Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi tìm mô hình kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi tìm mô hình kinh tế

(TBKTSG) – Mỗi lần xảy ra cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế là kéo theo sự “thoái vị” của một học thuyết và mô hình kinh tế từng ngự trị và sự “lên ngôi” của một học thuyết, mô hình khác.

Sự sụp đổ của trung tâm tài chính phố Wall và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay dẫn đến việc mô hình kinh tế tư bản tự do kiểu Mỹ (theo chủ nghĩa độc tôn thị trường tự do của Milton Friedman), “vang bóng” từ thời Reagan, bị phản bác mạnh mẽ tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới, kể cả những người từng ủng hộ mạnh mẽ nhất.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos tháng 1-2009 vừa qua, rất nhiều nhà lãnh đạo của các nước đã chỉ trích mô hình kinh tế Mỹ là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Thủ tướng Nga Putin nói cuộc khủng hoảng tài chính đã “kết liễu một hệ thống kinh tế tư bản lỗi thời”.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gọi đây là “mô hình phát triển không bền vững” đặc trưng bởi chủ nghĩa tiêu thụ quá mức, theo đuổi lợi nhuận mù quáng và buông lỏng kiểm soát của nhà nước về tài chính.

Nhiều nhà phân tích kinh tế, trong đó có học giả nổi tiếng Mỹ, Francis Fukuyama coi đây là “sự sụp đổ của mô hình kinh tế Mỹ” và “sự cáo chung của các học thuyết Reagan và Thatcher” (Asiaweek, 13-10-2008).

Người ta còn nhớ, 20 năm trước, được tiếp sức bởi sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu và cùng với nó là mô hình kinh tế kế hoạch tập trung, chính Fukuyama (người có đóng góp quan trọng cho học thuyết Reagan) đã gây xôn xao dư luận với cuốn sách Sự kết thúc của lịch sử (ca ngợi hết lời mô hình kinh tế và xã hội kiểu Mỹ và coi đó là mô hình duy nhất đúng và cuối cùng của xã hội loài người!).

“Thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý”, vì vậy không có gì kiểm chứng một lý thuyết hay một mô hình kinh tế có sức thuyết phục bằng kết quả thực tế.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, dù có những kết quả thực tế phù hợp với một lý thuyết bao nhiêu lần đi nữa, thì cũng không có gì bảo đảm rằng sẽ không có những kết quả thực tế trong tương lai mâu thuẫn với lý thuyết đó. Và chỉ cần có một kết quả thực tế trái với tiên đoán của một lý thuyết hay mô hình thì cũng đủ cơ sở để người ta bác bỏ chúng.

Điều đó giải thích vì sao mỗi khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn cũng là dịp người ta phản bác một học thuyết, một mô hình kinh tế đã từng ngự trị và đồng thời hướng đến các học thuyết, mô hình kinh tế khác. Lịch sử cứ thế lặp đi lặp lại.

Cuộc đại suy thoái kinh tế 1929-1933 dẫn đến mô hình kinh tế học cổ điển tự do kinh doanh (laissez faire) của Adam Smith bị phản bác khắp nơi vì “bàn tay vô hình” đã không có lời giải cho cuộc khủng hoảng. Thay vào đó, mô hình kinh tế “Nhà nước phúc lợi” (welfare state) và “ tân chính sách” (new deal) theo học thuyết Keynes – kinh tế học trọng cầu (demand-side economics), với sự can thiệp nhiều hơn vào thị trường của “bàn tay nhà nước” trở nên phổ biến, nhất là sau Thế chiến II.

Cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 kéo theo sự đình trệ kinh tế ở thập niên 1970 do sự quan liêu trì trệ, kém hiệu quả của hệ thống bộ máy nhà nước phình to đã làm cho học thuyết Keynes bị lu mờ và dẫn đến sự hưng thịnh của các học thuyết kinh tế “tân cổ điển” – kinh tế học trọng cung (supply-side economics), và “chủ nghĩa trọng tiền” (monetarism) của Friedman và mô hình kinh tế tư bản tự do Anglo-Saxon (tức các học thuyết Reagan – Thatcher), với đặc trưng cơ bản là đẩy mạnh tự do hóa kinh tế tư nhân, nhất là thị trường tài chính, cắt giảm thuế và sự kiểm soát cũng như can thiệp của nhà nước xuống mức thấp nhất, khôi phục vai trò độc tôn của thị trường, vì “thị trường biết rõ hơn hết thảy”.

Nay mô hình kinh tế của học thuyết Reagan bị sụp đổ, nước Mỹ sẽ chọn mô hình nào? Một số nhà phân tích và dư luận Mỹ đang nói đến việc Mỹ quay trở lại học thuyết Keynes và mô hình kinh tế “tân chính sách” dưới thời Tổng thống F.D.Roosvelt thời kỳ 1933-1939, hoặc theo mô hình dân chủ xã hội giống như các nước Đức, Pháp, hoặc tìm mô hình khác với tên gọi mới như “chủ nghĩa tư bản có kiểm soát” (regulatory capitalism), hay “chủ nghĩa tư bản có phòng vệ” (life -jacket capitalism), hay “chủ nghĩa tư bản sáng tạo” (creative capitalism).

Tuy nhiên, còn quá sớm để nói đến mô hình kinh tế mới hay “học thuyết Obama” (Obamanomics) sẽ định hình như thế nào trong dài hạn. Những biện pháp mà chính quyền Obama bắt đầu thực hiện, như gói cứu trợ 700 tỉ đô la nhằm cứu ngành tài chính và công nghiệp tư nhân và gói kính thích kinh tế 787 tỉ đô la mới được Quốc hội Mỹ thông qua, cùng với các biện pháp bảo hộ kinh tế khác, chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm chặn đứng cuộc khủng hoảng, chưa nói gì nhiều đến mô hình chiến lược kinh tế dài hạn.

Nhưng điều khá rõ là mô hình kinh tế mới của Mỹ sẽ phải phản ánh vị thế thực tế của nước Mỹ, sự phụ thuộc lẫn nhau của thời đại toàn cầu hóa kinh tế và tính đến sự lớn mạnh của các nền kinh tế mới trỗi dậy, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ cũng như sự phục hồi của Nga.

Mặc dù Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới (chiếm khoảng một phần tư GDP của thế giới), thị trường nhập khẩu hàng hóa và tư bản lớn nhất thế giới (nơi thu hút 80% vốn thặng dư của thế giới), nhưng rõ ràng thời kỳ mà Mỹ độc quyền chi phối toàn bộ nền kinh tế thế giới đã qua.

Câu nói “khi kinh tế Mỹ cảm lạnh thì cả thế giới bị viêm phổi” nghe còn có lý trong các thập kỷ trước đây, bây giờ xem ra rất quá đáng, vì cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ tuy có kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng không nhất thiết đồng nghĩa với việc tất cả các nước khác đều bị khủng hoảng trầm trọng hơn Mỹ.

VŨ TIẾN PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới