Thứ năm, 3/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất cơ chế đặc thù cho 11 dự án BOT với kinh phí gần 14.800 tỉ đồng

Bình Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - 11 dự án BOT gồm cầu Việt Trì - Ba Vì, hầm Đèo Cả, cầu An Hải và một số dự án nâng cấp quốc lộ được Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc với kinh phí gần 14.800 tỉ đồng.

Dự án mở rộng hầm Đèo Cả được đề xuất hỗ trợ từ vốn nhà nước khoảng 2.280 tỉ đồng. Ảnh: TL

Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm đưa ra cơ chế và chính sách đặc thù để giải quyết những vướng mắc trong một số dự án hạ tầng giao thông theo mô hình hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), baochinhphu.vn đưa tin.

Bộ Xây dựng cho biết, Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc tại các dự án BOT giao thông ký trước Luật Đối tác công tư (PPP) nhằm cải thiện môi trường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy phát triển hạ tầng.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho 11 dự án BOT giao thông ký trước khi Luật này có hiệu lực, bao gồm cầu Việt Trì - Ba Vì nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32C; cầu Thái Hà kết nối Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; hầm Đèo Cả (gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân); cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; đường tránh thành phố Thanh Hóa trên quốc lộ 1; đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp quốc lộ 3; nâng cấp quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đoạn qua tỉnh Đắk Lắk; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91; nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc; cải tạo, nâng cấp đường 39B; cầu An Hải (Phú Yên).

Nguyên tắc hỗ trợ các dự án BOT giao thông gồm tuân thủ đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định, không dùng vốn nhà nước để giải quyết vi phạm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, tránh trục lợi chính sách, thoái thác trách nhiệm.

Bộ Xây dựng đề xuất bố trí 14.223 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2024 cho 9/11 dự án. Ngân sách địa phương chịu 576 tỉ đồng để xử lý vướng mắc 2/11 dự án thuộc thẩm quyền địa phương.

Trong đó, dự thảo cũng đề xuất hỗ trợ vốn nhà nước cho một số dự án BOT trong giai đoạn khai thác gồm bổ sung 598 tỉ đồng cho cầu Việt Trì - Ba Vì; bổ sung 1.024 tỉ đồng cho cầu Thái Hà; bổ sung 2.280 tỉ đồng cho hầm Đèo Cả; bổ sung 4.580 tỉ đồng cho cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Ngoài ra, bộ cũng đề xuất trong trường hợp điều chỉnh hợp đồng và chấm dứt trước thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và bên cho vay phải điều chỉnh hợp đồng tín dụng, phương án trả nợ theo doanh thu thực tế. Đồng thời, giảm lợi nhuận vốn chủ sở hữu và lãi suất vay để thời gian vận hành không kéo dài hơn hợp đồng đã ký.

Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, vốn chủ sở hữu sẽ không được tính lợi nhuận khi thanh toán; vốn vay sẽ áp dụng lãi suất 4%/năm từ khi dự án đi vào hoạt động đến khi có quyết định chấm dứt hợp đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới