Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đến Làng củi lũ, cảm nhận sự ‘tái sinh’ qua góc nhìn doanh nhân – nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận

Cáp Kim – Lệ Thành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau khoảng thời gian dài ấp ủ ý tưởng và thử nghiệm, chiều tối ngày 24-3 vừa qua, tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP. Hội An, doanh nhân Lê Ngọc Thuận đã tự tin cho ra mắt khu chế tác mộc mang tên Làng củi lũ - nơi mà những khúc gỗ cây bỏ đi được “tái sinh” để kể cho du khách nghe những câu chuyện văn hóa của Quảng Nam và thế giới.

Doanh nhân Lê Ngọc Thuận. Ảnh: Cáp Kim

Anh Lê Ngọc Thuận (sinh năm 1980, trú tại phường Cẩm An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) xuất thân bằng nghề rửa bát thuê, rồi phấn đấu lên phụ bếp và đứng bếp chính. Không dừng ở đó, anh sớm trở thành doanh nhân với việc mở homestay cũng như các nhà hàng phục vụ các đối tượng khách khác nhau, từ trong nước đến quốc tế. Trên con đường làm doanh nhân của mình, anh cũng ấp ủ thực hiện hiện hoài bão của riêng mình. Đó là là làm thế nào để đưa củi lũ (bè, thân gỗ củi bị cuốn theo dòng nước lũ từ thượng nguồn về xuôi - PV) tái sinh vòng đời, nâng tầm củi lũ thành “đại sứ nghệ thuật tái chế Việt Nam”.

Người “nghệ sĩ đặc biệt”

Năm 2012, khi bắt tay vào làm homestay ở làng chài An Bàng (Hội An), anh Thuận đã có ý tưởng làm đồ nghệ thuật từ rác tái chế. Nhưng phải đến năm 2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh du lịch ngưng trệ, anh mới có thời gian nghiên cứu sâu về nghề mộc và triển khai những ý tưởng ấp ủ lâu nay chưa thành hình. Từ đó, những tác phẩm điêu khắc từ củi lũ đã ra đời. Điều anh khá bất ngờ là khách du lịch nhanh chóng đón nhận và tìm mua với giá cao.

Là người con Hội An, xuất thân từ nghề đầu bếp, rồi trở thành doanh nhân, nhưng với máu nghệ sĩ và yêu cái đẹp, anh tự mày mò học thêm nghề mộc, trở thành nghệ nhân, rồi trở thành kiến trúc sư chuyên “thổi hồn” cho những sản phẩm củi lũ. Anh Thuận thừa nhận mình chỉ là tay ngang, một nghệ nhân không chuyên, nhưng với niềm đam mê cháy bỏng, anh luôn ý thức tìm hiểu và dần hoàn thiện tay nghề.

“Phải đặt tâm hồn mình vào từng thanh củi rồi mới có cảm xúc, có câu chuyện. Mình tái sinh lại những khúc gỗ để nó có đời sống mới, có cảm xúc thay vì đốt bỏ như lâu nay vẫn thế”, anh chia sẻ.

Mỗi sản phẩm từ củi lũ của anh là một tác phẩm riêng, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào vì từng công đoạn đều làm thủ công. Khi lập ra Làng củi lũ, anh cũng mong muốn đây là nơi cộng đồng các nghệ sĩ, thợ thủ công, nhà điêu khắc và những người sáng tạo cùng làm ra những tác phẩm độc bản, có một không hai.

Mục sở thị các sản phẩm nghệ thuật từ củi lũ, PGS. TS. Đỗ Thị Thanh Thủy, chuyên gia Ban thực hiện Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo, chia sẻ: “Mỗi tác phẩm mỹ thuật tái chế từ củi lũ và gỗ phế phẩm của anh Thuận với câu chuyện, tính độc đáo và sự biểu cảm nghệ thuật, không cần một tuyên ngôn đao to búa lớn nào nhưng tự thân nó - từ chất liệu, câu chuyện có khả năng tạo nên sự rung động và thức tỉnh nhận thức của người xem về việc cần phải tôn trọng môi trường sống, tôn trọng thiên nhiên, về sức mạnh của sự sáng tạo là vô hạn và sức hút của giá trị văn hóa dân tộc”.

Anh Lê Ngọc Thuận (thứ 2 từ trái sang) kể những câu chuyện văn hóa thông qua các tác phẩm nghệ thuật được tái chế từ những thanh củi bỏ đi. Ảnh: Cáp Kim

Ngay như nghệ nhân Võ Đức Anh, người thợ mộc đầu tiên trong xưởng, người từng học nghề mộc bài bản, từng làm ở làng nghề gần 10 năm, rồi ra làm riêng, sau đó mới “đầu quân” về xưởng anh Thuận, cũng thán phục cho hay: “Ảnh luôn chịu khó tìm tòi học hỏi, là người có con mắt rất thẩm mỹ… Chúng tôi làm ra những sản phẩm, nhưng khâu cuối cùng luôn cần sự góp ý của anh Thuận. Khi anh quan sát, bổ sung vào thì tượng gỗ luôn đẹp hơn và trông có hồn hơn!”.

Từng được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải nhất cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước” cho thiết kế The Chi Villa ở An Bàng năm 2017, anh Thuận khơi nguồn cho một nền kiến trúc dân gian đã bị lãng quên. Lâu lắm rồi không thấy một người tự tạo ra các kiến trúc dân gian như vậy, KTS Nguyễn Quốc Thông, Trưởng ban giám khảo cuộc thi lúc đó, cho biết.

Khó mà tin được anh Thuận từng chật vật lắm mới tốt nghiệp được lớp 12 và chưa một ngày có cơ hội ngồi giảng đường đại học, cũng vì hồi ấy nhà nghèo quá, anh không được học hành lên cao...

Đau đáu với hành trình mới cho làng nghề

Ba năm nay, một xưởng mộc rộng hơn 250m2 nằm lặng lẽ cách bờ biển An Bàng khoảng 2km là nơi ra đời của những tác phẩm củi lũ của anh Thuận. Để chế tác được tác phẩm nghệ thuật, thời gian đầu anh gặp khá nhiều khó khăn bởi chưa có kinh nghiệm và mẫu mã. Không có kỹ năng đục đẽo, anh tự học cũng như lặn lội khắp nơi tầm sư học nghề. Hiện nay, với sự đầu tư bài bản, xưởng của anh đã thu hút hơn chục thợ lành nghề, tạo công ăn việc làm cho con em địa phương.

Ngoài ra, anh Thuận còn cất công suy nghĩ, đau đáu tìm hướng đi mới cho nghề mộc Kim Bồng (làng nghề truyền thống tại Hội An). Anh kể về câu chuyện đưa Kim Bồng ra thế giới bằng cách khác, cũng dựa trên nền tảng những người thợ Kim Bồng nhưng xây dựng một ngôi làng mới, đó là Làng củi lũ hiện nay.

Hồi tưởng, chị Hoài Thương, nhân viên của anh cho biết: “Thời điểm khó khăn nhất, anh tận dụng các gian nhà bỏ không vì không thể kinh doanh mùa dịch để sắm đồ đục, máy móc, làm chỗ ăn ngủ cho anh em thợ. Anh lên ý tưởng, săn gỗ và trực tiếp phác thảo ý tưởng hội họa, màu sắc cho thợ chế tác. Rất nhiều thanh củi tưởng chừng bỏ đi, đã thật sự truyền thần dưới bàn tay các thợ mộc Kim Bồng”.

Ít ai biết, trước khi bén duyên với củi lũ, anh từng làm homestay và trở thành người đầu tiên đặt nền móng cho nghề dịch vụ du lịch làng chài An Bàng. Sau 5 năm, anh tạo công ăn việc làm và gần như mở ra hướng mới cho dân làng về việc kinh doanh du lịch, chứ không chỉ duy nhất một nghề bám biển như trước đây. Đến giờ, anh Thuận đã nhận đỡ đầu và cấp học bổng cho khá nhiều trẻ em An Bàng có cơ hội đến trường học tập, cũng như nâng cao trình độ ngoại ngữ để tham gia làm du lịch.

(Từ trái qua, từ trên xuống) Vòng đời của củi lũ: Những thân gỗ được góp nhặt hoặc thu mua, được đem về xưởng mộc. Thông qua bàn tay nghệ thuật của anh và nhân viên, những thanh củi tưởng chừng như bỏ đi trở thành những tác phẩm nghệ thuật được du khách ưa chuộng, tìm mua. Ảnh: Cáp Kim

Và anh lập ra Làng củi lũ vì muốn lưu giữ văn hóa cội nguồn, vì mục tiêu phát triển du lịch xanh. Làng củi lũ với diện tích khoảng 2000m2 tại làng rau Trà Quế, là không gian trưng bày và trải nghiệm điêu khắc từ củi lũ, là nơi anh kể cho du khách gần xa câu chuyện về những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá. “Một câu chuyện mang thông điệp chúng ta cùng nhau bảo vệ môi trường và phát triển hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững”, anh hào hứng chia sẻ.

Trong dịp khai trương, chị Eliene Petronella đến từHà Lan) có cơ duyên ghé thăm và hồ hởi với những tác phẩm của anh Thuận. “Tôi thấy mô hình này rất thú vị, những tượng gỗ rất đẹp. Đây thực sự là cách làm sáng tạo để tái sử dụng các loại gỗ tưởng như bỏ đi”, vị du khách đến từ châu Âu chia sẻ. “Du khách còn được tham gia workshop nghệ thuật, tự tạo tác phẩm cho riêng mình dưới sự hỗ trợ của các nghệ nhân bậc thầy. Điều đó thật tuyệt và là ý tưởng hay để làm quà tặng bạn bè, người thân”.

Khi được hỏi về những khó khăn, trắc trở lúc bắt đầu khởi sự và tìm thị trường phân phối, cũng như việc định giá sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh, anh Thuận tự tin cho biết: “Ở đây, khách hàng mua là mua câu chuyện, chứ không chỉ là mua sản phẩm!”.

“Con đường tôi đang đi là sử dụng những thanh gỗ bỏ đi, đặc biệt là những loại gỗ lũ, phải là gỗ người ta vứt đi mình mới đem tạo ra tác phẩm và thổi hồn văn hóa Cơ Tu, Hội An, đặc biệt là văn hóa Quảng Nam. Khách du lịch quốc tế, dòng khách yêu nghệ thuật trong nước chính là phân khúc khách hàng tinh túy mà tôi nghĩ tới”, anh tiếp.

Anh Thuận cho biết, thị trường của tượng củi lũ hiện ở hai đầu đất nước đã có nhiều đối tác đặt mua nhưng anh chưa muốn sản xuất và bán số lượng lớn, cũng không đặt nặng vấn đề kinh tế. Điều anh muốn nhất là được kể câu chuyện “tái sinh củi lũ” một cách gần gũi, lan tỏa sâu rộng đến với mọi người, mọi nhà.

Đánh giá về dự án Làng củi lũ, Thạc sĩ Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho hay: Dự án bước đầu đã cho ra nhiều sản phẩm như mong muốn, đồng thời truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, tái sử dụng gỗ lũ, gỗ trồng để bà con Quảng Nam thay đổi dần suy nghĩ, tạo ra công ăn việc làm; đồng thời lưu giữ được văn hóa làng nghề, giáo dục cộng đồng về ý thức sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, khoa học. Tất cả vì sự phát triển bền vững trong tương lai.

Hiện anh Lê Ngọc Thuận là Chủ tịch Hội homestay Hội An, Chủ tịch Quỹ đổi mới sáng tạo TP Hội An. Được biết, thời gian qua anh đã viết xong đề án xin TP Hội An làm công viên nghệ thuật tái chế và chuẩn bị hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm cho các resort; sau đó đưa sản phẩm cho các làng nghề, cũng như đấu giá gây quỹ ủng hộ bà con khởi nghiệp. Dự kiến trung tuần tháng 8/2023, anh sẽ đưa bộ sưu tập 12 con giáp của mình qua Đức, Pháp (theo lời mời của UNESCO và TP Hội An) để quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới