(KTSG Online) - Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
- TPHCM đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công 12% trong quí 1-2024
- Kéo dài thời gian giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2024
Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng ngày 16-1, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đề ra giải pháp để tạo điều kiện cho địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo tờ trình này, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ, nhằm tháo gỡ các khó khăn. Nội dung cơ bản gồm 8 cơ chế đặc thù.
Theo đó, về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, đối với cơ chế ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, cho phép địa phương sử dụng vốn cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Mục tiêu hướng đến là để cho một số nhóm của các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.
Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Việc này để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, về cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, Chính phủ đề xuất quy định chủ dự án khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa trong phạm vi nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.