Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đến thời xe tải tự lái vận chuyển hàng hóa đường dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đến thời xe tải tự lái vận chuyển hàng hóa đường dài

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Tình trạng khan hiếm tài xế xe tải trên thế giới đang thúc đẩy công nghệ tự lái trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa đường dài trở thành hiện thực.

Singapore tham vọng dẫn đầu thế giới về xe tự lái

Tấn công xe tự lái

Đến thời xe tải tự lái vận chuyển hàng hóa đường dài
Xe tải tự lái của công ty khởi nghiệp TuSimple, có trụ sở ở TP. San Diego, bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Cơ quan Bưu chính Mỹ (USPS) hôm 21-5 thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm sử dụng xe tải tự lái của công ty khởi nghiệp (startu) TuSimple để vận chuyển bưu phẩm ở ba bang vùng Tây Nam Mỹ trong vòng hai tuần. Đây là một bước hướng đến nỗ lực thương mại hóa công nghệ tự lái trong hoạt động vận chuyển hàng hóa đường dài.

Các xe tải tự lái của TuSimple sẽ chạy ở năm cung đường với chiều dài tổng cộng 3.380km, tương đương với 45 giờ lái xe, băng qua các bang Arizon, New Mexico và Texas.

Startup TuSimple, có trụ sở ở TP. San Diego, bang California, cho biết các xe tải tự lái của công ty sẽ vận chuyển bưu phẩm giữa các trung tâm phân phối của USPS ở TP. Phoenix, bang Arizona và TP. Dallas, bang Texas để đánh giá xem liệu công nghệ tự lái có cải thiện được thời gian và chi phí giao hàng hay không.

Trong quá trình thử nghiệm, một tài xế phụ trách an toàn sẽ ngồi sau tay lái để can thiệp nếu cần thiết và một kỹ sư sẽ ngồi ở vị trí ghế bên cạnh tài xế.

Nếu thành công, cuộc thử nghiệm sẽ đánh dấu một tiến triển mới trong lĩnh vực công nghệ tự lái, cung cấp một giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải đường dài ở Mỹ.

Xe tải điện tự lái T-Pod của công ty khởi nghiệp Einride vận hành thử nghiệm ở TP. Jonkoping, Thụy Điển. Ảnh: insideevs.com

“Các chặng đường vận hành dài này nằm ngoài khả năng vận hành liên tục của tài xế con người, có nghĩa là nếu vượt qua chặng đường này, cần phải có nhiều tài xế thay phiên nhau lái”, Chuck Price, Giám đốc sản phẩm của TuSimple, nói.

Ông cho biết xe tải tự lái có những thuận lợi so với xe hơi tự lái, chẳng hạn, xe tải tự lái hoạt động trên các tuyến đường liên bang có lưu lượng giao thông thấp hơn so với đường xá ở các trung tâm thành phố, do vậy, ít đối mặt với các thách thức về an toàn liên quan đến người đi bộ và người đi xe đạp.

Cho đến nay, TuSimple đã huy động được 178 triệu đô la từ một nhóm nhà đầu tư bao gồm hãng chip Nvidia (Mỹ) và công ty truyền thông trực tuyến Sina (Trung Quốc).

Người phát ngôn USPS Kim Frum nói: “Hợp tác với TuSimple là sáng kiến đầu tiên của chúng tôi trong hoạt động vận tải đường dài. Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm như là một phần của nỗ lực hướng đến vận hành một thế hệ xe tải tương lai được tích hợp công nghệ mới”.

Hiệp hội vận tải đường bộ Mỹ (ATA) ước tính đến năm 2024, lực lượng tài xế xe tải ở Mỹ sẽ thiếu 175.400 người do các tài xế lớn tuổi nghỉ hưu, trong khi đó rất khó thu hút các lao động trẻ tuổi gia nhập đội ngũ tài xế vận tải đường dài.

TuSimple chỉ là một trong số nhiều công ty khởi nghiệp ở Mỹ đang chạy đua phát triển công nghệ tự lái cho xe tải đường dài. Hồi đầu tháng 5, công ty khởi nghiệp Starsky Robotics ở San Francisco, Mỹ, cũng đã thực hiện một loạt cuộc chạy thử nghiệm xe tải tự lái ở tuyến đường cao tốc Lee Roy Selmon gần TP. Tampa, bang Florida.

Sự hợp tác giữa TuSimple và USPS đánh dấu một bước tiến triển mới đối với ngành công nghiệp vận tải tự lái sau khi công ty khởi nghiệp Einride (Thụy Điển) chính thức vận hành xe tải điện tự lái để giao hàng trên một tuyến đường công cộng vào tuần trước.

Hôm 15-5, một chiếc xe tải điện tự lái có kiểu dáng khá “hầm hố” của Einride chính thức vận hành trên một tuyến đường công cộng ở TP. Jonkoping, Thụy Điển để vận chuyển hàng cho công ty dịch vụ logistics DB Schenker. Với trọng tải 26 tấn khi chở đầy hàng, chiếc xe tải tự lái có tên gọi T-Pod này không cần đến tài xế trong cabin và sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa khoảng 60% so với xe tải chạy bằng nhiên liệu diesel có tài xế.

Xe tải T-Pod có vận tốc thiết kế là 85km/giờ, có thể hoạt động liên tục trên quãng đường 200km và được vận hành từ xa thông qua mạng 5G.

Nhờ có sáu camera, bốn hệ thống radar, bốn đầu dò hồng ngoại và hai ăng-ten xác định vị trí của xe, T-Pod có thể tự tìm thấy mục tiêu và hoàn toàn không cần tài xế. T-Pod sử dụng nền tảng Nvidia Drive của hãng chip Nvidia để xử lý dữ liệu hình ảnh theo thời gian thực. Một trung tâm điều hành từ xa có thể giám sát và kiểm soát 10 xe tải tự lái T-Pod cùng lúc.

Xe tải T-Pod được cấp giấy phép vận hành thử nghiệm với tốc độ 5km/giờ trên quãng đường ngắn giữa một nhà kho và một cảng container trên một tuyến đường công cộng ở một khu công nghiệp tại TP. Jonkoping.

Ngoài DB Schenker, Einride cũng đang nhận được các đơn hàng đặt mua xe tải tự lái của chuỗi siêu thị giảm giá Lidl (Đức), công ty giao hàng Svenska Retursystem (Thụy Điển) và 5 công ty trong danh sách 500 công ty bán lẻ lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn. Einride đặt mục tiêu cung ứng 200 xe tải điện tự lái vào cuối năm 2020.

Robert Falck, Giám đốc điều hành Einride, cho biết công ty đang đàm phán kế hoạch hợp tác với các nhà cung cấp lớn để đẩy nhanh tốc độ sản xuất và giao xe tải tự lái. Công ty cũng không loại trừ khả năng hợp tác với các công ty sản xuất xe tải lớn trong tương lai.

Ông nói: “Có được giấy phép vận hành xe tải trên đường xá công cộng là một cột mốc quan trọng để tiến đến thương mại hóa công nghệ tự lái trên đường xá”.

Xe tải tự lái của công ty khởi nghiệp Starsky Robotics. Ảnh: Starsky Robotics

Falck tiết lộ Einride sẽ xin thêm giấy phép vận hành xe tải tự lái T-Pod trên nhiều tuyến đường hơn ở Thụy Điển và sẽ mở rộng sự hiện diện sang Mỹ.

Các công ty vận tải hàng hóa đường dài ở châu Âu đang đứng trước nhiều áp lực bao gồm rút ngắn thời gian giao hàng, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tình trạng khan hiếm tài xế.

Jochen Thewes, Giám đốc điều hành DB Schenker, cho biết công ty này chọn Einride thay vì các công ty sản xuất xe tải nổi tiếng khác vì chiếc xe tải điện tự lái T-Pod đáp ứng hai nhu cầu chuyển đổi lớn nhất trong ngành vận tải: số hóa và điện khí hóa.

Theo Reuters, Electrive.com

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới