Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất phân cấp, phân quyền thực hiện các dự án hạ tầng cho Đồng bằng sông Hồng

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online ) - Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng sông Hồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nội dung, trong đó, đáng chú ý là nhóm phân cấp, phân quyền để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng liên kết vùng.

Thủ tướng trao quyết định Quy hoạch cho các địa phương vùng ĐBSH. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 9-5, tại Trụ sở Chính phủ, đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, theo TTXVN.

Cụ thể, năm nhóm cơ chế, chính sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra gồm nhóm chính sách về phân cấp, phân quyền thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng liên kết vùng; nhóm chính sách về phân cấp tài chính - ngân sách; nhóm chính sách về thu hút nhân tài, sử dụng nguồn nhân lực và lao động chất lượng cao; nhóm chính sách về phát triển logistics và công nghiệp hỗ trợ; nhóm chính sách về huy động, sử dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với đó là các địa phương có kế hoạch để phổ biến bản Quy hoạch vùng ĐBSH này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.

Theo Chinhphu.vn, đối với Quy hoạch vùng ĐBSH, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển, liên kết vùng trong thời gian tới với 12 từ khóa là "truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững".

Theo Thủ tướng Chính phủ, phương châm, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển. Còn các yếu tố nền tảng là phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thúc đẩy 3 đột phá chiến lược; tập trung phát triển các động lực mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và liên kết vùng.

Cùng với đó, ứng phó, khắc phục các thách thức, hạn chế, bất cập, như già hóa dân số; khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa, tài nguyên con người; bảo vệ môi trường; khắc phục hạn chế về nhân lực chất lượng cao.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; có nền công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước; là trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái, thu nhập cao; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới