Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất nhiều giải pháp quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại Hội thảo tham vấn về chính sách quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị diễn ra ngày 28-7, nhiều đề xuất được đưa ra như đề xuất ứng dụng mô hình “thành phố bọt biển” để quản lý ngập lụt, ứng dụng công nghệ bê tông cốt phi kim đúc sẵn trong xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị...

Đường Hồ Học Lãm ngập sâu. Ảnh: Minh Hoàng
Giải pháp “thành phố bọt biển” được cho là có nhiều lợi ích trong quản lý ngập lụt đô thị. Trong ảnh là môt đoạn đường ở TPHCM xảy ra ngập khi mưa kéo dài. Ảnh: Minh Hoàng

TTXVN thông tin, hội thảo về tham vấn về chính sách quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị diễn ra ngày 28-7 đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục những khó khăn về hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Về quản lý ngập lụt đô thị, theo TTXVN, đại diện cao cấp của GIZ đề xuất ứng dụng mô hình “thành phố bọt biển”. Đây là mô hình mô tả các khu vực đô thị có nhiều diện tích tự nhiên như cây xanh, hồ nước và công viên, nhằm mục đích hấp thụ nước mưa và giảm thiểu ngập úng đô thị.

Giải pháp này được cho là có nhiều lợi ích như giúp các đô thị bảo vệ được hệ sinh thái bằng cách tối đa hóa việc bảo vệ các sông, hồ, đất ngập nước, ao; hạn chế các tác động đến môi trường sinh thái khi xây dựng và phát triển đô thị; giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường nước.

Trong xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, diễn giả của hội thảo đề xuất việc ứng dụng công nghệ bê tông cốt phi kim đúc sẵn. Hiện nay, công nghệ bê tông cốt phi kim đúc sẵn đang nằm trong danh mục công nghệ cao và sản phẩm được ưu tiên đầu tư. Công nghệ này đã được ứng dụng trong xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu tại nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về vấn đề cơ chế, chính sách, TTXVN cho biết, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành quy trình kỹ thuật liên quan đến thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị; nghiên cứu, xây dựng luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm đô thị phù hợp.

Ngoài ra, nhiều giải pháp phát triển đô thị khác cũng được đề cập tại hội thảo như nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ hoặc có cơ chế thích hợp để Tổng công ty Điện lực Hà Nội có nguồn vốn thực hiện việc hạ ngầm các đường dây, cáp hạ thế trên địa bàn; nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng đường dây, cáp hữu tuyến trong đô thị; khuyến khích và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Tính đến tháng 12-2022, cả nước đã có 888 đô thị, tăng 133 đô thị so với năm 2010. Hiện nay, việc quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị còn gặp những khó khăn như biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp; quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị còn thiếu đồng bộ; tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng, suy giảm chất lượng môi trường vẫn còn diễn ra; một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới