giá nguyên vật liệu tăng cao còn có tình trạng lựa chọn dự án chưa tốt, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết. Ngoài ra, thủ tục nghiệm thu, quyết toán, giải ngân vốn còn phức tạp.

Có thể nó, trong một dự án đầu tư, những khó khăn, vướng mắc mà dự án gặp phải không chỉ do Luật Đầu tư công. Một dự án đầu tư công khi được triển khai thực hiện phải chấp hành không chỉ quy định của Luật Đầu tư công mà tùy thuộc tính chất dự án, còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan khác, gồm Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các luật chuyên ngành khác... Thậm chí, còn cả các điều ước, cam kết quốc tế.

Nếu Chính phủ giải quyết những vướng mắc này, giúp việc giải ngân thực hiện đúng tiến độ và sử dụng nguồn vốn hiệu quả thì việc huy động nguồn vốn từ trong và ngoài nước, bao gồm cả vốn đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ không quá khó khăn. Đặc biệt là trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đa dạng hoá kênh và tài sản đầu tư để tăng tính an toàn.

KTSG Online: Vậy việc phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế liệu có cần thiết?

- Yếu tố quan trọng nhất vẫn là quản trị nợ công. Trong hoạt động quản trị ngân sách quốc gia, nhà điều hành có thể huy động vốn từ thị trường trong nước hoặc quốc tế.

Nếu Chính phủ quá tập trung vào huy động vốn từ thị trường trong nước sẽ dẫn tới tình trạng “chèn lấn” nguồn lực với khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, đẩy mặt bằng lãi suất tăng, khiến dòng vốn vào các thị trường vốn như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp giảm sút.

Nếu Chính phủ bảo đảm tốt các cán cân vĩ mô thì có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ cho các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế với mức lãi suất thấp và kỳ hạn dài hơn, qua đó hạn chế tình trạng “chèn lấn” nguồn lực với khu vực kinh tế tư nhân và các thị trường vốn khác. Đồng thời, tạo dư địa để đầu tư cho các công trình hạ tầng dài hạn như cảng biển, cảng hàng không và đường cao tốc.

KTSG Online: Ông có lưu ý gì khi huy động vốn từ thị trường quốc tế trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đang thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm hạn chế rủi ro lạm phát và suy thoái?

- Việc huy động vốn cần dựa trên nhu cầu, khả năng giải ngân của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương. Nhưng nên hướng dòng vốn này vào các công trình hạ tầng dài hạn.

Thực tế dòng tiền từ nước ngoài chảy vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh hiện tại cũng sẽ góp phần duy trì tỉ giá ổn định, đồng nội tệ không bị mất giá. Như vậy, nền kinh tế sẽ không chịu thiệt hại.

Điều quan trọng nhất là khả năng quản trị tài chính quốc gia của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, tránh để xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tới tỷ giá và lãi suất, khiến Chính phủ phải chịu trách nhiệm trả nợ nhiều hơn ở thời điểm đáo hạn khoản vay chứ không phải việc nên hay không nên huy động vốn ở thời điểm này.

KTSG Online: Đề xuất của ông để phát triển thị trường trái phiếu chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính theo mục tiêu của Chính phủ?

- Cần xây dựng chính sách và hành lang pháp lý để phát triển trái phiếu chính quyền địa phương. Hiện quyền hạn, cơ chế phát hành, lãi suất và kỳ hạn phát hành trái phiếu với các địa phương chưa được quy định rõ, khiến địa phương không dám và không có phương thức triển khai.

Tôi cho rằng nên cho phép các tỉnh, thành có thặng dư ngân sách được phát hành trái phiếu để huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Ngoài ra, cần xây dựng một thị trường với sự tham gia của các đơn vị có khả năng đánh giá tín nhiệm của các đơn vị phát hành, trái chủ và các sản phẩm trái phiếu. Đây là kênh tham chiếu quan trọng với các cá nhân, tổ chức đầu tư trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần tập trung hình thành thị trường trái phiếu thứ cấp, với nhiều gói sản phẩm trái phiếu phù hợp, áp dụng cho cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương, và trái phiếu doanh nghiệp, nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới