(KTSG Online) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) vừa đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhằm tạo môi trường kinh doanh bền vững, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất rút ngắn thủ tục chọn nhà thầu
- Bộ Xây dựng yêu cầu ngăn chặn tình trạng ‘thổi giá’ bất động sản
Theo Bộ KHCN, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện hành đã có hiệu lực từ năm 2008. Tuy nhiên, sau 16 năm thực thi, bộ luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hiện nay, việc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 còn nhiều bất đồng giữa các bộ ngành, do Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa quy định rõ ràng, gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ người tiêu dùng và môi trường.
Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay còn chồng chéo do nhiều bộ ngành cùng quản lý, dẫn đến các quy định kiểm tra khác nhau.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xây dựng dựa trên các nguyên tắc như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế sâu rộng và bảo đảm ổn định kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, việc đưa mã số, mã vạch vào quản lý sản phẩm không chỉ là một giải pháp hiệu quả để đảm bảo chất lượng hàng hóa mà còn là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
Chính vì vậy, Bộ KHCN đề xuất bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.
Với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà chức tránh đang tích cực đề xuất việc ứng dụng các công nghệ như mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Các bộ, ngành và địa phương phối hợp với bộ triển khai ứng dụng công nghệ để giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.