(KTSG Online) – Tiếp tục đợt 2 kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội ngày 19-6 đã thảo luận dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi), tranh luận, làm rõ các quy định phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất.
Theo Quochoi.vn, trao đổi về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Hiển, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, người thu nhập thấp chủ yếu là công nhân, lao động mới đi làm, trong khi nhà ở là tài sản quá lớn so với khả năng tài chính của đại bộ phận người có thu nhập thấp. Điều này có thể dẫn đến hệ quả người dân khai man về thu nhập để được mua nhà, hoặc người đầu cơ mượn tên công nhân để đăng ký mua.
Bên cạnh đó, với những ưu đãi với phát triển nhà ở xã hội hiện nay, chủ đầu tư sẽ chọn xây nhà để bán, thu hồi vốn nhanh hơn. Ít chủ đầu tư quan tâm tới phân khúc quản lý vận hành nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở xã hội vì khó làm, thu hồi vốn chậm. Vì thế cần tránh tình trạng đảm bảo cho người thu nhập thấp được sở hữu nhà ở xã hội, thay vì đảm bảo cho họ quyền có chỗ ở.
Thúc đẩy phát triển dự án nhà ở, cam kết mua nhà với mức giá hợp lý để cho thuê dài hạn và giải quyết dòng tiền đầu ra cho chủ đầu tư, đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng cần tách bạch quy định, chính sách loại hình nhà ở để bán với nhà ở cho thuê và thuê mua; tập trung phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê, thay vì bán để giảm gánh nặng tài chính cho người thu nhập thấp.
Việc tạo cơ chế ưu đãi với nhà ở cho thuê cũng đáp ứng nhu cầu và điều kiện kinh tế của đại bộ phận lao động trẻ trong xu hướng dịch chuyển ngày càng nhiều đến các khu vực kinh tế trọng điểm, thành phố lớn, đô thị. Nhà nước cần có chính sách đột phá để phát triển nhà ở cho thuê cả loại hình thương mại lẫn xã hội; đảm bảo cho thuê là một loại hình kinh doanh khép kín với trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc ban quản lý.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, TPHCM cũng đồng tình nên phát triển nhà cho thuê, chứ không chỉ tập trung xây dựng nhà ở xã hội. Theo đại biểu, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động và đặc biệt là tại các đô thị lớn, nhà nước cần có gói hỗ trợ cho các chủ nhà trọ với lãi suất "0 đồng" để nâng cấp hệ thống nhà cho thuê, nhà trọ hiện nay, đảm bảo được chuẩn hóa, đảm bảo được những tiêu chuẩn do luật quy định.
Theo tờ trình của Chính phủ, đến nay toàn quốc đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với 157.000 căn; đang triển khai 418 dự án quy mô 432.000 căn. Chính phủ đặt mục tiêu đến 2030 có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn; tổng vốn dự kiến là 849.000 tỉ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.
Có nhiều hình thức đa dạng để người lao động lựa chọn cho phù hợp với khả năng thu nhập của mình. Mua/ Thuê/ Thuê mua… Vấn đề là giá cả/ lãi suất và thời hạn phù hợp. Đối với người có thu nhập trung bình, mức chi trả về nhà ở không thể vượt quá 50% thu nhập ròng hàng tháng. Do vậy cần thiết kế các chính sách hỗ trợ tín dụng dài hơi, nhất là thời gian cho vay dài hạn để mua nhà ít nhất phải từ 15-20 năm.