(KTSG Online) – Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV ngày 6-6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình về tình hình rút bảo hiểm một lần, việc 4.240 hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhiều năm, nay bị treo lương hưu. Tham gia giải trình, Bộ Tài chính cho biết sẽ đề xuất xây dựng gói 23.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động khó khăn.
- Bảo hiểm xã hội lên tiếng việc thu bảo hiểm sai luật đối với chủ hộ kinh doanh
- Người dân TPHCM thức xuyên đêm chờ rút bảo hiểm xã hội một lần
Quochoi.vn đưa tin, trả lời chất vấn về việc cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện không đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của 4.240 hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXH) nhiều năm mà nay bị treo lương hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định việc thu BHXH bắt buộc với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương nhưng chưa phát hiện tiêu cực.
Đây là trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện là BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương. Việc này đã phát hiện, bộ đã làm việc với cơ quan BHXH và có văn bản chấn chỉnh. Ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ trưởng Lao động - Thương Binh và Xã hội thông tin, thời gian vừa qua, những trường hợp đang thu bảo hiểm thì chưa giải quyết được, còn phần đa các địa phương đã xử lý linh hoạt cho các chủ hộ kinh doanh. Nhiều trường hợp đã chuyển sang đóng BHXH tự nguyện, có trường hợp cho thoái thu, có trường hợp xin được tiếp tục đóng BHXH bắt buộc.
Đồng thời trong chương trình xây dựng pháp luật tới đây có việc sửa luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan soạn thảo đã dự kiến đưa chủ hộ kinh doanh vào diện đóng BHXH bắt buộc.
Vì vậy Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội kiến nghị Thường vụ Quốc hội xem xét công nhận, đảm bảo quyền lợi, bổ sung vào nghị quyết cho phép Chính phủ thực hiện cộng nối quá trình đóng BHXH cho người lao động, nếu có nhu cầu sang BHXH bắt buộc.
TTXVN đưa tin, sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp khó khăn khiến nhiều lao động mất việc làm, một bộ phận chọn rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Tình trạng này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu BHXH toàn dân.
Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH một lần dễ dàng như Việt Nam, bởi theo thông lệ quốc tế chỉ cho rút BHXH trong 2 trường hợp mắc bệnh nan y hoặc định cư nước ngoài.
Để giảm và không còn tình trạng rút BHXH một lần đòi hỏi nhiều giải pháp, nhất là tạo công ăn việc làm, thu nhập, giúp đời sống người lao động tốt hơn; việc lập quỹ hỗ trợ người lao động theo đề xuất của đại biểu Quốc hội cũng là giải pháp tốt.
Ông Dung cho rằng, việc dừng rút BHXH một lần là rất khó khăn và nguyên tắc là tiếp tục. Quyết định trong trường hợp nào được rút, rút như thế nào và mức độ rút sẽ do Quốc hội quyết định trong kỳ họp sau với tinh thần là không hạn chế quyền mà tăng quyền lợi người lao động.
Liên quan đến hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia giải trình, cho biết sẽ trình Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đề xuất trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 23.000 tỉ đồng để xây dựng gói hỗ trợ lao động.
Theo ông Phớc, năm 2021, khoảng 47.300 tỉ đồng đã được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi Covid. Năm 2023, số dư quỹ còn 59.300 tỉ đồng.
Như vậy, nếu gói hỗ trợ lao động 23.000 tỉ đồng được Chính phủ và Thường vụ Quốc hội thông qua, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ còn dư hơn 36.000 tỉ đồng.