(KTSG) - Đối với Việt Nam, đó là cơ hội cho doanh nghiệp nội địa đồng hành, trưởng thành và phát triển. Ở tầm mức rộng lớn hơn, đó là cơ hội cho cả hành tinh.
- Doanh nghiệp châu Âu muốn hợp tác phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam
- Nắn dòng vốn ngoại cho mục tiêu kinh tế xanh
Xanh hơn nhờ FDI?
Báo cáo thường niên FDI năm 2022 với chủ đề tăng trưởng xanh và kinh tế số công bố vào ngày 10-3 vừa qua đã hé lộ nhiều thông tin về phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tăng 70% so với năm 2020. Từ cuối năm 2021, đã xuất hiện các dự án xanh như nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trong lĩnh vực đồ chơi, một nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo sản xuất đồ trang sức. Xu hướng này sẽ tiếp diễn, đơn giản bởi mũi tên đã bắn ra chắc hẳn sẽ bay về phía hồng tâm. Vậy nhưng, đạt được điểm mấy lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Thứ nhất, dù được đánh giá là một ngôi sao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, những lĩnh vực sản xuất mà Việt Nam chiếm được thị phần đáng kể là dệt may, da giày và điện tử tiêu dùng. Ít nhất với hai trong ba thế mạnh trên, xu hướng sản xuất xanh chỉ mới xuất hiện chứ chưa thể trở thành dòng chảy chủ lưu.
Khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, nỗi lo về một đợt suy thoái mới đòi hỏi nhiều năm để phục hồi… đang và sẽ tiếp tục là những rào cản cho việc chuyển đổi xanh trong hai lĩnh vực sản xuất nêu trên.
Kịch bản khả quan nhất là doanh nghiệp đi vào thị trường ngách, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường trong một quy trình không phát thải nhắm đến đối tượng khách hàng trung lưu và thượng lưu. Chỉ có điều, dẫu chuyện này xảy ra, không nhiều khả năng doanh nghiệp Việt là bên lĩnh xướng.
Khi những vướng mắc về thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, chất lượng nguồn nhân lực… còn nguyên vẹn, rất nhiều khả năng doanh nghiệp Việt vẫn sẽ khó tham gia trực tiếp và là một bên hưởng lợi từ kinh tế xanh.
Thứ hai, báo cáo chỉ ra một loạt những khó khăn khách quan khiến thảm đỏ thu hút FDI ở Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác trở nên kém hấp dẫn. Mỹ và các nền kinh tế lớn ở châu Âu đã đưa ra nhiều biện pháp kéo sản xuất của các ngành quan trọng và có giá trị gia tăng cao trở về chính quốc. Tỷ suất lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp FDI tại các nền kinh tế đang phát triển giảm từ 11,5% xuống còn 7,8% trong giai đoạn 2011-2018.
Bất chấp thực tế đó, tại buổi công bố báo cáo thường niên thu hút FDI, đại diện các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu chia sẻ kỳ vọng về hàng ngàn tỉ đô la đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh, logistics và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Sự hào hứng với năng lượng sạch, cam kết mang tính quốc gia của Việt Nam về giảm phát thải về 0 năm 2050 mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu công nghệ năng lượng sạch từ Mỹ và châu Âu, vốn đang có những khoản trợ cấp khổng lồ để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này, cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Có vẻ như, một phần nào đó sau những lời hứa hẹn hấp dẫn kể trên, Việt Nam được nhìn nhận như một thị trường với tiềm năng nhiều hơn thách thức.
Thứ ba, không có nhiều cơ sở để tin tưởng FDI đầu tư vào kinh tế xanh sẽ đi theo con đường khác với hiện trạng đang tồn tại. Khi những vướng mắc về thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, chất lượng nguồn nhân lực… còn nguyên vẹn, rất nhiều khả năng doanh nghiệp Việt vẫn sẽ khó tham gia trực tiếp và là một bên hưởng lợi từ kinh tế xanh. Phải thẳng thắn rằng, hai nhà máy xanh được đề cập ở đầu bài viết đến với Việt Nam như một biểu tượng trong cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh từ Đan Mạch, quốc gia dẫn đầu châu Âu trong lĩnh vực này. Dù quá trình này có nhiều diễn biến tích cực hơn trong thời gian sắp tới, giống như trước kia, Việt Nam vẫn chỉ đang “quá giang” trên vai những người khổng lồ.
Cách tiếp cận của Việt Nam nhìn từ chuyển đổi năng lượng
Không thể phủ nhận Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong phát triển năng lượng tái tạo. Theo báo cáo của tổ chức Ember (Anh) công bố giữa năm 2022, cùng với Hà Lan và Úc, Việt Nam đã dịch chuyển hơn 8% tổng nhu cầu điện sang điện gió và điện mặt trời trong hai năm 2020-2021.
Đáng nói hơn, tính đến thời điểm hiện tại, dù phải nhập khẩu phần lớn trang thiết bị và công nghệ, doanh nghiệp Việt vẫn đang làm chủ cuộc chơi năng lượng sạch. Số liệu được đại diện HSBC Việt Nam đưa ra vào tháng 1-2023 cho thấy, đa số các khoản đầu tư vào điện tái tạo của Việt Nam đến từ các nguồn trong nước. Cụ thể hơn, theo dữ liệu từ Công cụ Theo dõi Cơ sở Hạ tầng Mekong, khoảng 60% dự án năng lượng tái tạo Việt Nam được phát triển hoàn toàn bởi các doanh nghiệp nội địa, 27% còn lại được phát triển bởi một công ty Việt Nam hợp tác với đối tác quốc tế. Chỉ 12% (tương đương khoảng 10 dự án) được phát triển mà không có đối tác Việt Nam.
Sự chủ động trên có thể sẽ thay đổi. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, năm 2020, hơn 5,1 tỉ đô la vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, chiếm 18% tổng vốn đăng ký, cao gấp 38 lần so với 5 năm trước đó.
Câu hỏi ở đây là đối với một lĩnh vực đặc biệt như năng lượng, chỉ áp dụng những quy định trong Luật Đầu tư và pháp luật liên quan đã đủ? Để đảm bảo cả an ninh năng lượng, có nên sớm đưa ra những quy định chặt chẽ hơn? Chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển năng lượng sạch, Việt Nam vẫn đang là một mảnh đất màu mỡ trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy, ở thời điểm này, việc xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch, chặt chẽ, hài hòa lợi ích các nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Đầu tiên, ngoại trừ những dự án mang tính “tự cấp tự túc”, năng lượng tái tạo được phát triển bởi nhà đầu tư ngoại sẽ chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng nhu cầu năng lượng theo từng thời kỳ? Đây sẽ là căn cứ để cấp phép, điều chỉnh cấp phép, là cơ sở để đưa ra những yêu cầu về tỷ lệ vốn nội trong các liên doanh năng lượng tái tạo giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ về khu vực nào khuyến khích và ít khuyến khích đầu tư nước ngoài, đặc biệt với điện gió ngoài khơi, đi kèm với đó là quản lý các hoạt động bán, nhượng cổ phần cho khối ngoại.
Cần lưu ý thêm rằng, trong cơn lốc đầu tư điện gió ngoài khơi đang diễn ra, đã có nhiều cảnh báo về việc đầu tư vượt quá quy hoạch, điều đã từng xảy ra khi phát triển điện mặt trời. Nếu dự án đi vào vận hành mà không hoà vào lưới điện, nhà đầu tư chỉ còn cách bán lại dự án để tồn tại.
Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh khác cũng nên đi theo cách tiếp cận này. Trước mắt, cần xác định lĩnh vực ưu tiên đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam để có sự chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, sự sẵn sàng của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng… Trong bản đồ kinh tế xanh, vị trí và vai trò của doanh nghiệp Việt phải được hình dung một cách rõ ràng, từ đó có những quy hoạch hợp lý, một mặt tận dụng được lợi thế về vốn và công nghệ của các nhà đầu tư ngoại, mặt khác tạo không gian cho doanh nghiệp nội lớn mạnh để tiếp cận công nghệ, cùng phát triển tiến tới cạnh tranh công bằng với các đối thủ FDI. Chuyển đổi xanh nên được coi là phương tiện hướng tới một nền sản xuất hiệu quả và bền vững hơn chứ không phải là mục đích rồi vì thế chúng ta chăm chăm ưu đãi, lôi kéo ngoại lực, cố “khoác lên mình một chiếc áo xanh”.
Vấn đề không chỉ ở chuyển đổi năng lượng xanh
Điềm tĩnh với kinh tế xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… có lẽ không chỉ là vấn đề của Việt Nam. Chúng ta chỉ mới nhìn thấy mà chưa có cách xử lý vấn nạn rác thải pin mặt trời hết hạn sử dụng, cánh quạt turbine gió. Những ảnh hưởng về mặt sinh thái của điện mặt trời hay điện gió chưa được nghiên cứu thấu đáo, phần vì tác động ở mặt này chưa rõ nét, phần vì cơn say năng lượng tái tạo đã giảm đi rất nhiều những lo âu xung quanh việc khai thác các nguồn tài nguyên này.
Quan trọng hơn, nếu năng lượng tái tạo được tận dụng để thoả mãn ngày càng nhiều hơn cách sử dụng năng lượng vượt quá xa nhu cầu hợp lý của mỗi người, nó sẽ không thể là một giải pháp bền vững. Báo cáo của mạng lưới chính sách năng lượng xanh REN21 công bố giữa năm 2021 chỉ rõ, thị phần của nhiên liệu hóa thạch trong tổng tiêu thụ năng lượng hỗn hợp toàn cầu vẫn cao như một thập niên trước. Một bài viết do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) xuất bản cuối tháng 2-2023 nêu rõ, nhóm 1% người phát thải hàng đầu trên toàn cầu thải ra lượng khí carbon gấp 1.000 lần so với nhóm 1% người phát thải dưới cùng. 85% trong nhóm 10% người phát thải hàng đầu sống ở các nền kinh tế tiên tiến.
Như vậy, bài toán đặt ra với các nước giàu và các quốc gia đang phát triển là nên thay đổi và lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế như thế nào. Nếu quy mô từng doanh nghiệp nói riêng và quy mô toàn nền kinh tế nói chung được mở rộng nhờ việc khuyến khích tiêu dùng, đồng nghĩa với việc tiêu tốn năng lượng và tạo ra ngày càng nhiều rác thải, tương lai xanh cho hành tinh này sẽ chỉ là một lời nói ngọt bay qua những turbine điện gió.
Năng lượng xanh như dầu thô ,chưa thể dùng ngay được mà phải điều phối bằng công nghệ +phần mềm…Nếu ta chưa nắm được những điều này thì nên làm từng bước từ ít lên nhiều …Ta nên huy động chất xám vào ngành này
Động cơ đốt trong, có lịch sử phát triển hơn 1,5 thế kỷ, tuy nhiên nhưng vẫn chưa hết cơ hội. Động cơ điện, năng lượng tái tạo… sẽ là xu hướng mới của kỷ nguyên 4.0. Tiềm năng rất lớn, nhưng thử thách cũng vô cùng. Một số nguyên nhân: 1. Xung đột lợi ích giữa truyền thống cũ và xu thế mới. Mọi người, kể cả cấp nhà nước, không dễ dàng từ bỏ thói quen và quyền lợi cố hữu. 2. Tiến bộ công nghệ chưa đủ khả năng giải quyết hết những trở ngại kỹ thuật trong việc phổ biến kinh tế xanh, 3. Còn bị chi phối bởi vị thế độc tôn, độc quyền của những nước mạnh, 4. Sự yếu thế cả tài chính và công nghệ ở những nước đang phát triển. Quá trình chuyển đổi là tất yếu. Nhưng chắc chắn sẽ rất gập ghềnh.