(KTSG Online) - Dự thảo về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã đưa ra đề xuất về việc ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 6 tháng trở lên, TTXVN đưa tin.
- Covid-19 là bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1-4
- TPHCM: 58.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hơn 4.800 tỉ đồng
Theo thông tin từ TTXVN, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi để hoàn thiện dự thảo về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Trong đó có quy định là người sử dụng lao động phải nộp thêm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên tổng số tiền trốn đóng, tương tự tiền chậm nộp thuế hiện nay.
Cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.
Nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan có thẩm quyền sẽ kiến nghị khởi tố theo quy định.
Dự thảo này cũng bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động là cần bồi thường cho người lao động nếu doanh nghiệp không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ.
Cũng theo bản tin của TTXVN, các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 năm trở lên đang chiếm tỷ lệ cao. Tính riêng giai đoạn từ năm 2016-2020, tỷ lệ này chiếm trên 30%. Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội khó có khả năng thu hồi cũng từ mức hơn 1.560 tỉ đồng lên khoảng 2.600 tỉ đồng trong giai đoạn này.