Điểm danh cá an toàn
Nguyễn An Sa
Độc tố phenol và xyanua tàn phá đáy biển bốn tỉnh miền Trung. Ảnh: vietnamnet.vn |
(TBKTSG Online) - Cơ quan chức năng đã có giải đáp chính thức về vấn đề an toàn cá biển bốn tỉnh miền Trung – khu vực ô nhiễm do chất thải Formosa – nhưng có lẽ không vì thế mà người tiêu dùng và ngư dân có thể yên tâm hơn được!
1.040 mẫu hải sản đã được Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành liên quan lấy hàng ngày từ các thuyền đánh cá, cảng, gò, đầm nuôi tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế để nghiên cứu trong thời gian qua.
Kết quả công bố ngày 20-9 như sau: “Từ kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế kết luận, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của bốn tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm. Các hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý (tương đương 25 km) chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy nêu trên trong vòng 20 hải lý”.
Điều khiến ngư dân bốn tỉnh bị ảnh hưởng ô nhiễm vẫn hoang mang, đó chính là nghề biển lâu nay được tổ chức một cách chủ động theo mô hình đánh bắt truyền thống, nay rất có khả năng sẽ phải qua một khâu “kiểm định” khi các tàu cập bờ. Việc xác định nguồn cá đánh bắt được nằm trong hay ngoài khu vực 20 hải lý không hề đơn giản. Và rõ ràng, ngư dân không thể mang theo danh sách cá tầng đáy của Bộ Y tế để gọi cá vào lưới của mình. Vậy thì, để không lỗ vốn sau những chuyến ra khơi, hẳn những tàu cá chuyên đánh bắt hải sản vùng tầng đáy sẽ phải tiếp tục thất nghiệp chờ đến khi có công bố chính thức biển đã an toàn.
Về phía tâm lý tiêu dùng, thông tin trên phổ biến cho các bà nội trợ một vài kiến thức về hải sản, song rồi đây sẽ khiến các bà tiếp tục hoang mang khi đứng trước những sạp cá. Chuyện phải học thuộc lòng một danh sách dài dằng dặc, sau đó, cập nhật những thuộc tính hoạt động của cá tầng đáy, tầng nổi… xem ra không đơn giản chỉ dừng lại ở tính công thức hay bảng chỉ dẫn. Rất nhiều toan tính, do dự và hoài nghi sẽ đặt ra với người quyết định mua con cá, con ghẹ cho bữa cơm gia đình. Rõ ràng, phenol trong hải sản vẫn còn ám ảnh người tiêu dùng, và điều này dẫn đến việc tẩy chay cá biển cho chắc ăn. Hệ lụy ấy, mối nghi ngờ ấy sẽ còn đeo bám người tiêu dùng cho đến ngay cả khi có tuyên bố biển đã sạch nhưng những cống xả thải của các nhà máy vẫn còn giấu đâu đó dưới những tầng đáy.
Thị trường hải sản các địa phương, ít nhất là ở bốn tỉnh miền Trung nói trên sẽ phải tiếp tục chịu thiệt thòi vô cùng nặng nề.
Rõ ràng, cơ quan chức năng đã làm xong phần việc của mình. Nhưng kết quả lạnh lùng đó đang nói với chúng ta rằng, câu hỏi trách nhiệm môi trường và an sinh của người dân vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để. Chờ đến bao giờ thì nguồn cá tầng đáy mới sạch phenol, hệ sinh thái đáy đại dương ở vùng ô nhiễm mới phục hồi? Giải pháp cải thiện môi trường nước biển, cái nôi cho sinh kế bền vững của đánh bắt, nuôi trồng sẽ ra sao? Rõ ràng chưa thấy câu trả lời.
Biển chưa sạch. Mối bất an dưới đáy biển vẫn rập rình trong những bữa cơm gia đình, rồi tiếp tục đẩy người ngư dân vào thế khó. Trong khi đó, hình như những hệ lụy lớn lao này vẫn chưa đem lại một kinh nghiệm đáng kể nào trong chọn lựa phát triển đối với các nhà quản lý.