(KTSG) - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang lưu ý “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Khi được áp dụng hợp lý, các kỹ thuật tốt cùng với việc thực hành môi trường tốt sẽ giúp doanh nghiệp đạt đồng thời hai lợi ích kinh tế và môi trường, nhờ tiết giảm chi phí sản xuất và chi phí tuân thủ, bảo đảm khách hàng và đơn hàng, cải thiện hình ảnh và tạo niềm tin trong cộng đồng, cũng như góp sức vì môi trường xanh sạch hơn. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đã khẳng định như vậy trong một cuộc hội thảo trực tuyến vào cuối năm vừa qua.
Hàng trăm nhãn hàng lên tiếng
Dự kiến vào tháng 3 tới, nhà sáng lập thương hiệu thời trang nổi tiếng Uniqlo, thuộc Tập đoàn Fast Retailing, sẽ công bố danh sách tất cả các đối tác nhà máy mà tập đoàn này đang hợp tác trên thế giới. Động thái này nằm trong kế hoạch hành động để hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 được tập đoàn bán lẻ thời trang hàng đầu Nhật Bản này nhắc đến vào cuối năm vừa qua. Fast Retailing cho hay sẽ chú trọng hơn đến môi trường trong tất cả các quy trình từ khâu sản xuất đến vận chuyển, phân phối hàng bán, cắt giảm tối đa phát thải gây hiệu ứng nhà kính, qua đó hướng đến việc thiết lập một quy trình sản xuất ít tác động hơn đến môi trường.
Một điểm đáng chú ý trong mục tiêu phát triển bền vững được Fast Retailing nêu ra là tiếp tục thiết lập tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Theo đó, hãng sẽ tăng cường việc theo dõi nguồn gốc của nguyên liệu; xác định và bảo vệ các quyền con người, bảo đảm an toàn môi trường lao động và các vấn đề môi trường trong chuỗi cung ứng.
Hiện Việt Nam là cơ sở sản xuất lớn thứ 2 trên thế giới của tập đoàn Fast Retailing. Theo đó, Fast Retailing sẽ công bố danh sách 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam là đối tác cung ứng của Uniqlo cho thị trường trong nước và thế giới.
Không riêng Fast Retailing có yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất. Theo ông James Phillips, Tổng giám đốc Công ty May mặc TAL Việt Nam, có hơn 250 nhãn hàng may mặc trên thế giới đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm môi trường với các nhà cung cấp. Theo đó, nhà máy của doanh nghiệp sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường; doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội…
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 28 (Agtex 28), cũng cho biết thời gian qua nhiều khách hàng là các nhãn hàng lớn trên thế giới đã yêu cầu Agtex 28 phải thực hiện các quy trình về sản xuất xanh. Do đó, trong năm 2021 cũng như chiến lược phát triển năm năm tới, Agtex 28 sẽ tập trung ngân sách rất lớn cho hoạt động này, cụ thể là đầu tư các thiết bị thay thế cho nhân công, thiết bị tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn nguồn nước để đảm bảo sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường…
Theo các chuyên gia, các nhà mua hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước.
Trong khi đó, con số người tiêu dùng sẵn sàng chi trả ở mức giá cao hơn cho các sản phẩm dệt may bền vững đang tăng lên, cũng như nhận thức của họ về tiêu thụ bền vững để bảo vệ môi trường ngày càng cao đang đặt ra các áp lực buộc ngành phải đổi mới sáng tạo theo hướng sản xuất xanh. Niềm tin của người tiêu dùng vào một doanh nghiệp có thể được nâng cao bằng cách tăng tính minh bạch về các quy trình sản xuất và vận hành của họ.
Doanh nghiệp cần sớm thực hiện
Cơ hội xuất khẩu đối với sản phẩm dệt may Việt Nam rất lớn, nhất là trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam ký kết đã và đang mở ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên, các yêu cầu về chất lượng sản phẩm và các quy định đối với nhà cung cấp ngày càng khắt khe hơn. Ngoài việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để được ưu đãi thuế từ các FTA, các nhãn hàng còn yêu cầu sản xuất xanh, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, tăng cường tái chế chất thải, có trách xã hội và thân thiện môi trường.
Đơn cử như quy định của Mỹ, châu Âu về dán nhãn carbon trên sản phẩm dệt may (yêu cầu các nhà nhập khẩu phải tính toán mức độ phát thải carbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra sản phẩm dệt may). Đáng chú ý là thị trường EU, theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, phía đối tác mua hàng đòi hỏi doanh nghiệp sử dụng công nghệ xanh - sạch, bền vững. “Chỉ cần chúng ta liệt kê công nghệ, số máy sử dụng là phía đối tác thẩm định và biết ngay công nghệ của chúng ta đang sử dụng như thế nào”, ông Việt lưu ý.
Trên thực tế, hiện nay, đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” sản xuất như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng các mặt hàng ra thị trường quốc tế, bắt buộc doanh nghiệp cần phải cải tiến và tuân thủ thực hiện.
Theo ông Trần Như Tùng, Trưởng ban Phát triển bền vững của VITAS, việc tuân thủ những quy tắc của các thương hiệu về trách nhiệm xã hội và môi trường là một trong những yêu cầu cơ bản và là nền tảng mà các nhà máy khi tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới đều phải cam kết.
Hiệu quả hơn!
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú - một trong những doanh nghiệp sớm “xanh hóa” và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất - cho rằng phát triển xanh mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, giúp quản lý chặt chẽ hơn tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm khoản chi phí đáng kể mà còn tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn, giúp bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Đáng chú ý, gần hai năm qua, dịch Covid-19 tuy có ảnh hưởng đến công ty nhưng nhờ áp dụng quy trình sản xuất bền vững mà giảm được nhiều rủi ro.
Hiện nay Phong Phú đang ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất. Ứng dụng ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường ra sao. Từ đó, đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu ít ảnh hưởng đến môi trường. Doanh nghiệp này cũng đang sử dụng công nghệ xử lý nước thải giúp tái sử dụng nước trong quy trình sản xuất chiếm khoảng 35%. Công ty đang hướng tới tương lai sẽ sử dụng công nghệ có thể xử lý 100% nước thải để phục vụ tái sản xuất.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công đã triển khai thành công hệ thống điện mặt trời áp mái cho hai nhà máy ở Vĩnh Long, xây dựng hệ thống tái sử dụng nước, hỗ trợ các thiết bị tái sử dụng nước, điện. Từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn thường sử dụng lò hơi dùng than đá trong các nhà máy nhuộm. Tuy nhiên, trước áp lực xả thải CO2 rất lớn từ các lò hơi này cùng chi phí than đá đang ngày càng tăng, các doanh nghiệp đang thay đổi nhiên liệu than đá. Theo đó, Thành Công đang đàm phán với các đối tác thay thế than đá bằng các nguyên liệu sinh khối khác như trấu để giảm phát thải mà nâng cao hiệu quả.
Theo các chuyên gia, khi các doanh nghiệp dệt may được đánh giá là phát triển bền vững sẽ khiến các nhãn hàng thế giới thay đổi cách nhìn về Việt Nam, chuyện đơn hàng quốc tế về Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Dù vậy, những khó khăn khi chuyển sang sản xuất xanh cũng đặt nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa vào thế khó do bị hạn chế về nguồn tài chính, về nguồn nhân sự triển khai. Thực tế là xanh hóa sản xuất đâu phải là chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp sản xuất. Nó cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính, nhãn hàng... nữa.