Thứ Ba, 27/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đến năm 2050, Indonesia chỉ bán ô tô và xe máy điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đến năm 2050, Indonesia chỉ bán ô tô và xe máy điện

Khánh Lan

(KTSG Online) – Indonesia đặt mục tiêu chỉ bán ô tô và xe máy điện vào năm 2050 để thay thế dần cho các phương tiện truyền thống chạy bằng nhiên liệu diesel và xăng trong tiến trình nước này tìm cách giảm khí thải carbon.

Đến năm 2050, Indonesia chỉ bán ô tô và xe máy điện
Một trạm sạc xe điện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Jakarta Post

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm 14-6, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, Arifin Tasrif, cho biết kể từ năm 2040, tất cả xe gắn máy bán ra ở thị trường Indonesia đều chạy bằng động cơ điện và đến năm 2050, tất cả xe ô tô mới tiêu thụ ở trong nước cũng đều chạy bằng động cơ điện.

Dadan Kusdiana, Vụ trưởng Vụ nhiên liệu tái tạo thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, nói: “Chúng tôi không đưa ra chính sách cấm sử dụng xe chạy bằng động cơ đốt trong nhưng sẽ giới thiệu các chính sách khuyến khích sử dụng xe điện”.

Trong thập niên qua, Indonesia, đất nước đông dân thứ 4 thế giới tiêu thụ trung bình 6,5 triệu xe máy và 1 triệu ô tô mỗi năm. Theo dữ liệu của Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Indonesia, tính đến năm 2019, Indonesia có hơn 15 triệu ô tô và 112 triệu xe máy đang lưu hành.

Indonesia đang chật vật ứng phó vấn đề ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị, đặc biệt là ở thủ đô Jakarta, nơi tình trạng kẹt xe xảy ra hàng ngày và thường xuyên được xếp vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất châu Á.

Để giải quyết vấn đề môi trường, chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đưa lượng khí thải carbon về mức zero ròng vào năm 2070 và sẽ đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than vào năm 2056.

Cuộc vận động chuyển đổi sang xe điện cũng sẽ hỗ trợ kế hoạch tham vọng của Indonesia nhằm trở thành trung tâm sản xuất xe toàn cầu bằng cách tận dụng lợi thế sở hữu trữ lượng dồi dào của quặng nickel laterite, một vật liệu quan trọng sử dụng ở pin lithium-ion của xe điện.

Hồi tháng 4, hãng gọi xe Gojek của Indoensia cho biết đến năm 2030, tất cả mọi xe máy và ô tô trên ứng dụng gọi xe của hãng này đều chạy động cơ điện. Kế hoạch này sẽ được triển khai thông qua các thỏa thuận hợp tác sản xuất và thuê xe điện với các hãng xe.

Kevin Aluwi, người đồng sáng lập Gojek, cho biết lo ngại lớn nhất đối với các tài xế đối tác là chi phí chuyển đổi qua xe điện quá lớn cũng như hạ tầng xe điện còn thiếu thốn. Ông nói để hỗ trợ các tài xế, Gojek sẽ sắp xếp các thỏa thuận cho thuê xe điện.

Những người tiêu dùng của Indonesia, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường khi lựa chọn mua sắm.

Jakartan Tjut Devi ở Jakarta, người vừa mua chiếc xe máy điện đầu tiên trong đời, cho biết môi trường là trong những mối quan tâm hàng đầu của cô. Cô nói: “Tôi không biết liệu chiếc xe máy điện có tiết kiệm kinh tế hay không nhưng chắc chắn tôi muốn giảm ô nhiễm môi trường”. Cô thích mua xe máy điện hơn ô tô điện vì nó giúp cô dễ dàng đi lại trong điều kiện giao thông thường xuyên tắc nghẽn ở Jakarta.

Với giá bán trung bình 650 triệu rupiah (45.600 đô la Mỹ), xe điện nằm ngoài tầm với của đại đa số người dân Indonesia. Trong khi đó, xe máy điện đắt hơn gấp hai lần máy máy chạy xăng vốn có giá từ 10 triệu rupiah (700 đô la) trở lên.

Tuy nhiên, với các dòng xe máy điện giá rẻ của Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào thị trường Indonesia, mức chênh lệch giá giữa xe máy điện và xe máy chạy xăng được kỳ vọng giảm nhanh. Kế hoạch xây dựng Indonesia trở thành trung tâm sản xuất pin lithium-on cũng hứa hẹn giúp chi phí sản xuất xe máy điện và ô điệm giảm trong dài hạn.

Thomas Hansmann, đối tác của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, nói: “Tính kinh tế của xe máy điện sẽ là yếu tố thu hút người tiêu dùng ở các thành phố lớn lẫn ở các thành phố ở vùng ngoại ô”. Ông cho biết chi phí xe máy điện giảm chủ yếu nhờ chi phí sản xuất pin giảm khi công nghệ được cải tiến và xe máy điện cũng không cần hạ tầng sạc điện riêng giống như ô tô điện. Ông nói: “Pin xe máy điện hiện nay chạy được 40-70 km sau mỗi lần sạc đầy, trong khi đó, phần lớn người dân chỉ đi lại dưới 40 km mỗi ngày. Vì vậy, chúng tôi dự báo phần lớn người dùng sẽ sạc pin cho xe máy điện của họ tại nhà”.

Một báo cáo của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey cho biết Indonesia là một trong những thị trường tiềm năng nhất về phổ cập xe điện, đặc biệt là xe máy điện. Báo cáo dự báo lượng xe máy bán ở Indonesia vào năm 2030 sẽ đạt 6,4 triệu chiếc, trong đó, khoảng 1,6 triệu chiếc có thể là xe máy điện.

Báo cáo nhận định chi phí sở hữu xe máy điện ở Indonesia sẽ giảm ngang bằng với chi phí sở hữu xe máy truyền thống vào năm 2022 và rẻ hơn vào năm 2025 nhờ chi phí pin giảm. Tính đến năm 2020, chi phí sở hữu xe máy truyền thống trọn đời ở Indonesia khoảng 2.400 đô la Mỹ so với mức 2.616 đô la của xe điện.

Theo Reuters, Channel News Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới