Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đi tìm thành phố đáng sống

Trần Hương Giang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc trả lời câu hỏi “Thế nào là một thành phố đáng sống?” là chìa khóa giải quyết được nhiều vấn đề trục trặc cho các đô thị lớn.

Thành phố đáng sống (liveable cities) là thuật ngữ không xa lạ và luôn thu hút sự quan tâm của chính phủ các quốc gia. Khi nền kinh tế phát triển đến mức quá nóng, hiện tượng đô thị hóa bị đẩy lên cao, các dịch vụ công trở nên quá tải, chất lượng sống của người dân bắt đầu giảm sút nhanh khiến cho một thành phố vốn là miền đất hứa thu hút nhiều di dân lại trở nên ít hấp dẫn.

Nghiêm trọng hơn, việc cơ sở hạ tầng cứng và mềm xuống cấp, môi trường bị ô nhiễm và tình trạng ách tắc giao thông có thể khiến sức hút của thành phố trở nên kém hơn, ảnh hưởng đến khả năng thu hút nguồn vốn và lao động cho các ngành kinh tế.

Việc trả lời câu hỏi “Thế nào là một thành phố đáng sống?” là chìa khóa giải quyết được nhiều vấn đề trục trặc cho các đô thị lớn. Khái niệm này sẽ là thông tin đầu vào hữu ích cho quá trình quy hoạch không gian đô thị, giúp các địa phương chuẩn bị tốt cho sự chuyển đổi khi các dư địa kinh tế đi vào trạng thái bão hòa.

Tuy nhiên, câu hỏi trên không thể được trả lời bởi các nhà lãnh đạo, nhà quản lý hoặc một nhóm người cụ thể. Việc tìm ra đặc điểm của một thành phố đáng sống phức tạp hơn so với những gì mà các quy hoạch sư có thể lường trước được.

Khái niệm có tính chuẩn tắc và thay đổi theo thời gian

Trong một buổi trò chuyện, thảo luận với sinh viên ở một trường đại học tại TPHCM nhằm chuẩn bị cho một khảo sát xã hội học nhỏ để làm rõ quan điểm thành phố đáng sống, khi được hỏi về quyết định lựa chọn một nơi để sinh sống, các bạn sinh viên thường thích được sống ở những không gian đầy đủ tiện nghi về dịch vụ nhưng lại cần có sự yên tĩnh, yếu tố xanh và sạch.

Môi trường thường được đề cập đến trong các câu trả lời như một cơ sở tham chiếu quan trọng, rõ ràng những người trẻ tuổi rất quan tâm đến điều kiện tự nhiên ở nơi họ sinh sống.

Tuy nhiên, rất nhiều bạn đã chia sẻ rằng mặc dù nói là yêu thích địa điểm này hoặc kia nhưng các bạn chưa bao giờ được lựa chọn sống ở những nơi mình cho là đáng sống đúng nghĩa vì túi tiền không cho phép. Họ thường chọn cư trú gần chỗ làm việc và học tập, nơi mà họ có sẵn nhà để ở với mức chi trả trong giới hạn cho phép.

Điều này đặt ra câu hỏi có bao nhiêu người dân thực sự được sống trong không gian mà họ cho rằng đáng sống? Và để đánh giá một nơi đáng sống với một hoặc một nhóm người có nên bao gồm cả yếu tố chi phí trang trải cho các hoạt động sống?

Trong một cuộc khảo sát tại hơn hai mươi quốc gia được công bố trên Economist Intelligent Unit năm 2022, các yếu tố được đề cao đầu tiên khi xem xét tính đáng sống của một thành phố đó là sự ổn định, văn hóa và môi trường.

Trong cấu phần của sự ổn định, những người được khảo sát quan tâm đến mức độ an ninh, tình hình tội phạm ở nơi sống. Yếu tố văn hóa bao gồm ẩm thực, vui chơi, giải trí, sự tự do và tôn trọng khác biệt tôn giáo, văn hóa. Riêng vấn đề môi trường phụ thuộc nhiều vào chất lượng khí hậu và không gian xanh.

Ba yếu tố tiếp theo được đề cập trong báo cáo là y tế, cơ sở hạ tầng và giáo dục. Điều thú vị là giáo dục dù vẫn nằm trong năm yếu tố quan trọng nhưng nhận được sự quan tâm thấp nhất khi so với bốn yếu tố còn lại.

Các nội dung khảo sát trong giáo dục được lý giải thông qua chất lượng giáo dục công và tư nhân gắn với trường học. Do đó, việc yếu tố giáo dục chưa được đề cao có thể lý giải là do những người trả lời không cho rằng chất lượng hoạt động giáo dục nên gói gọn giữa bốn bức tường của các cơ sở giáo dục đào tạo.

Điểm thú vị hơn nữa đó là kết quả khảo sát có tính phân tán nhiều hơn là hội tụ, không một yếu tố nào có kết quả lựa chọn nổi trội và cách biệt hơn so với các yếu tố khác, rất nhiều nội dung có tỷ trọng người quan tâm bằng nhau.

Kết quả trên cho thấy sự dàn trải mức độ chú ý của người làm khảo sát với các yếu tố là khá lớn, có thể đến từ khác biệt về đặc điểm phát triển của các quốc gia dẫn đến nhu cầu của các nhóm người khảo sát cũng đa dạng.

Ngay cả trong phạm vi một quốc gia thì câu trả lời cho đặc điểm đáng sống của một thành phố cũng có sự khác biệt giữa những nhóm người có tuổi tác, thu nhập, chuyên môn,... khác nhau. Điều này thách thức các chính phủ trong việc đi tìm định nghĩa của một thành phố đáng sống.

Tuy có nhiều khác biệt về mặt đối tượng và phạm vi nghiên cứu, nhưng yếu tố môi trường luôn xuất hiện trong tất cả các cuộc khảo sát như một thành phần cốt lõi. Chẳng hạn, trong một cuộc khảo sát ở phạm vi hẹp hơn là phía Tây nước Úc, có đến 14 yếu tố được phát hiện để định nghĩa thành phố đáng sống, trong đó, số người lựa chọn yếu tố về không gian sống gần với môi trường thiên nhiên là tuyệt đối.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là cứ những thành phố đông dân thì không gian môi trường xanh sẽ bị thu hẹp lại và sẽ trở nên ít đáng sống hơn. Bằng chứng là quốc đảo Singapore dù có mật độ dân số khá cao nhưng được bình chọn là một trong những quốc gia đáng sống của thế giới theo số liệu khảo sát của Trung tâm nghiên cứu về thành phố đáng sống.

Thành tựu đó đến từ việc Singapore đã khéo léo tận dụng các tòa nhà cao tầng để tăng diện tích sinh sống cho người dân nhưng vẫn tiết kiệm diện tích mặt đất để có đủ quỹ đất cho việc lồng ghép vào các không gian xanh. Hơn nữa, ngay từ đầu, Chính phủ Singapore đã xem môi trường là yếu tố cần được tập trung gìn giữ và xây dựng tốt.

Để đủ thông tin quy hoạch một thành phố đáng sống

Như vậy, để tìm hiểu và thiết kế một thành phố đáng sống, quá trình quy hoạch vẫn phải bắt đầu bằng việc làm rõ khái niệm này thông qua khảo sát xã hội học. Đối với một quốc gia đang phát triển và có mức thu nhập trung bình như Việt Nam, việc cân nhắc đưa yếu tố mức chi phí sinh hoạt phải chi trả vào nội dung cần khảo sát là hợp lý.

Điều thách thức cho các quy hoạch sư đó là họ không bao giờ được quyền quy hoạch từ một vùng đất trống hoàn toàn để có thể thỏa sức xây dựng và sáng tạo mà phải bắt đầu từ một nơi đã có nhiều người sinh sống, nhiều công trình đồ sộ và cũng có nhiều vấn đề sai lầm trong quá khứ.

Như vậy, khi quy hoạch một thành phố lớn, việc thực hiện phải bắt đầu từ hai hướng. Một là phải nhận tín hiệu từ những đặc điểm hiện hữu đã được hình thành một cách rất tự nhiên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở quá khứ và khảo sát xã hội học.

Tín hiệu này cho người quy hoạch biết được sự lựa chọn và mong muốn của các đối tượng trong xã hội cũng như lý giải được nguyên nhân của các thực trạng bao gồm cả những sai lầm đã từng xảy ra và buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, cộng đồng cũng chưa chắc là thật sự biết mình muốn gì và có thể đưa ra câu trả lời xác đáng thế nào là một thành phố đáng sống.

Do đó, hướng tiếp cận thứ hai sẽ đến từ việc các chuyên gia quy hoạch phải tự giải mã được các mô thức phát triển và dự báo xu hướng sắp tới để thêm vào các nét vẽ hoàn thiện bức tranh về một thành phố đáng sống.

Để làm được điều này, các chuyên gia phải thấu hiểu vùng đất mà mình đang thực hiện quy hoạch, kết hợp với các bài học kinh nghiệm đi trước của thế giới cũng như đưa ra được một tầm nhìn xa hơn cho việc phát triển vùng đất.

Bên cạnh đó, các báo cáo quy hoạch rất cần được phản biện nghiêm túc từ các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau để đảm bảo có nhiều góc nhìn đa dạng và thấu đáo.

Dù là ở góc nhìn hay cách tiếp cận nào, một yếu tố chung mà chắc chắn sẽ phải xuất hiện trong cấu phần hình thành một thành phố đáng sống, đó là môi trường sống xanh và sạch. Chính vì vậy, đây là nội dung cần bắt tay vào làm và thực hiện ngay để tránh lãng phí thời gian và cũng để có đủ khả năng hoàn thiện kịp thời kết hợp với các yếu tố khác nhằm hình thành nên một thành phố đáng sống đúng nghĩa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới