(KTSG Online) - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa báo cáo Bộ Xây dựng, đề xuất mức thu phí cao tốc Bến Lức - Long Thành là 2.000 đồng/km/xe quy chuẩn.
- Bộ Xây dựng duyệt phương án thu phí 5 tuyến cao tốc
- Hơn 18km cao tốc Bến Lức – Long Thành được thông xe

VEC cho biết cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58km, kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, đồng thời liên kết cảng hàng không quốc tế Long Thành, các khu công nghiệp và cảng biển lớn, baochinhphu.vn đưa tin.
Dự án có tổng vốn đầu tư lớn, sử dụng vốn ODA từ JICA, ADB và vốn đối ứng trong nước. Quá trình thi công gặp nhiều khó khăn nhưng các đoạn tuyến hiện đã cơ bản hoàn thành.
Cụ thể, từ tháng 2, các đoạn Km0 - Km3+420 và Km50+530 - Km57+581 đã khai thác tạm; đến tháng 4-2025, vận hành thêm đoạn Km3+420 - Km21+850. Toàn tuyến dự kiến hoàn thành trong năm 2026.
Theo VEC, việc sớm thu phí là cần thiết để đảm bảo hiệu quả đầu tư, duy trì vận hành ổn định và an toàn tài chính. Nguồn thu này cũng là cơ sở duy nhất để VEC trả nợ vay ODA và vận hành các tuyến cao tốc khác do đơn vị quản lý.
Việc thu phí cao tốc Bến Lức - Long Thành là giải pháp then chốt để cân đối tài chính cho cả 5 dự án VEC đầu tư. Nếu chậm triển khai, phương án tài chính sẽ bị phá vỡ, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ và an toàn tài chính. Ngoài ra, do tuyến có nhiều công trình lớn, chi phí vận hành, bảo trì rất cao; không thu phí sẽ thiếu kinh phí duy tu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
VEC cho biết mức thu 2.000 đồng/km phù hợp phương án tài chính đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, cân đối giữa khả năng chi trả của người dân và yêu cầu tài chính doanh nghiệp. Đơn vị này cũng đề xuất điều chỉnh giá 3 năm/lần, mỗi lần tăng 12%.
VEC cho biết việc phân loại phương tiện thu phí sẽ dựa trên Nghị định 130/2024. Thời gian thu phí chính thức sẽ được thông báo công khai theo quy định tại Thông tư 34/2024 về hoạt động trạm thu phí đường bộ.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành, khởi công vào năm 2014, dài gần 58km, đi qua các tỉnh TPHCM, Đồng Nai và Long An, với tổng mức đầu tư ban đầu là 31.300 tỉ đồng, hiện giảm xuống còn hơn 29.500 tỉ đồng.
Tuyến đường có 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, với tốc độ tối đa 100km/h. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hai vùng Đông và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chậm do khó khăn về chính sách đầu tư và thiếu vốn.