Đến 2/3 doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị rút khỏi thị trường
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình bán hàng đa cấp đã bị loại mạnh ra khỏi thị trường và hiện chỉ còn lại 21 doanh nghiệp so với trước đây là 67 doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Lê Hoàng |
Thông tin này được ghi nhận tại Đại hội Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam nhiệm kỳ III (2020-2025) diễn ra vào chiều ngày 27-11 tại TPHCM.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, cho biết những năm trước đây thị trường đã phải chứng kiến một số vụ việc bán hàng đa cấp bất chính xảy ra khiến lòng tin của xã hội và người tiêu dùng đối với hoạt động bán hàng đa cấp nói chung và người tham gia bán hàng đa cấp cũng như Hiệp hội bán hàng đa cấp nói riêng bị tổn hại nghiêm trọng.
Theo Thứ trưởng Khánh, nhờ những nỗ lực to lớn của Quốc hội, những động thái quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước về lặp lại trật tự trên thị trường đặc thù này và sự hợp tác của Hiệp hội, tình hình đã có sự cải thiện đáng kể.
"Số lượng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, qua thanh lọc, chỉ còn lại khoảng 1/3. Hoạt động bán hàng đa cấp trở nên quy củ hơn, tuân thủ pháp luật hơn", Thứ trưởng Khánh chia sẻ.
Đáng chú ý, theo ông Khánh, dù số lượng doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp giảm rất mạnh nhưng doanh số và thu nhập của người tham gia bán hàng đa cấp không giảm, thậm chí tăng. Điều này cho thấy hoạt động bán hàng đa cấp chính thống, đúng nghĩa, đã vượt qua được giai đoạn khó khăn và đang dần lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng.
Trong giai đoạn vừa qua tại Việt Nam, cho dù gặp rất nhiều khó khăn do những điều tiếng từ các tổ chức cá nhân lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để kinh doanh bất chính, tuy nhiên tổng doanh thu của doanh nghiệp ngành này vẫn tăng trưởng trong 4 năm liên tiếp, giai đoạn 2016 - 2017 đạt khoảng 8.000 tỉ đồng/năm, năm 2018 đạt hơn 10.000 tỉ đồng, năm 2019 là khoảng hơn 12.000 tỉ đồng (theo báo cáo từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng - Bộ Công thương). |
Mặc dù vậy, thách thức vẫn còn, và rất lớn. Các hoạt động đa cấp bất chính đây đó vẫn rải rác xuất hiện, gây ảnh hưởng không chỉ tới xã hội, người dân mà còn cả các doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp chân chính.
Người dân bình thường hầu như không phân biệt được giữa bán hàng đa cấp chính thống, theo quy định của pháp luật với bán hàng đa cấp bất chính, không phép hay sử dụng phương thức đa cấp để tiếp thị các sản phẩm đã bị pháp luật nghiêm cấm dẫn đến cái nhìn tiêu cực của xã hội đối với ngành bán hàng đa cấp.
"Nếu để tình trạng này kéo dài, đến một lúc nào đó, bán hàng đa cấp chính thống sẽ không còn đất để tồn tại", Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu vấn đề và cho biết Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ bán hàng đa cấp chính thống bằng việc liên tục hoàn thiện môi trường pháp lý và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thậm chí là khởi tố, truy tố những kẻ làm ăn bất chính.
Cùng với đó, Thứ trưởng kêu gọi các DN bán hàng đa cấp vì sự tồn tại của chính mình hãy tuyệt đối tuân thủ pháp luật về bán hàng đa cấp, đặc biệt coi trọng việc đào tạo pháp luật, đào tạo về sản phẩm, đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên; bảo đảm chất lượng sản phẩm như đã đăng ký và bảo đảm sự hợp lý giữa giá bán và giá trị của sản phẩm.
"Mô hình này nếu rơi vào những người xấu thì bán hàng đa cấp chính thống rất dễ bị biến tướng sang mô hình Pozi, dẫn đến cách nhìn tiêu cực về bán hàng đa cấp. Trong khi thực tế bán hàng trực tiếp theo hình thức đa cấp là một trong những hình thức phân phối hàng hóa, và được pháp luật thừa nhận", ông Khánh cho biết.
Ông Khánh khẳng định Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thậm chí là khởi tố, truy tố những trường hợp bán hàng đa cấp bất chính.
Cùng với quản lý nhà nước, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam có thể góp phần làm trong sạch môi trường bằng cách đề cao đạo đức của người bán hàng, các doanh nghiệp thành viên tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật bán hàng đa cấp. Ngoài ra, cần đảm bảo sự hợp lý của chất lượng sản phẩm, giá trị hàng hóa và giá bán.
Hiệp hội bán hàng đa cấp đổi thành Hiệp hội bán hàng trực tiếp
Cũng tại đại hội, ban chấp hành Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam biểu quyết thông qua đề xuất đổi tên thành Hiệp hội bán hàng trực tiếp Việt Nam. Tại Đại hội Bán hàng đa cấp Việt Nam nhiệm kỳ III đã bầu ra Ban chấp hành gồm 7 thành viên; đồng thời, tiến hành họp Hội nghị lần thứ nhất bầu ra Ban thường vụ gồm 3 thành viên; trong đó, bà Trương Thị Nhi tái đắc cửa Chủ tịch Hiệp hội. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều được tạo điều kiện kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam và cạnh tranh lành mạnh. Thứ trưởng cho rằng doanh nghiệp cần xem công tác đào tạo về pháp luật, sản phẩm, đạo đức nghề nghiệp... là chìa khóa giúp xã hội nhận diện những doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Song song đó, doanh nghiệp nên chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm như đã đăng ký và sự hợp lý giá bán tương đồng với giá trị sản phẩm. Doanh nghiệp nên tránh tình trạng chạy đua doanh số, trả hoa hồng để nâng giá sản phẩm. Bán hàng đa cấp (Multi-Level Marketing) tại Việt Nam là một nền công nghiệp còn non trẻ với lịch sử hơn 10 năm. Tuy nhiên, mô hình này trên thế giới còn gọi là Bán hàng trực tiếp (Direct Selling) có lịch sử đã hơn 60 năm và là một trong những phương thức bán lẻ hàng hoá trực tiếp từ nhà sản xuất (hay doanh nghiệp nhập khẩu) đến người tiêu dùng cuối cùng; trong đó, một phần thu nhập từ việc bán hàng được chi trả cho việc tiếp thị trực tiếp đến khách hàng. Đây là phương thức bán lẻ phổ biến trên toàn thế giới và đã được thừa nhận rộng rãi và bảo vệ tại rất nhiều quốc gia, cũng như được công nhận tại các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). |