(KTSG) - Việt Nam đang đứng trước một thập niên quan trọng để khai thác tối đa cơ hội của dân số vàng trước khi bước vào giai đoạn dân số già hóa. Nếu không có những hành động quyết liệt nhằm nâng cao năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững, chúng ta có nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
- TPHCM tìm giải pháp đột phá để thoát bẫy thu nhập trung bình
- Trung Quốc có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu phạm sai lầm trong chiến tranh thương mại

Bẫy thu nhập trung bình (MIT - Middle Income Trap) là một tình trạng mà tại đó một quốc gia đạt được mức thu nhập trung bình nhưng không thể tiến xa hơn để trở thành quốc gia thu nhập cao. Theo Ngân hàng Thế giới, ngưỡng thu nhập cao hiện nay được định nghĩa là GDP trên mỗi người vượt 12.000 đô la Mỹ mỗi năm. Với mức GDP trên đầu người khoảng 4.600 đô la, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Thực tế, có đến 108 trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang “mắc kẹt” trong bẫy thu nhập trung bình. Ngược lại, chỉ có 13 nền kinh tế đã vượt qua được bẫy này trong hơn 60 năm qua, bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và sắp tới có thể là Trung Quốc.
Thách thức khi dân số dần già hóa
Ngoài việc phải đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam còn đang bước vào giai đoạn dân số già hóa nhanh chóng. Theo dự báo của Liên hiệp quốc, trong khoảng thời gian từ năm 2015-2035, tỷ lệ người trên 60 tuổi của Việt Nam sẽ tăng từ 12% lên 25% tổng dân số. Sự chuyển đổi này đồng nghĩa với việc lực lượng lao động trẻ sẽ giảm dần, trong khi nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tăng lên, tạo áp lực lớn lên hệ thống xã hội và kinh tế. Đây là một thách thức kép đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện và bền vững để tránh bị tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển khác.
Thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thường không diễn ra theo lộ trình tuyến tính. Thay vào đó, các quốc gia thành công thường đạt được những giai đoạn bứt phá trong thời gian tương đối ngắn.
Dân số trẻ có một ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi kinh tế. Bài học từ các quốc gia thành công trong việc vượt bẫy thu nhập trung bình cho thấy họ đều thực hiện được điều đó trong giai đoạn dân số trẻ, ở một độ tuổi mà người ta thường sẵn sàng làm việc và sẵn sàng tiếp thu cái mới. Nếu không giải quyết được vấn đề này trong thập niên tới thì cơ hội thoát bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam sẽ hẹp lại. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách quyết liệt và tận dụng những làn sóng thay đổi lớn của thời đại.
Bài học từ các quốc gia vượt bẫy thu nhập trung bình
Thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thường không diễn ra theo lộ trình tuyến tính. Thay vào đó, các quốc gia thành công thường đạt được những giai đoạn bứt phá trong thời gian tương đối ngắn. Minh chứng rõ nét là ba nền kinh tế Đông Á - Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc - đã có bước nhảy vọt so với mức thu nhập bình quân thế giới vào những mốc riêng biệt: Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ giai đoạn 1974-1978 và 1986-1996, Đài Loan ở thập niên 1980-1990, Trung Quốc từ sau năm 2000. Những giai đoạn này đều gắn với chính sách công nghiệp hóa xuất khẩu, cải cách thể chế và đầu tư công nghệ, giúp nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống người dân.
Sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc đối mặt với tình trạng kinh tế suy kiệt và tỷ lệ thất nghiệp cao. Từ thập niên 1960, chính phủ triển khai chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, tận dụng lao động rẻ và thị trường nước ngoài. Thông qua hàng loạt “Kế hoạch 5 năm” và chính sách khuyến khích chaebol (Samsung, Hyundai, LG), Hàn Quốc dần thoát khỏi đói nghèo, ban đầu phát triển công nghiệp nhẹ, rồi lấn sang công nghiệp nặng và hóa chất (HCI) để tạo đột phá.
Giai đoạn 1974-1978: Tập trung phát triển công nghiệp nặng với sản xuất quy mô lớn. Hàn Quốc tập trung xây dựng các nhà máy thép, đóng tàu, sản xuất máy móc - các ngành đòi hỏi vốn lớn nhưng giá trị gia tăng cao. Khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 gián tiếp mở ra cơ hội để Hàn Quốc cung cấp hàng hóa công nghiệp cạnh tranh. Các biện pháp tín dụng ưu đãi, trợ cấp thuế và nỗ lực nâng cao kỹ năng lao động đã giúp năng suất tăng nhanh. Thu nhập bình quân khởi sắc, đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, đồng thời khẳng định hiệu quả của định hướng công nghiệp nặng.
Giai đoạn 1986-1996: Chuyển dịch sang công nghệ cao. Tiến vào thập niên 1980, Hàn Quốc nhận thấy công nghiệp nặng không đủ duy trì tăng trưởng lâu dài. Thỏa thuận Plaza Accord (1985) khiến đồng yen Nhật tăng giá, vô tình hỗ trợ hàng xuất khẩu Hàn Quốc. Nhanh chóng, chính phủ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tập trung vào điện tử, bán dẫn, ô tô. Từ những năm 1986-1996, hàng loạt sản phẩm công nghệ cao “made in Korea” ra đời, nâng giá trị xuất khẩu và thu nhập người dân. Đến cuối thập niên 1990, nước này gia nhập nhóm công nghiệp mới (NICs), trở thành “kỳ tích sông Hàn”.
Ban đầu, Đài Loan dựa vào xuất khẩu hàng dệt may, lắp ráp điện tử đơn giản và đồ nhựa để thoát nghèo, nhưng mô hình giá trị gia tăng thấp đe dọa rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Từ năm 1980, chính quyền thành lập Khu công nghệ Tân Trúc (Hsinchu Science Park) như “Thung lũng Silicon” thu nhỏ, với hạ tầng tốt, ưu đãi thuế, vốn vay lãi suất thấp, kết nối các trường đại học và viện nghiên cứu như ITRI. Qua đó, Đài Loan thu hút kỹ sư, chuyên gia trong và ngoài nước, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán dẫn, linh kiện điện tử, máy tính.
Khác biệt lớn của Đài Loan là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) - nổi tiếng linh hoạt và giàu tinh thần đổi mới. Hàng loạt quỹ, ngân hàng chính sách, bảo lãnh tín dụng giúp SME đầu tư R&D, nâng cấp máy móc, thúc đẩy năng suất trên diện rộng. Cuối thập niên 1980 và suốt thập niên 1990, nhu cầu máy tính, thiết bị điện tử toàn cầu bùng nổ, tạo “cú hích” xuất khẩu. Đài Loan nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất chip, linh kiện điện tử hàng đầu, duy trì tăng trưởng GDP 7-8%/năm. Thu nhập bình quân của người dân tăng mạnh, đưa Đài Loan vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Trung Quốc là trường hợp gần đây nhất với tiềm năng cao thoát bẫy thu nhập trung bình. Bước vào năm 2000, nền kinh tế này đã có hai thập niên “cải cách và mở cửa”. Gia nhập WTO (2001) đưa Trung Quốc lên vị thế “công xưởng thế giới,” cung cấp khối lượng lớn hàng hóa giá rẻ. Từ năm 2000-2010, GDP thường xuyên tăng trên 9%/năm, kéo thu nhập bình quân tăng đáng kể. Tận dụng nguồn lao động dồi dào, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hiện đại hóa dây chuyền, Trung Quốc đẩy mạnh đô thị hóa và dịch chuyển cơ cấu kinh tế.
Nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình, Trung Quốc không chỉ dựa vào nhân công giá rẻ. Từ năm 2012, mô hình “tăng trưởng mới” (new normal) tập trung nhiều vào tiêu dùng nội địa, ngành dịch vụ và nâng cấp công nghệ. Tốc độ tăng trưởng chậm hơn trước, nhưng thu nhập vẫn cao, tầng lớp trung lưu phát triển, đưa Trung Quốc dần tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao.
Từ câu chuyện của ba nền kinh tế trên thì chúng ta có thể rút ra được ba yếu tố cốt lõi để vượt bẫy thu nhập trung bình:
- Thứ nhất, chọn đúng thời điểm đẩy nhanh cải cách cấu trúc - giáo dục, thu hút FDI chất lượng cao, hấp thụ công nghệ - trong bối cảnh kinh tế quốc tế biến động, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
- Thứ hai, duy trì tính liên tục của chiến lược, hạn chế biến động lớn khi chuyển giao nhiệm kỳ, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư và người dân.
- Thứ ba, kết hợp đầu tư công nghệ với đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp quản trị để hiện đại hóa gắn liền với cải thiện năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Soi rọi các bài học đó về câu chuyện của Việt Nam thì trong hai thập niên qua, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, tận dụng hiệp định thương mại tự do và nguồn nhân lực trẻ. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động vẫn xoay quanh lắp ráp, gia công giá trị thấp, trong khi doanh nghiệp sở hữu công nghệ then chốt còn ít. Kết quả là giá trị gia tăng chưa giữ lại nhiều, vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu chưa bứt phá. Thiếu thương hiệu quốc tế và liên kết sâu với FDI là rào cản nâng cao năng suất một cách bền vững.
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ lại trao cho chúng ta một cơ hội lớn trong nhiều thập niên qua. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), mang lại cơ hội cho Việt Nam rút ngắn khoảng cách so với các nước phát triển. Nếu đầu tư đúng cách, Việt Nam có thể xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp công nghệ, qua đó tạo đột phá trong chuỗi giá trị và cải thiện năng suất. Thập niên tới sẽ mang tính quyết định, vì rủi ro và cơ hội đã rõ ràng hiện hữu trước mặt.
(*) CFA
(**) UEL