Thứ Sáu, 5/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất các nhóm giải pháp để nền kinh tế bứt phá

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, trong đó các đại biểu đề xuất các nhóm giải pháp để kinh tế bứt phá trong những tháng cuối năm.

Các đại biểu thảo luận tại tổ, cho ý kiến về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 -Ảnh: Quochoi.vn

Theo Quochoi.vn, thảo luận tại tổ ngày 25-5, các đại biểu Quốc hội đánh giá tác động từ bên ngoài rất lớn, cộng thêm vấn đề nội tại của Việt Nam chưa khắc phục triệt để, nên ngay từ đầu năm 2023, nền kinh tế đã gặp nhiều khó khăn.

Để có giải pháp thích hợp, đồng bộ và bứt phá trong những tháng cuối năm, các đại biểu Quốc hội đề xuất các nhóm giải pháp:

Chính phủ phải có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Kịch bản đối phó ngắn hạn cần linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ và một trong giải pháp chính là giảm VAT. Việc giảm thuế sẽ khuyến khích tăng cầu, trước hết là tăng cầu tiêu dùng, mỗi một người dân đều được hưởng lợi, sau đó tăng được số lượng hàng hóa tiêu thụ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.

Điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn vốn. Đầu tư nước ngoài hiện đang là vấn đề lớn khi chúng ta phải đối mặt luật chơi mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, đó là thuế tối thiểu toàn cầu.

Nếu Việt Nam không thích ứng, hàng loạt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ bỏ đi. Vì vậy, cần bắt tay ngay sửa đổi các đạo luật liên quan đến đầu tư, trước mắt là ban hành Luật thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam.

Tập trung giải phóng năng lực trong nước, tạo động lực và cơ hội cho các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, doanh nghiệp startup phục hồi và phát triển. Đề nghị không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh cải cách thể chế, cần thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế mới đủ tầm để xác định đâu là đột phá. Có 3 đột phá mà cải cách thể chế cần hướng tới là đột phá vào thể chế tổ chức nhân sự, thể chế kinh tế trong đó chế độ sở hữu là quan trọng và thể chế văn hóa.

Nhóm giải pháp nữa là chỉnh đốn nội vụ cán bộ, nên có chuyên đề giám sát tối cao về việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong hệ thống hành chính nhà nước. Nghiên cứu kỹ việc tăng lương để đảm bảo mức sống cho người lao động, đặc biệt là người hưởng lương hưu; đồng thời cơ cấu lại tiền lương bằng tinh giảm biên chế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới