Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất mức phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá là 80.000 đồng/bộ cấp mới

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đề án thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O). Trong đó, dự kiến mức thu chung là 80.000 đồng/bộ C/O cấp mới và 30.000 đồng/bộ đối với trường hợp cấp lại, cấp bổ sung.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện cơ quan này đang cấp C/O không thu phí.

Thuỷ sản xuất khẩu cần được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Ảnh: Trung Chánh

Trong đề án thu phí chứng nhận C/O, Bộ Công Thương xác định chi phí tính cho 1 lần cấp mới C/O được xác định bằng tổng chi phí phát sinh bình quân trong 1 năm chia cho tổng số lượng C/O được cấp trong 1 năm, cơ quan thu phí là cơ quan nhà nước.

Theo đó, Bộ Công Thương tính toán, chi phí phát sinh trong 1 năm là 75,77 tỉ đồng, bao gồm chi phí phục vụ công tác chứng nhận xuất xứ hàng hoá là 39,92 tỉ đồng, chi phí công tác kiểm tra, xác minh trước và sau khi cấp C/O (40% số lượng hồ sơ) là 27,15 tỉ đồng và chi phí đào tạo, phổ biến kiến thức và chi phí khác là 8,7 tỉ đồng.

Trong khi đó, tổng số hồ sơ được cấp trong 1 năm tạm tính là 1,26 triệu bộ. Năm 2021 đã cấp 1.163.924 bộ C/O. Như vậy, mức thu tính cho 1 bộ C/O cấp mới được Bộ Công Thương xác định là 60.135 đồng.

Đối với trường hợp cấp lại, cấp bổ sung, Bộ Công Thương cho rằng, lần cấp này chỉ tính đến chi phí phục vụ công tác chứng nhận xứ xứ hàng hóa cho tổng số lượng C/O được cấp mới trong 1 năm. Ước tính, chi phí này khoảng 35% giá trị của một bộ C/O cấp mới, tức 60.135 đồng x 35% là 21.047 đồng/bộ. Mức phí này áp dụng với cơ quan thu phí là cơ quan nhà nước.

Với cơ quan thu phí không phải là cơ quan nhà nước, chi phí tính cho 1 lần cấp mới C/O cũng được xác định bằng tổng chi phí phát sinh bình quân 1 năm chia cho tổng lượng hồ sơ cấp trong 1 năm.

Theo đó, tổng chi phí phát sinh trong 1 năm là 32,566 tỉ đồng, trong khi số bộ hồ sơ cấp trong 1 năm tạm tính là 400.000 bộ (theo số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, số bộ C/O đã cấp trong năm 2021 là 372.151 bộ). Như vậy, mức thu phí tính cho 1 bộ C/O cấp mới là 80.415 đồng.

Trường hợp cấp lại, cấp bổ sung với cơ quan thu không phải là cơ quan nhà nước cũng được tính tương tự như trường hợp cơ quan thu là cơ quan nhà nước, tức 80.415 đồng nhân cho 35%, sẽ là 28.145 đồng/bộ C/O.

Căn cứ vào mức thu cấp mới và cấp lại, cấp bổ sung C/O đối với cơ quan thu là cơ quan nhà nước và cơ quan thu không phải là cơ quan nhà nước, Bộ Công Thương đề xuất, mức thu phí chung đối với cấp mới là 80.000 đồng/bộ và cấp lại, cấp bổ sung là 30.000 đồng/bộ.

Đối với thương nhân được tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá, Bộ Công Thương cho biết, việc xác định mức thu căn cứ trên mức chi phí cho tổ chức đào tạo và cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ cho học viên; kiểm tra, xác minh năng lực của doanh nghiệp; kiểm tra định kỳ về hoạt động tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá tại doanh nghiệp.

Căn cứ vào những yếu tố nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất, mức thu với nội dung này là 1 triệu đồng/thương nhân và thời điểm thu là khi thương nhân được cấp văn bản chấp thuận được tự chứng nhận xuất xứ.

Theo Bộ Công Thương, mỗi C/O tương ứng với một lô hàng xuất khẩu. Nếu tính trung bình mỗi lô hàng tương ứng với 1 container, với hàng dệt may 1 container có giá trị khoảng 700.000-800.000 đô la Mỹ thì chi phí cho mỗi C/O chỉ khoảng 3,4 đô la Mỹ.

“Như vậy, mức phí C/O chỉ chiếm một tỷ trọng hết sức nhỏ trong cơ cấu giá thành sản phẩm, trong khi lợi nhuận đem lại rất to lớn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng ngàn cho đến hàng chục ngàn đô la Mỹ do được hưởng ưu đãi thuế hoặc không bị áp dụng các biện pháp trừng phạt (thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp). Do vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng để nộp phí”, đề án của Bộ Công Thương viết.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng so sánh với mức phí chứng nhận xuất xứ của Việt Nam so với một số nước trong khu vực ASEAN cho thấy, mức phí của Việt Nam là rất thấp.

Cụ thể, Campuchia mức phí cho 1 bộ C/O từ 277.000 đồng đến 1,3 triệu đồng; Thái Lan là 166.000 đồng và Singapore là 150.000 đồng.

Về tỷ lệ để lại đối với số thu cấp C/O, trong đề án Bộ Công Thương cho biết, tỷ lệ số phí thu được trích lại cho cơ quan thu phí là cơ quan nhà nước là 75%. Trong khi đó, tỷ lệ số phí thu được trích để lại cho cơ quan thu phí không phải là cơ quan nhà nước là 100%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới