(KTSG Online) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định mới về trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, mức trợ cấp cơ bản được đề xuất là 500.000 đồng/tháng và sẽ có những quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện hưởng.
- Kiến nghị thành lập cơ quan chuyên trách về đổi mới sáng tạo
- Đến 2030, ngành đường sắt sẽ đóng các toa tàu khách có vận tốc 120km/h

Dự thảo Nghị định này sẽ làm rõ từng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 về trợ cấp hưu trí xã hội, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7, TTXVN đưa tin.
Để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định tại Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội, công dân Việt Nam phải đủ 75 tuổi trở lên hoặc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 70 tuổi trở lên, đồng thời không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội khác và có đơn đề nghị.
Theo đề xuất, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng 500.000 đồng. Nếu đang hưởng cả trợ cấp xã hội, họ sẽ được hưởng mức cao hơn.
Ngoài mức trợ cấp hàng tháng, người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi qua đời sẽ được hỗ trợ chi phí mai táng 10 triệu đồng.
Dự thảo quy định, những người đã đủ 70 tuổi trước ngày 1-7 sẽ được hưởng trợ cấp ngay từ tháng 7 năm 2025. Còn những người chưa đủ tuổi sẽ bắt đầu nhận trợ cấp từ tháng sinh nhật lần thứ 70.
Sáng ngày 29-6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 93,42% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Trong đó, bộ luật mới đã bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo thống kê, cả nước có khoảng 1,5 triệu người từ 75 đến 80 tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định hiện hành.
Để chi trả trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/người/tháng, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ cần khoảng 9.046 tỉ đồng mỗi năm. Riêng năm 2025, con số này sẽ tăng thêm 4.500 tỉ đồng. Tổng kinh phí ước tính cho giai đoạn 2025-2030 dao động khoảng 40.500 tỉ đồng.
Với 500 nghìn mỗi tháng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì những người già neo đơn, cơ nhỡ khá là khó khăn để xoay xở trong việc sinh hoạt. Nhà nước nên cân nhắc đến phương án trợ cấp ở mức 5 triệu một tháng…
Cả nước có khoảng 10 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp. Con số thật đáng lo. Từ 70 tuổi trở lên, chắc chắn là thường xuyên đau ốm, nằm viện… Từ 80 trở lên, chắc cũng chả còn sống được bao lâu nữa. Vậy nên nhà nước cần phải có một mạng lưới chính sách an sinh nhằm giảm bớt những khó khăn cho người dân, nhất là những người thuộc diện yếu thế, yếu lực. Thẻ bảo hiểm y tế là điều kiện thiết yếu nhất, đề nghị cấp đủ 100% cho các đối tượng có yêu cầu. Tiếp đến là trợ cấp chi phí sinh hoạt, mức thấp nhất cũng cũng không thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định pháp luật. Ngân sách trung ương + địa phương + nguồn lực xã hội hóa chắc chắn đáp ứng đủ nguồn lực cho công tác hết sức quan trọng này. Không ai bị bỏ lại phía sau. Trước tiên và trên hết là người cao tuổi, gia cảnh khó khăn, cô đơn, bệnh tật. Đó chính là mệnh lệnh, tính nhân văn cao cả mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng.