(KTSG Online) - Dù Việt Nam khởi hành năm nay với vị thế của một “ngôi sao” chống dịch giai đoạn trước nhưng tình thế đã thay đổi rất nhanh vào nửa cuối năm khiến cho nền kinh tế có thời điểm đứng trước áp lực sống còn. Nền kinh tế cả năm xoay quanh các khái niệm được – mất, những kỷ lục thiết lập hay sự gãy đổ đã xuất hiện. Thời điểm này khi chúng ta đã có cảm giác an toàn hơn trên hành trình 2021 thì cùng KTSG Online nhìn lại những điểm đáng nhớ nhất của nền kinh tế Việt Nam qua cửa sổ của con tàu Covid-19.
Tăng trưởng GDP "việt vị" với chủng Delta
Đầu năm, các tổ chức quốc tế dự báo GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 7,5-7,8%. Con số này càng khả thi khi dựa trên mức nền khiêm tốn của năm 2020 (GDP chỉ tăng 2,91%), cộng thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định, doanh nghiệp hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Nhưng biến thể Delta xuất hiện đã khiến những con số này thành bất khả thi.
Lần đầu tiên từ khi thống kê GDP theo quí năm 2000, Việt Nam ghi nhận một quí tăng trưởng âm (quí 3, GDP giảm 6,17%). Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%. Đó là hệ quả của việc hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh vì lệnh giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.
Quí 3 cũng là lần đầu tiên có tới 18/19 tỉnh thành phía Nam (bao phủ hơn 44% GDP cả nước) cùng tăng trưởng âm. Riêng đầu tàu kinh tế TPHCM dẫn đầu với mức giảm GDP tới 24,39%. Chính phủ đang kỳ vọng năm 2021 GDP tăng trưởng 3-3,5% nhưng mục tiêu này cũng khá thách thức.
Tỷ lệ thất nghiệp, doanh nghiệp đóng cửa cao kỷ lục
Một trong những hình ảnh gây ám ảnh nhất trong năm 2021 là hành trình hồi hương khốc liệt nhằm chạy thoát khỏi sự bùng dịch ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Nguồn cơn của cuộc hành trình có nhiều lý do, có thể là mất việc, cạn tiền trong khi vẫn còn nhiều sức ép khác như phải trả tiền thuê nhà, lo lắng dịch bệnh và hơn hết là các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Thông qua những hình ảnh này cũng có thể thấy bức tranh kinh tế, lao động, việc làm nhuốm màu tiêu cực. Hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong quí 3, tăng đến nửa triệu so với quí trước. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 3,98%, cao nhất trong một thập niên qua và vượt xa tỷ lệ thất nghiệp trong những giai đoạn khó khăn khác của nền kinh tế với 12 triệu người bị cắt giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập.
Cũng từ lỗ hổng của nguồn lao động, có thể thấy được tình trạng hoạt động của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn và tình trạng giải thể đóng cửa doanh nghiệp tạo nên kỷ lục. Bình quân mỗi tháng khoảng 9.700 doanh nghiệp không thể cầm cự, phải ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Chưa khi nào lịch sử ghi nhận số doanh nghiệp khai tử nhiều hơn mới thành lập như vậy. Số liệu này, theo Tổng cục Thống kê, có thể còn chưa phản ảnh hết thực tế.
Lần đầu trải nghiệm với “3 tại chỗ”
Nhiều doanh nghiệp không chấp nhận đóng cửa hoặc không thể đóng cửa vì các lý do như hợp đồng với đối tác, giữ chân lao động đã có, lần đầu tiên trải nghiệm với mô hình sản xuất ba tại chỗ (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ). Đây là mô hình được áp dụng thành công tại Bắc Ninh trong đợt bùng phát dịch bệnh trước đó. Tuy nhiên khi áp dụng với các tỉnh thành phía Nam lại trở nên bất cập và càng kéo dài lại càng rủi ro.
Áp lực tài chính đè nặng lên vai doanh nghiệp khi vừa phải chuyển đổi công năng nhà xưởng, lắp đặt thêm khu vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ cho công nhân vừa trả chi phí xét nghiệm định kỳ mỗi tuần. Chi phí cho người lao động tăng lên nhưng năng suất lại giảm, những rủi ro bùng phát dịch bệnh đã xuất hiện vài nơi vì điều kiện cách ly tại chỗ hạn chế.
Trong điều kiện sản xuất, sinh hoạt bị hạn chế nhiều, mô hình sản xuất “ba tại chỗ” đang bị đẩy đến giới hạn chịu đựng và có nguy cơ đổ vỡ nếu kéo dài hơn một tháng. Suy cho cùng, các công ty, nhà máy chỉ được thiết kế để phục vụ hoạt động sản xuất nên không thể biến doanh nghiệp thành khu dân cư lâu dài. Dù nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được mô hình sản xuất này đến khi tình trạng dịch bệnh được kiểm soát nhưng để nói thành công thì không thể.
Chuối cung ứng của nhiều lĩnh vực bị đứt gãy
Khi dịch bệnh xảy ra, điều không ai lường trước được là nó hạn chế kết nối thực, nền kinh tế vật chất hiện tại bị đứt gãy ở cả hai chiều cung lẫn cầu và giao tiếp xã hội. Tất cả chợ đầu mối và hơn phân nửa chợ truyền thống đóng cửa, còn hàng hoá từ tỉnh không thể thông chốt vì những đứt gãy trong lưu thông. Hình ảnh siêu thị mở cửa với những kệ hàng trống không đã xuất hiện, ngay cả những mặt hàng thiết yếu cũng trở nên khan hiếm. Hay việc bán online bị quá tải khi lực lượng giao nhận chuyên nghiệp không được phép hoạt động vì các biện pháp phòng dịch.
Việc đi chợ bằng “tem phiếu” hay “đi chợ hộ” ngày chẵn, ngày lẻ tưởng chừng chỉ còn trong hoài niệm thì ngay trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh người dân đã được trải nghiệm thực tế. Khi được đi chợ bằng tem phiếu thì người tiêu dùng lại trở nên rối rắm trong sự lựa chọn của mình với danh mục “hàng thiết yếu” và các quy định thiếu đồng nhất giữa các địa phương.
Chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng bị đứt gãy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nhưng đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đã đặt nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực sống còn. Ngay cả khi dịch được kiểm soát, chuỗi cung ứng vẫn chưa được cải thiện khi hơn 4.550 container nông sản, linh kiện điện tử vẫn ùn ứ nửa tháng qua tại Lạng Sơn để chờ thông quan sang Trung Quốc.
Giá đất kỷ lục và nhà lưu trú công nhân khan hiếm
Cuối năm 2021, phiên đầu giá đất vô tiền khoáng hậu ở Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) với mức giá kỷ lục 2,4 tỉ đồng một mét vuông đã gây xôn xao dư luận. Đã có rất nhiều phân tích về hệ lụy của thị trường về mức trúng giá này gây ra. Trong đó lo ngại việc phát triển nhà ở giá rẻ cho người dân thu nhập thấp ở đô thị sẽ ngày một trở nên khó khăn hơn.
Liên hệ với những cuộc di dân rời khỏi thành phố, người công nhân rời nhà máy vì lo ngại ba tại chỗ trong đợt dịch vừa qua thì vấn đề nhà lưu trú cho công nhân lại được đặt ra. Những câu chuyện cũ về quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân khan hiếm, quỹ nhà ở xã hội, tái định cư bị lãng phí một lần nữa được lật lại.
Sau bài học từ Covid-19 vừa qua có thể vấn đề này được đặt lên cân nhắc một cách hợp lý và thực chất trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc đấu giá đất xác lập kỷ lục vừa qua có thể là một chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề nếu các chính sách phát triển nhà ở giá thấp thực sự hướng về người thu nhập thấp. Trong đó cần hài hòa bài toán lợi ích phát triển để đảm bảo công bằng xã hội. Nhà nước có thể đấu giá các vị trí đất vàng với giá cao nhưng số tiền thu được cũng cần được phân bổ một phần để đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân.
Cơn say chứng khoán và những kỷ lục được thiết lập
Đại dịch có thể là sự tác động bất ngờ và nặng nề trong một thời gian ngắn nhưng cũng trong khoảng thời gian đó nhiều lĩnh vực lại trở nên thăng hoa và tạo nên những kỷ lục mới. Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế nhưng trong dịch bệnh điều này lại trở nên mâu thuẫn khi diễn biến trái ngược với đà sa sút của nhiều lĩnh vực kinh tế.
Nhiều chuyên gia đầu tư nhận định dòng tiền đang ngày một rẻ hơn trong dịch bệnh nên càng có nhiều lý do để đổ vào thị trường chứng khoán. Nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán, dòng tiền như thác đổ vào thị trường khiến mọi kỷ lục bị xô đổ trong năm nay. VN-Index phá đỉnh 1.204 điểm của tháng 4-2018 rồi chinh phục kỷ lục mới 1.500 điểm, chỉ số này tăng 34% trong năm vượt qua cả các thị trường vốn lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Thị trường nhiều lần phá kỷ lục thanh khoản với phiên cao nhất hiện nay là hơn 2 tỉ đô la. Thị trường đón hơn 1,3 triệu tài khoản mới của nhà đầu tư trong nước, riêng tháng 11 bằng tám tháng đầu năm ngoái cộng lại. Nhà đầu tư trong nước hoàn toàn làm chủ cuộc chơi trên thị trường khi mua ròng 84.000 tỉ đồng và không hề nao núng khi khối ngoại đã bán ròng gấp ba lần năm ngoái với 55.000 tỉ đồng. Cảm giác như mọi kỷ lục trên thị trường chứng khoán đều bị phá, ngay cả tỷ lệ vay ký quỹ cũng có thời điểm lên mức kỷ lục 2,75%.
Mặt bằng lãi suất thấp là lý do dòng tiền tạo nên sự bùng nổ cho thị trường chứng khoán năm qua, tuy nhiên từ đó cũng dấy nên nỗi lo bong bóng tài sản khi áp lực lạm phát 2022 đang rất lớn.
Xu hướng tài sản số lên ngôi
Theo ví von của giới đầu tư, 2021 còn là một năm "hoang dã và đầy cảm xúc" với nhân tố mới là các tài sản số (NFT).
Cũng như chứng khoán, kênh đầu tư này lên ngôi khi các kênh thay thế không hấp dẫn, lãi suất tiền gửi ngày càng giảm. Nếu ở những kênh đầu tư truyền thống, lãi 30-50% đã là con số ấn tượng thì trên thị trường tiền số, khoản lợi nhuận có thể gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần. Cũng chính vì thế, lòng tham và nỗi sợ của những nhà đầu tư mới, ở đây là nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO), trở thành động lực giúp tiền số, tài sản số tạo cơn sốt.
Đỉnh điểm của xu hướng này là thông tin lô đất ảo trên Metaverse giao dịch thành công với giá 2 triệu đô la đầu tháng 12 qua đã kích thích cho xu hướng này bùng nổ. NFT được nhận định sẽ là xu hướng trong tương lai rất gần.
Nhưng ở thị trường nào tỷ suất lợi nhuận khổng lồ cũng kèm theo rủi ro rất lớn. Rủi ro trước mắt các kênh đầu tư này là tiền số vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam, điều này có nghĩa các giao dịch sẽ không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Vì vậy thời gian qua đã chứng kiến hàng loạt dự án lừa tiền của nhà đầu tư (scam), các token giả được tạo ra nhan nhản ăn theo những "cơn sóng FOMO".
Giá cả hàng hóa tăng gây sức ép lên lạm phát
Với vai trò là nguồn nguyên liệu chính cung cấp năng lượng cho thế giới, sự biến động giá của dầu thô có tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế và thị trường hàng hóa. Ở Việt Nam, sau những đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội kéo dài, giá cả hàng hóa đã tăng lên một nấc mới.
Diễn biến thực tế giá xăng RON95 trong năm qua có giai đoạn lên sát 25.000 đồng một lít, cao nhất bảy năm và chỉ còn cách 80 đồng so với đỉnh lịch sử tháng 7-2013. Từ đó thúc đẩy giá cả hàng hóa đồng loạt tăng lên như giá vật liệu xây dựng 6,8%, giá gạo tăng 6% trong 11 tháng góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%. Những con số này khiến nhiều doanh nghiệp lao đao trong phép tính kinh doanh sau đại dịch và có thể người tiêu dùng cuối là người chịu thiệt.
Lạm phát năm 2021 có thể nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn từ đà tăng giá trên thị trường thế giới. Đồng thời nhu cầu hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất khẩu tăng do các nền kinh tế dần hồi phục.
Covid-19 tạo bước nhảy vọt của chuyển đổi số
Đại dịch có thể là sự tác động bất ngờ và nặng nề trong một thời gian ngắn nhưng trong tình thế phải thay đổi các mô hình kinh doanh cũng cho thấy tốc độ nâng cấp không kém. Thông thường quy trình thay đổi hình thái kinh doanh của doanh nghiệp có thể mất nhiều năm mới hoàn thành thì nay họ chỉ tiến hành trong vài tháng.
Không còn giả lập, Covid-19 đang đưa môi trường kinh doanh của tương lai đến thực tại một cách trần trụi và thử thách những ai can đảm, dám thay đổi. Điều đáng nói là sự chuyển đổi này đang đem đến hiệu quả mà chính những người trong cuộc cũng không ngờ đến.
Mọi mô hình kinh doanh, đầu tư bị Covid-19 chạm đến đều buộc phải xoay trở để tồn tại và khi mọi thứ đi vào quỹ đạo thì giá trị tích cực cũng đã lộ diện. Với ngân hàng thì mục tiêu quốc gia không tiền mặt đã bước được một bước khá dài; với các doanh nghiệp việc chuyển đổi số hiệu quả trong hoạt động quản trị lẫn mô hình kinh doanh đang hình thành.
Theo một cách nào đó Covid-19 đã thúc đẩy kinh tế thực sang kinh tế số như một phép màu, thúc đẩy loài người tiến bộ. Covid-19 là một bài kiểm tra đối với tất cả các hệ thống, từ cấp quốc gia cho tới cá nhân, cho thấy cả ưu điểm và khuyết điểm. Đây là lời nhắc nhở rằng Việt Nam có thể tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa từ các dịch vụ số và phải đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến trình số hóa.
Công nghệ thông tin không chỉ thúc đẩy tăng trưởng bao trùm mà còn nâng cao năng lực đối phó giữa bối cảnh khủng hoảng – giúp chúng ta giảm thiểu tác động tiêu cực của gián đoạn xã hội, giúp chúng ta kết nối, làm việc hiệu quả, và quan trọng là vẫn có thể giao tiếp xã hội cũng như đảm bảo nhu yếu phẩm.