(KTSG Online) - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải vừa có văn bản gửi UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, đề nghị được nghiên cứu và đầu tư xây dựng cao tốc Nha Trang - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP).
- Sửa Luật Đầu tư công: tránh cơ chế ‘xin – cho’
- Việt Nam – UAE ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện
Theo TTXVN, quốc lộ 27C, tuyến đường huyết mạch nối Nha Trang và Đà Lạt, đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đèo Khánh Lê hiểm trở cùng với tình trạng sạt lở thường xuyên và nhu cầu vận tải ngày càng tăng đã khiến tuyến đường này quá tải và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Với dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, thời gian di chuyển giữa hai thành phố sẽ được rút ngắn còn khoảng 1,5 - 2 giờ so với 3,5 - 4 giờ hiện nay. Đồng thời, dự án sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Hiện tại, tập đoàn Sơn Hải đang tập trung công tác chuẩn bị đầu tư và đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Dự kiến, cao tốc dài 80,8 km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100 km/h, thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2028. Dự án đi qua tỉnh Khánh Hòa 44 km, đi qua tỉnh Lâm đồng khoảng 36,8 km, có 2 đường hầm xuyên núi với 5 nút giao, trung bình 20 km/nút.
Dự án cao tốc sẽ bắt đầu từ xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa và kết thúc tại ngã ba Darahoa, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là gần 18.000 tỉ đồng và phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu nhất cho dự án, đảm bảo chất lượng công trình, tính bền vững và hạn chế tối đa tác động đến môi trường.
Đặc biệt, việc lựa chọn tuyến đường phù hợp và áp dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp khắc phục địa hình phức tạp, tạo ra công trình giao thông hiện đại, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.