Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất bố trí 1.800 tỉ đồng làm đường ngang, hầm chui đường sắt

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị bố trí 1.800 tỉ đồng trong giai đoạn 2026-2031 để xây dựng khoảng 300 đường ngang và 150 hầm chui, hoàn thành mục tiêu đến 2025 xóa bỏ tất cả lối đi tự mở qua đường sắt gây mất an toàn giao thông.

Ngành đường sắt dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 xây dựng mới 297 đường ngang và 149 hầm chui để xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt. Ảnh: VGP

Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026-2031 để thực hiện Dự án xây dựng đường ngang, hầm chui để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt, theo TTXVN.

Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, hiện trên mạng lưới đường sắt quốc gia có 4.772 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, có 1.510 đường ngang gồm 677 đường ngang có người gác, 9 đường ngang có hệ thống cảnh báo tự động, 738 đường ngang cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn (barie) tự động và 86 đường ngang chỉ có biển báo.

Về lối đi tự mở, còn đến 3.262 vị trí, chiếm tỷ lệ 68% tổng số điểm giao cắt. Trước đó, từ tháng 12-2020 đến tháng 6-2024 ngành đường sắt đã xóa bỏ được 838 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm, giảm được gần 22%. Riêng sáu tháng đầu năm 2024 xóa bỏ được 66 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm.

Trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại bốn “điểm đen” và 1.010 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, giảm 77 điểm so với cuối năm 2023.

Tại Quyết định 358/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt” nêu rõ, đến 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 xây dựng mới 297 đường ngang và 149 hầm chui.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng công trình này và các công trình phụ trợ khác như cầu vượt, hàng rào, đường gom... chưa được bố trí theo lộ trình.

Do đó, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị bố trí dự kiến 1.800 tỉ đồng, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031 để tiến hành xây dựng 297 đường ngang và 149 hầm chui nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Tối 28-7, tàu hỏa SNT5 đang chạy theo hướng Bắc - Nam khi đi tới vị trí đường ngang Km 1696+458 (giao cắt giữa đường sắt và đường Phạm Văn Thuận, TP Biên Hòa) thì va chạm với một xe ô tô chở bốn người đi từ đường hẻm không có rào chắn ra. Do bị tàu hỏa đâm trúng nên xe bán tải văng vào xe rác gần đó, tai nạn khiến một nhân viên thu gom rác và một người trên xe ô tô tử vong tại chỗ. Ba người còn lại trên xe ô tô bị thương, trong đó có hai người bị thương nặng.

Theo báo cáo ngày 29-7 của Phòng thanh tra An toàn III (Cục Đường sắt Việt Nam), nguyên nhân ban đầu dẫn đến tai nạn được xác định lỗi  tiên là do người lái xe không tuân thủ theo biển cảnh báo khi tàu hỏa đến. Một phần nguyên nhân là do trách nhiệm của địa phương đã không quyết liệt thực hiện Quyết định 358/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xóa bỏ lối đi tự mở trên địa bàn quản lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới