(KTSG Online) - Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, quá trình sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng Đông Nam bộ vẫn còn một số hạn chế như chất lượng nguồn lao động và chất lượng việc làm chưa cao. Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động của vùng đã được đưa ra.
- Phát triển vùng Đông Nam bộ với ‘Tư duy đổi mới – Đột phá mới – Giá trị mới’
- Đông Nam bộ cần ‘áo mới’ về cơ chế để phát triển hạ tầng giao thông
Theo Chinhphu.vn, quá trình sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng Đông Nam bộ vẫn còn một số hạn chế như chất lượng nguồn lao động và chất lượng việc làm chưa cao; bất bình đẳng về thu nhập, mức sống của các tầng lớp dân cư có xu hướng tăng.
Tại hội nghị về phát triển vùng Đông Nam bộ và xúc tiến đầu tư vùng được tổ chức vừa qua, nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động của vùng được đề ra. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung là kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh xã hội bền vững.
Ngoài ra, hệ thống thông tin thị trường lao động cần hoàn thiện; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; cải thiện điều kiện làm việc và điều kiện sống của công nhân lao động…
Tập trung đào tạo nghề cho người lao động, nhất là các ngành nghề về khoa học - kỹ thuật - công nghệ; đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)…
Triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất mở rộng sản xuất, kinh doanh; đa dạng hoá các nguồn tín dụng; tạo việc làm mới, việc làm xanh...
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Vùng Đông Nam bộ tập trung nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất nhất cả nước với hơn 353.000 doanh nghiệp, chiếm 41,2% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước năm 2021 và hơn 5,3 triệu lao động đang làm việc tại đây.