Thứ bảy, 24/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất chính sách ưu tiên để người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội

Thùy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, hôm nay (24-5), các đại biểu đã thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, đại biểu kiến nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm chính sách ưu tiên để hỗ trợ cho người thực sự muốn mua nhà.

Trong 5 năm qua, cả nước mới có 679 dự án, trong đó hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn, tương đương 15% mục tiêu. Ảnh: LÊ VŨ

TTXVN đưa tin, đại biểu từ Trà Vinh nêu lên vấn đề, nguồn cung nhà ở xã hội đang rất ít và thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Người có nhu cầu khó tiếp cận được sản phẩm phù hợp. Trong đó, công nhân, người thu nhập thấp vẫn đang phải sống trong điều kiện thuê nhà trọ không ổn định.

Đại biểu cho rằng, dự thảo còn thiếu chính sách ưu tiên đặc biệt cho người dân mua nhà ở xã hội, là những người thụ hưởng trực tiếp và cũng là lực kéo quan trọng nhất cho thị trường nhà ở xã hội hiện nay.

Trước hết, người dân có nhu cầu lại khó tiếp cận được vốn vay hoặc khi tiếp cận được vốn vay thì gánh nặng tài chính lại khá lớn. Chẳng hạn, người mua nhà ở xã hội vay được 500 triệu đồng để mua một căn hộ trung bình với lãi suất là 4,8%/năm trong vòng 25 năm. Hàng tháng, người mua nhà phải trả là 3,7 triệu đồng, trong đó tiền lãi là khoảng 2 triệu đồng, còn lại 1,7 triệu đồng là tiền gốc. Nếu có mức lương 8 triệu đồng, người này chỉ còn lại 4,3 triệu đồng để xoay xở chi tiêu cho cả gia đình là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn lệ thuộc vào các nhà đầu tư nhưng doanh nghiệp lại e ngại vì thị trường đầu ra thiếu ổn định. Những chính sách đã ban hành chỉ thiên về hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Từ đó, đại biểu kiến nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm chính sách ưu tiên để hỗ trợ cho người thực sự muốn mua nhà ở xã hội. Đại biểu cho rằng nên cho vay ưu đãi dài hạn từ quỹ nhà ở quốc gia hoặc Ngân hàng chính sách xã hội đồng thời cấp bù lãi suất hoặc hỗ trợ giá thuê nhà, đơn giản điều kiện cho vay và có thể dùng căn hộ đó để làm tài sản đảm bảo. Chính sách này có thể triển khai ở các tỉnh, thành phố lớn có đông lực lượng công nhân lao động.

Một số đại biểu cho ý kiến về việc cắt giảm thủ tục hành chính trong dự thảo nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án nhà ở xã hội. Để gỡ vướng mắc về giá, đại biểu đề xuất tách riêng giá bán và giá thuê mua nhà ở xã hội đồng thời phân cấp cho chủ doanh nghiệp chủ động xác định giá, còn cơ quan quản lý chỉ tiến hành hậu kiểm.

Giải trình làm rõ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, trong 5 năm qua, cả nước mới có 679 dự án, trong đó mới hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn, tương đương 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay mới được 15.600 căn hoàn thành, còn 19.492 căn khởi công, như vậy mới đạt 44% mục tiêu.

Theo Bộ trưởng, nếu theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thông qua đấu thầu, riêng thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày. Do đó, dự thảo nghị quyết đã có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục.

Về giá nhà ở xã hội, trước đề xuất cần quy định giá sàn, bộ trưởng khẳng định không thể quy định theo giá sàn, trong thời gian tới sẽ có hướng dẫn để địa phương thực hiện. Khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính sẽ phê duyệt giá dự toán. Theo bộ trưởng, giá nhà ở xã hội chỉ được vênh lên 10% so với dự toán.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới