Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đi lãnh lịch

Lưu Thị Lương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tháng 11, tất cả cửa hàng bán văn phòng phẩm như đang treo lủng lẳng hàng loạt những tấm rèm cửa lung linh, sặc sỡ. Mỏng, dày, mềm, cứng, dài, ngắn, nhỏ xinh, vừa vừa bằng cái cặp học trò, to bự cỡ mặt bàn nhựa quán cóc bình dân. Có vô cùng kiểu phối màu ảo diệu, nhưng nổi bật nhất vẫn là kiểu đỏ rực may mắn, vàng óng ánh sang giàu.

Những cuốn lịch sáu tờ in hình láng bóng, đẹp tươi, hé mở theo làn gió, theo những ngón tay sờ mó của kẻ bán người mua. Từng xấp lịch để bàn, lịch bỏ túi, từng khối lịch xé theo ngày xếp chồng đống, đều đặn, chắc nịch. Nhìn những cửa hàng ấy rất vui mắt, là thấy sự sung túc, là dậy lên cảm giác lâng lâng, bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn.

Gần hết một năm rồi. Sắp Tết tới nơi.

Lịch bán nhiều như thế, nhưng, hình như, có rất nhiều người, cả đời, chẳng bao giờ phải đi mua lịch. Có người đến mùa sắm lịch là tự động có đầy lịch trong nhà. Treo phòng khách, treo dưới bếp, trong phòng ngủ, dọc cầu thang, dán tủ lạnh và đem đi cho. Lịch là một món đồ biếu, tặng để bày tỏ vô số lý do ân tình trân trọng tốt đẹp, lắt léo chỉ có người cho, kẻ nhận mới biết.

Ai cũng biết trong khẩu ngữ có cụm từ “đi bóc lịch” nhằm ám chỉ chuyện bị giam giữ tù đày lâu ngày tính bằng năm trở lên, nhưng mỗi cuối năm, ngoài đường người ta cứ nôn nao đi lấy lịch về nhà, hoặc băn khoăn, không biết năm nay “họ” còn cho lịch mình không.

Gần cuối năm, ngân hàng, những chỗ giao hảo, buôn bán, đối tác, trao đổi… rần rần tặng gửi lịch. Ngay cả sạp thịt, tiệm giò chả, xe bánh mì cũng có lịch cho khách hàng quen mặt biết tên. Hấp dẫn nhất là các tiệm vàng.

Mấy bà, mấy chị trong xóm, ngoài chợ hồi hộp hỏi nhau “Kim… có lịch chưa? Nghe nói Kim… năm nay không phát lịch”. Rồi cười nhạt, cười khẩy, chọc ghẹo, chế giễu nhau: “Nguyên năm, không sắm một phân vàng nào mà đòi lịch của người ta là sao!?”.

Suốt tháng 11, 12 hàng năm, trên đường, rất thường thấy xe máy chất chở, ràng rịt năm, bảy cuốn lịch, người đi bộ ôm xách hai, ba cuốn. Hoặc là đem đi biếu tặng, hoặc mang về nhà, hoặc mang vác dùm người khác.

Nhìn qua là thấy nét mặt những người đó ít nhiều có nét hân hoan. Có lịch mới rồi. Coi như sắm được một món đồ xài Tết mà không tốn tiền, lại còn thêm cái lợi là xài được nguyên một năm trọn vẹn, và suốt năm không hề hỏng hóc một tí tị nào.

Có kẻ thích cuốn lịch cổ điển, loại xé từng tờ mỗi ngày. Nếu cần thì cất đi để nhớ cho kỹ ngày hôm đó. Mặt sau tờ giấy lịch mỗi ngày không có hình, không in chữ, nên để giành ghi chép gì đó cũng được, để chùi tạm vết dơ trên mặt bàn ghế, trên sàn, hay để cho bọn trẻ con tập xếp những kiểu origami đơn giản.

Nhớ hồi xưa có những tờ lịch ngày lớn tới mức để làm bao tập học trò vừa khít. Bạn nào có loại giấy bao độc lạ, quý hiếm ấy cũng luôn khiến cả lớp thèm thuồng. Có người chuộng lịch tờ in nguyên cả tháng để tiện sắp xếp kế hoạch làm việc. Lại tiện chỗ ghi những nhắc nhớ chuyện này kia phải làm trong ngày mai, tuần tới.

Mặc dù hồi trước có lịch trong đồng hồ, bây giờ có lịch trên điện thoại dính sát bên người sáng tối không rời, nhưng trong mỗi ngôi nhà, nơi ở, chỗ làm việc, tờ lịch vẫn giữ một chỗ không thể thiếu trên tường, trên bàn, vừa để biết coi ngày biết tháng vừa là món trang trí cho không gian sinh hoạt.

Ví dụ bữa nay, lịch hàng dưới in số nhỏ hơn là 13, hoặc 29, vậy mai là ngày ăn chay, mua bông hoa, trái cây thắp nhang các nơi thờ cúng trong nhà, trong các loại cửa hàng bề thế sang trọng, nhỏ lẻ xập xệ. Hàng dưới cuốn lịch lột xé từng tờ mỗi ngày còn đính kèm “bí kíp, cẩm nang“ liệt kê tỉ mỉ những ngày giờ tốt, xấu, nên hoặc tránh làm chuyện quan trọng trong đời. Dân tình ưa chuộng lắm.

Lịch là món đồ báo hiệu năm hết, Tết đến nên có lẽ lịch biếu Tết là món quà trao tặng nhẹ nhàng mà ý vị nhất với cả người trao và người nhận vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới