(KTSG Online) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, sáng nay (14-4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Trong đó, Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân cho Thủ tướng Chính phủ thay cho Quốc hội như luật hiện hành.
- Pháp muốn tham gia dự án điện hạt nhân của Việt Nam
- Dự án điện hạt nhân cần có cơ chế đặc thù để ‘về đích’ đúng hẹn

TTXVN đưa tin, theo tờ trình của Chính phủ, mục đích xây dựng dự án luật nhằm thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử. Bên cạnh đó là tăng cường quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử…
Về phân cấp, phân quyền, Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân.
Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh, thành phố cấp phép cho thiết bị X-quang trong chẩn đoán y tế. Do đó, dự kiến tại Nghị định hướng dẫn luật sẽ tiếp tục phân cấp từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho UBND các tỉnh, thành phố cấp giấy phép thiết bị X-quang y tế, nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ có mức độ rủi ro thấp; chuẩn bị và ứng phó sự cố.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); đề nghị tiếp tục rà soát, tham chiếu, đảm bảo tương thích với điều ước quốc tế như công ước về an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, cam kết của Việt Nam tại các hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, quan điểm chung là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng đối với dự án điện hạt nhân phải cân nhắc thận trọng, báo cáo kỹ lưỡng với Quốc hội vấn đề này. Theo ông, dự án nhà máy điện hạt nhân tiềm ẩn nguy cơ tác động môi trường, kinh tế - xã hội, vấn đề di dân thực hiện dự án và nguồn vốn rất lớn… Đây đều là tiêu chí của dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề năng lượng hạt nhân là vấn đề mới, cần làm rõ cơ sở, tác động và ảnh hưởng của phân cấp, phân quyền trong thực hiện các dự án năng lượng hạt nhân. Chủ trương các dự án lớn sẽ do Quốc hội quyết định, còn dự án cụ thể (công suất dưới 2.000MW) sẽ chủ động giao Chính phủ quyết định chủ trương.