(KTSG Online) - Sở Công Thương TPHCM vừa gửi kiến nghị đến Bộ Công Thương, đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý hiệu quả và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
- Sắp có nghị định siết chặt quản lý hàng xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử
- Nghiên cứu xây cổng thương mại điện tử cho cá nhân kinh doanh khai, nộp thuế
Cơ quan này cho hay, mặc dù mang lại nhiều lợi ích, thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức mới về quản lý như đảm bảo chất lượng hàng hóa, chống hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn thông tin. Sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài, đã khiến việc quản lý trở nên phức tạp hơn, TTXVN đưa tin.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực xúc tiến thương mại cho thấy đã xuất hiện những dấu hiệu vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử như quảng cáo, khuyến mại vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ... Những dấu hiệu vi phạm diễn ra phổ biến trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, mạng xã hội trong thời gian gần đây cũng đang gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường phân phối, bán lẻ và tiêu dùng.
Đối mặt với tình hình trên, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo, khuyến mại trên các nền tảng thương mại điện tử. Cụ thể, cần áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính nghiêm khắc, bao gồm tạm dừng hoặc đình chỉ hoạt động của các website, nền tảng vi phạm.
Bộ Công Thương có thể chủ động rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành về thương mại điện tử, tập trung vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng thời, nhà chức trách cũng có thể nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến thuế, hải quan, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong nước.
Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở đề xuất các giải pháp như hoàn thiện cơ chế thu thuế đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo, siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử.