Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi chợ hộ không phải nơi nào cũng làm được

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều quận, huyện tại TPHCM đang triển khai hình thức đi chợ hộ giúp người dân duy trì cuộc sống ổn định. Tuy nhiên hình thức đi chợ hộ vẫn chưa được phổ biến rộng rãi đến người dân và nhiều tổ dân phố, khu dân cư; người dân vẫn phải trông chờ vào thực phẩm dự trữ từ trước đó.

Từ 0:00 ngày 23-8, TPHCM bắt đầu thực hiện tăng cường giãn cách xã hội nghiêm ngặt “ai ở đâu ở yên đấy”, người dân không đi chợ trực tiếp mà sẽ có tổ hỗ trợ đi chợ hộ. Cụ thể, người dân sẽ đặt hàng và nhận được các gói thực phẩm từ các tổ hậu cần đi chợ hộ của các phường ở TPHCM.

Chị Nguyễn Kiều Giang ở phường Tân Phú, TP Thủ Đức, cho biết UBND phường đã phổ biến đến người dân các gói mua hàng để lựa chọn, sau đó tình nguyện viên tại khu vực sẽ liên hệ với cửa hàng rau và siêu thị trong phường để mua hàng giúp cho người dân.

“Danh sách mình nhận được gồm các gói combo như các loại rau quả, gia vị, thịt cá…Sau khi chọn xong, mình sẽ viết ra các gói hàng cần mua và gửi cho phường theo khung giờ cố định từ 8 giờ – 11 giờ hàng ngày”, chị Giang nói.

Phiếu đăng ký mua lượng thực, thực phẩm của chị Trân. Ảnh: NVCC

Còn tại phường 10, quận Phú Nhuận, UBND phường này đưa ra 5 đến 8 combo mua hàng bao gồm cá, thịt, rau, gia vị, bánh, nước, sữa…trọng lượng mỗi món từ 0,5-2 kg tuỳ món. Giá mỗi combo dao động từ 200.000-300.000 đồng.

Chị Đặng Lê Ngọc Trân cho biết các loại hàng hoá được in trên các phiếu đi chợ hộ của phường mà chị nhận được có niêm yết giá rõ ràng. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ được đăng ký tối đa 3 combo hàng và các mặt hàng cũng chưa phong phú.

“Để chủ động hơn về lượng thực, thực phẩm trong mùa dịch, gia đình mình cũng đã dự trữ sẵn một số các loại thực phẩm cần thiết trước đó và cải tạo lại sân thượng để trồng rau”, chị Trân nói.

Hệ thống đăng ký đi chợ hộ trực tuyến tại phường Cô Giang, quận 1, TPHCM. Ảnh: NVCC

Tại phường Cô Giang, quận 1, TPHCM, hình thức đi chợ hộ được triển khai qua hệ thống mẫu đăng ký điện tử, đồng thời kết hợp với việc thanh toán trực tuyến nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm.

“Sau khi mình chọn mua các gói thực phẩm trên mẫu đăng ký trực tuyến, chọn thanh toán bằng ví điện tử, phía bên giao hàng sẽ gửi thực phẩm đến tận nhà cho người mua, mình cảm thấy khá thuận tiện”, chị Ngọc cho biết.

Các chiến sĩ quân đội hỗ trợ lương thực cho người dân tại quận 1, TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng

Tương tự, tại TPHCM nhiều quận, huyện cũng chọn hình thức phối hợp với các siêu thị đưa ra các combo lương thực, thực phẩm để người dân lựa chọn đăng ký. Tuy nhiên, trong khi nhiều quận, huyện đã triển khai tích cực hình thức đi chợ hộ thì vẫn còn một số nơi còn nhập nhằng.

Theo đó, người dân tại một số nơi như phường 6, quận Tân Bình; phường Tân Hưng, quận 7; phường 5, quận Gò Vấp; xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM, cho biết đến nay vẫn chưa nhận được mẫu đăng ký mua thực phẩm từ địa phương.

Anh Nguyễn Nam ở phường 5, quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết khu vực anh sinh sống việc đi chợ hộ sẽ do Hội Phụ nữ của phường đảm nhận. Tuy nhiên, khi triển khai người dân chỉ nhận được hướng dẫn mua sắm qua ứng dụng của cửa hàng Bách hóa xanh tại khu vực.

“Khi mình liên hệ để mua hàng từ Bách hóa xanh thì phía cửa hàng lại thông báo không nhận đơn hàng cho hộ cá nhân, việc triển khai hình thức đi chợ hộ như vậy gây khó khăn và hoang mang. Hiện tại, người dân chỉ còn sống nhờ lượng thực phẩm mua được từ những ngày trước đó”, anh Nam chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Dao Huỳnh Lynh ở phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết hiện nay, khu trọ với hơn 10 phòng nơi chị sống vẫn chưa nhận được phiếu mua hàng hay hướng dẫn mua thực phẩm từ địa phương.

Thực phẩm của chị Lynh được gửi từ quê lên. Ảnh: NVCC

“Hiện tại, mình đang sử dụng thực phẩm được người nhà gửi vào TPHCM, nếu tình trạng này kéo dài mình cũng không biết làm sao để đủ thực phẩm để sinh hoạt. Bên cạnh đó, Gò Vấp là quận mà lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ tạm ngưng hoạt động nên mình không thể mua thực phẩm trực tuyến được”, chị Lynh nói.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

12 BÌNH LUẬN

  1. Tôi ở Phường 13, BÌNH THẠNH, chi có 2 ocombo: 350.000: 1.2 kg thịt heo, 2 kg rau củ+ rau lá+ 2 chục trứng.; combo 500.000: 1 cont gà thả vườn, +1.2 kg thịt heo, 2 kg rau củ+ rau lá+ 2 chục trứng, Trong khi nhiều người cần mua rau củ thôi, thì họ báo không bán lẻ

  2. Tôi ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. từ trước chỉ thị ngày 23-8 đến nay, khu vực tôi tạm trú không hề thấy phường hay tổ trưởng thông báo gì về việc đi chợ giúp và cũng không biết làm sao để mua lương thực thực phẩm. nếu tình trạng này kéo dài thi phải làm sao để có lương thực đây?

  3. Tôi ở quận Bình Tân, phường Bình Trị Đông A và vẫn chưa nhận được hướng dẫn đi chợ hộ như thế nào tại địa phương. Cơ quan chức năng làm việc không đồng bộ từ trên xuống như thế này thì dân chết đói. Dân đã khổ gần 3 tháng nay rồi, làm ơn hãy mau chấm dứt sự đói khổ này của dân!

  4. Tôi ở phường 7, Gò Vấp cho tới hiện tại vẫn chưa nhận được thông tin gì từ tổ dân phố về hình thức đi chợ hộ. Đồ ăn mua trữ chỉ dùng được khoảng 1 tuần. Tình hình hiện tại rất bất an đối với người dân hàng ngày phải lo lắng về bệnh tật, kinh tế, nay đến vấn đề an sinh, nhu cầu tối thiểu cũng đi vào ngõ hẹp. Mong rằng trên triển khai phải đồng bộ và phải kiểm soát được thì dân mới đỡ khổ.

  5. Phường 16 Gò Vấp chẳng thấy hướng dẫn gì cả, bây giờ không biết nhờ “đi chợ hộ” cách nào. Gọi thì cửa hàng nào cũng kêu số lượng đặt qua nhiều rồi, không nhận nữa, giờ phải làm sao? Cứ bảo cung ứng đủ hàng hóa nhưng chẳng thấy đâu!

  6. Mình đang ở Võ Văn Vân, Vĩnh Lộc B, Bình Chánh. Mình cũng chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ nhìn được biểu mẫu hay phổ biến đi chợ hộ là như thế nào.

  7. Nếu bất cập như vậy, có lẽ quân đội nên dùng xe quân đội vận chuyển thực phẩm phân phối cho địa phương, siêu thị để đảm bảo nguồn cung ứng không bị tắc nghẽn, vì xe và người của quân đội là yên tâm phòng dịch đảm bảo rồi. Các chú bộ đội nên huy động làm shipper miễn phí từ các địa điểm bán hàng, siệu thị đến cho từng hộ dân. Các hộ dân vẫn mua bán online như bình thường, ko bắt buộc mua kiểu combo hay gói gì cả. Bởi mấu chốt vấn đề ở đây chỉ là khâu giao hàng và vận chuyển hàng.

  8. Triển khai quá tệ, tôi gọi lên số của khu vực thì không liên lạc được, gọi số của đoàn phường thì đưa số của một người nào đó, tôi gọi sang thì nói gởi tin nhắn đồ cần mua xong cúp máy cái cụp, tôi gởi danh sách sang thì im luôn trong 2 ngày. Sau đó tôi thấy không phản hồi nên gọi lại thì được báo không hỗ trợ được, để đưa một số khác gọi. Vậy sao không báo cho người dân sớm để họ chuẩn bị, tôi chờ 2 ngày không có một lời nào, rồi dân đói thì nói do dân không biết cách liên lạc.

  9. Tui thấy mua combo kiểu này chỉ có lợi cho siêu thị chứ chả thấy lợi cho dân đâu cả, lúc trước đi chợ mua đồ nấu canh như bí xanh bí đỏ hay khoai mỡ khoai môn thì còn được người bán kèm theo rau nêm như hành ngò rau om ngò gai. Còn giờ bắt mua nguyên 1 combo mà không bán lẻ, mua thì phải cả ký mà còn là đưa gì phải lấy cái đó, rau củ úng dập cũng chịu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới