Thứ năm, 13/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất mở rộng thêm điện hạt nhân quy mô nhỏ trên cả nước

Bình Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị phát triển cả điện hạt nhân tập trung và quy mô nhỏ trên phạm vi toàn quốc, xác định thêm ít nhất 3 trong 8 địa điểm tiềm năng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ngoài hai dự án ở Ninh Thuận.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Chiều 12-2, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh), baochinhphu.vn đưa tin.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh quy hoạch và phải hoàn thành nhiệm vụ trước 28-2-2025.

Chính phủ yêu cầu tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và phát triển hợp lý điện khí hóa lỏng, đồng thời, từng bước khôi phục, phát triển điện hạt nhân nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, sạch, bền vững.

Chính phủ cũng đã sửa đổi Luật Điện lực sau 20 năm, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển năng lượng mới. Bộ Công Thương đang hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, dự kiến công bố sớm. Bộ Công Thương đã phối hợp các bên hoàn thiện dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, lấy ý kiến rộng rãi và chuẩn bị trình thẩm định.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các tham vấn để hoàn thiện dự thảo điều chỉnh. Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh cần phát triển tối đa năng lượng tái tạo nhưng phải lựa chọn vùng phù hợp. Thủy điện và thủy điện tích năng cần được khai thác triệt để vì vừa là năng lượng sạch vừa là nguồn điện nền.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết sẽ phát triển điện hạt nhân theo cả mô hình tập trung và quy mô nhỏ trên toàn quốc.

"Trong quy hoạch lần này đề nghị là đến năm 2030 cũng phải xác định không phải chỉ là Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân", Bộ trưởng phát biểu.

Trong dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam có 8 vị trí tiềm năng để phát triển điện hạt nhân, nằm tại 5 tỉnh thành thuộc miền Trung. Mỗi vị trí có thể phát triển nhà máy với công suất 4-6 GW.

Trong đó, 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận) đã có quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, các vị trí khác tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Hà Tĩnh cũng đang được xem xét.

Chia sẻ từ góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ủng hộ tái khởi động dự án nhưng cảnh báo xây dựng nhà máy vào năm 2031 là thách thức lớn, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân lực.

Tương tự, The ông Ngô Tuấn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, việc tái khởi động hai dự án điện hạt nhân là bước đi chiến lược, cần thiết để đảm bảo nguồn cung dài hạn.

Với kinh nghiệm từ các nghiên cứu trước đây, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian thực hiện, hoàn thành hai nhà máy trong 5-6 năm nếu có quyết tâm và cơ chế phù hợp.

Ngoài ra, ông Ngô Tuấn Kiệt cùng đề cập Việt Nam cần phát triển kinh tế miền Trung để giảm áp lực truyền tải điện ra miền Bắc và miền Nam. Dù có tiềm năng năng lượng tái tạo, khu vực này chưa được khai thác đúng mức. Việc phát triển hợp lý sẽ giúp tận dụng nguồn lực tại chỗ và giảm rủi ro cho hệ thống truyền tải.

Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 chương, được xây dựng trên cơ sở khoa học, khách quan, tuân thủ chặt chẽ các quy định và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, năng lượng của Đảng, Nhà nước.

Quy hoạch đã tính toán các kịch bản nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện với chi phí tối thiểu, phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Một số chỉ tiêu quan trọng gồm:

  • Điện thương phẩm: khoảng 500-558 tỉ kWh vào năm 2030, hướng đến 1.238-1.375 tỉ kWh năm 2050.
  • Công suất cực đại: 90-100 GW năm 2030, tăng lên 206-228 GW năm 2050.
  • Tổn thất điện năng: 6% năm 2030, giảm còn 5% vào năm 2050.
  • Phát thải khí nhà kính: 204-254 triệu tấn năm 2030, giảm xuống 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới