Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Điểm trừ’ trong bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một số công ty chứng khoán chiếm thị phần lớn trên thị trường đã ghi nhận lợi nhuận quí 4-2023 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhưng sụt giảm so với quí liền trước đó. Nguyên nhân được xác định là do lợi nhuận mảng môi giới bị “bào mòn”, còn hiệu quả hoạt động tự doanh lại bị ảnh hưởng phần nào bởi sự trầm lắng của thị trường những tháng cuối năm.

Môi trường vĩ mô thuận lợi hơn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam và các công ty chứng khoán có thêm cơ hội phục hồi trong năm 2024. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Vì sao lợi nhuận một số công ty chứng khoán sụt giảm?

Theo thống kê của một số đơn vị nghiên cứu, tổng lợi nhuận của các công ty chứng khoán ước đạt gần 5.700 tỉ đồng trong trong quí 4-2023, cao hơn gần 4 lần so với quí 4-2022 - tức giai đoạn các chỉ số trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chạm đáy, nhưng giảm gần 19% so với quí 3-2023, qua đó ghi nhận quí đầu tiên có lợi nhuận sụt giảm sau ba quí đầu năm có lợi nhuận quí sau cao hơn quí liền trước.

Với các công ty chứng khoán chiếm thị phần lớn, VNDirect đã trở lại vị trí quán quân lợi nhuận ngành chứng khoán với lợi nhuận quí 4-2023 ở mức 991,5 tỉ đồng, tăng 116 lần so với cùng kỳ 2022 và là là công ty chứng khoán duy nhất ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế trên 900 tỉ đồng trong quí 4-2023.

Theo báo cáo tài chính, doanh thu hoạt động của VNDirect đạt 1.932 tỉ đồng trong quý 4-2023, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 9%, xuống mức 1.147 tỉ đồng. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 137 tỉ đồng, tăng hơn hai lần.

Hoạt động cho vay lại không mấy khởi sắc với lãi từ cho vay và phải thu giảm 19%, xuống mức 273 tỉ đồng. Hoạt động môi giới mang về 217 tỉ đồng, tăng nhẹ 5%.

Yếu tố chính giúp lợi nhuận VNDirect là lỗ từ FVTPL giảm đến gần 70% so với cùng kỳ 2022, xuống còn 347 tỉ đồng. Trong đó, sự sụt giảm chủ yếu đến từ lỗ bán trái phiếu và chứng khoán chưa niêm yết giảm mạnh, từ hơn 804 tỉ đồng vào quí 4-2022 xuống còn gần 350 tỉ đồng vào quí 4-2023. Điều này giúp VNDirect ghi nhận lãi thuần từ tự doanh ở mức 800 tỉ đồng, cao hơn 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2023, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 6.562 tỉ đồng, giảm 6% so với 2022. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt ở mức 2.482 tỉ đồng và 2.018 tỉ đồng, tăng 44% và tăng 48%.

Khác với VNDirect, TCBS, SSI và VPS báo lợi nhuận quí 4-2023 lần lượt đạt 880 tỉ đồng, 616 tỉ đồng và 238 tỉ đồng, tăng khoảng 150% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng sụt giảm hàng chục phần trăm so với quí 3-2023.

Theo đó, việc theo đuổi chính sách miễn, giảm phí (“zero fee”) khiến doanh thu môi giới của một số công ty chứng khoán bị thu hẹp đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh miếng bánh thị phần bị thu hẹp trong quí 4-2023 do thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh so với quí 3.

Thống kê của một số đơn vị nghiên cứu cho biết tổng doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán quí 4-2023 ước đạt 3.300 tỉ đồng, giảm khoảng hơn 21% so với quí 3. Còn chi phí cho mảng hoạt động này trong quí 4-2023 chỉ giảm khoảng 6% so với quí liền trước.

Điều này khiến lợi nhuận gộp mảng môi giới quí 4-2023 giảm 70% so với quí 3, xuống mức 300 tỉ đồng. Còn biên lãi gộp bị thu hẹp đáng kể, từ mức 25,5% vào quí 3-2023 xuống còn 9,6% vào quí 4-2023. Đây là lần thứ hai trong nhiều năm qua, biên lợi nhuận gộp của mảng môi giới chứng khoán xuống dưới 10%.

Trước đó, mức đáy với biên lợi nhuận gộp mảng môi giới chứng khoán là 8,7%, được ghi nhận vào quí 1-2023.

Với các công ty theo đuổi chính sách “zero fee”,TCBS ghi nhận lợi nhuận gộp mảng môi giới quí 4-2023 giảm 13% so với quí 3. Ngoài ra, Pinetree cũng trải qua nhiều năm ghi nhận lợi nhuận âm ở mảng môi giới.

Luỹ kế cả năm 2023, doanh thu môi giới của TCBS giảm hơn 46%, trong khi chi phí mảng này lại tăng gần 19% so với năm trước. Điều này khiến biên lãi gộp của doanh nghiệp giảm từ mức 82,6% của năm 2022 xuống mức 61,5% của năm 2023, tương ứng lợi nhuận gộp giảm 60%.

DNSE, Pinetree đều ghi nhận doanh thu môi giới năm 2023 sụt giảm so với năm trước và cùng chịu lỗ cho mảng hoạt động này.

Với VPS, dù sở hữu lợi thế là một trong những công ty chứng khoán lớn nhất thị trường, nhưng việc mảng môi giới - vốn đóng góp tỷ trọng hơn 50% vào doanh thu hoạt động - chỉ mang về 807.590 tỉ đồng trong quí 4-2023, giảm hơn 15% so với quí 3 cũng cho thấy xu hướng điều chỉnh giảm của thị trường những tháng cuối năm 2023 cũng ảnh hưởng lớn tới công ty có thị phần hàng đầu.

Bên cạnh các công ty trên, JBSV ghi nhận doanh thu môi giới gần như không đáng kể do là tên tuổi mới xuất hiện trên thị trường. Còn AIS, dù không lỗ mảng môi giới, nhưng doanh thu hoạt động này năm 2023 giảm gần 27%, còn lợi nhuận gộp giảm đến 79% so với năm 2022.

Bên cạnh chính sách “zero fee”, diễn biến “lình xình” của TTCK Việt Nam trong quí 4-2023 cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của một số công ty chứng khoán. Cụ thể, ngoại trừ một số cổ phiếu ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lớn về giá trị, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đi ngang, thậm chí điều chỉnh giảm.

Điều này khiến hoạt động tự doanh của một số công ty chứng khoán kém hiệu quả so với quí 3-2023.

Chẳng hạn, hoạt động tự doanh của VPS đóng góp tỷ trọng khá lớn trong doanh thu hoạt động, nhưng ghi nhận mức lợi nhuận không đáng kể trong quí 4-2023. Nếu tính cả các khoản lỗ tự doanh và chi phí cho hoạt động tự doanh, mảng này chỉ lãi 19 tỷ trong quí 4 và lỗ 100 tỉ đồng luỹ kế bốn quí của năm 2023.

Danh mục tự doanh của VPS tại 31-12-2023 có giá trị hơn 7.200 tỉ đồng, trong đó có gần 5.000 tỷ đồng là các công cụ thị trường tiền tệ.

Công ty chứng khoán Bảo Minh (BMSC) ghi nhận lợi nhuận quí 4-2023 âm 44 tỉ đồng, chủ yếu là do lỗ tại mảng hoạt động tự doanh.

Cụ thể, lỗ tài sản tài chính FVTPL kỳ này lên tới gần 60 tỉ đồng, vượt phần lãi tài sản tài chính FVTPL, ghi nhận gần 34 tỉ đồng. Đồng thời, chi phí tự doanh lên tới hơn 21 tỉ đồng. Như vậy, Bảo Minh ước lỗ tự doanh tới hơn 46 tỉ đồng.

Trong bối cảnh trên, các mảng hoạt động khác chỉ mang lại nguồn thu không đáng kể cho Bảo Minh, so với tự doanh. Hai mảng doanh thu nổi bật sau tự doanh là doanh thu môi giới với hơn 2 tỉ đồng và doanh thu tư vấn tài chính với gần 2 tỉ đồng.

Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) công bố kết quả kinh doanh quí 4-2023 với lợi nhuận sau thuế ở mức 179,3 tỉ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 32,5% so với quí liền trước.

Kết quả này chủ yếu tới từ việc doanh nghiệp ghi nhận khoản thu từ cho vay và phải thu tăng 29,2% so với cùng kỳ, lên 329 tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí hoạt động quí 4 cũng giảm 17,4%, xuống mức 528,6 tỉ đồng. Còn khoản lỗ tự doanh cũng giảm 13,9%, xuống mức 260,8 tỉ đồng.

Còn thực tế cho thấy việc phần lớn cổ phiếu trên thị trường đi ngang hoặc điều chỉnh giảm, cùng với thanh khoản sụt giảm trên cả ba sàn giao dịch cũng ảnh hưởng tới doanh thu mảng tự doanh và môi giới chứng khoán quí 4-2023 của HSC, khi hai con số này lần lượt ở mức 346 tỉ đồng và 176 tỉ đồng, giảm 19,1% và 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, giá trị đầu tư mảng tự doanh chứng khoán của HSC tăng nhẹ so với quí trước, đạt 2.222 tỉ đồng. Trong đó, có 1.200 tỉ đồng là khoản đầu tư trái phiếu niêm yết.

Trong danh mục tự doanh cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết thì có 20 mã thuộc rổ VN30, trong đó một nửa là các mã ngân hàng như MBB, VPB, TCB, STB, VCB, HDB, SHB... Tổng giá trị gốc đầu tư tăng 3,5 lần so với đầu năm với gần 603 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc bán các tài sản tài chính FVTPL khiến HSC lỗ 20 tỉ đồng. Chỉ nhờ hơn 77 tỉ đồng thu từ cổ tức được nhận nên sau cùng, danh mục tự doanh nói chung vẫn lãi khoảng 85 tỉ đồng.

Triển vọng ngành chứng khoán năm 2024 sẽ ra sao?

Trong bối cảnh hầu hết các công ty chứng khoán đã giảm phí giao dịch để thu hút thêm nhà đầu tư và giữ chân khách hàng, thậm chí số ít đơn vị áp dụng chính sách “zero fee” trọn đời cho nhà đầu tư như TCBS, Pinetree, DNSE, JBSV, không ít ý chuyên gia nhận định “zero fee” sẽ là xu hướng trong tương lai và biên lợi nhuận mảng môi giới được dự báo sẽ còn tiếp tục “mỏng”.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán DSC cho rằng xu thế hy sinh một phần lợi nhuận mảng môi giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2024.

Tuy nhiên, hoạt động môi giới vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với các công ty chứng khoán, đem về nhiều giá trị lớn không chỉ gói gọn trong con số lãi gộp. Môi giới góp phần xây dựng tệp khách hàng qua đó bán chéo các sản phẩm, dịch vụ như tư vấn, bảo lãnh phát hành, cho vay…

Theo đó, các đơn vị sẽ phải cạnh tranh bằng các biện pháp cung cấp dịch vụ tốt hơn, đào tạo nhà đầu tư tự giao dịch… hướng tới các nguồn thu ngoài phí giao dịch. Thực tế, trong 5 năm gần đây, lợi nhuận từ mảng margin luôn đóng góp 35-45% vào lợi nhuận gộp của các các công ty chứng khoán.

“Mảng margin sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhóm chứng khoán”, các chuyên gia của DSC kỳ vọng.

Bên cạnh mảng cho vay, hoạt động tư vấn cũng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi chất lượng tệp khách hàng ngày càng được cải thiện và hàng hoá trên thị trường đa dạng hơn. Nhu cầu tư vấn chắc chắn sẽ gia tăng khi nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm kênh tích sản, tạo ra thu nhập thụ động nhiều hơn thay vì lao vào "trading" theo guồng quay thị trường đầy rủi ro.

Do đó, để đón đầu được xu hướng này, nhân viên môi giới cũng phải tự nâng cao kiến thức, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động tư vấn vì cần hiểu rõ về kinh tế vĩ mô, biến động các thị trường, kiến thức đầu tư các loại tài sản. Đội ngũ môi giới sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng tư vấn, đồng hành cùng nhà đầu tư sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn.

Còn công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo mảng tự doanh và cho vay ký quỹ (margin) tiếp tục là động lực tăng trưởng cho các công ty chứng khoán trong năm 2024. Cơ sở của kỳ vọng này là TTCK Việt Nam sẽ có nhịp hồi phục tốt trong năm nay, giúp các công ty tiếp tục duy trì được hiệu quả tốt ở mảng đầu tư với lợi suất trung bình toàn ngành đạt trên 9%.

Thực tế, mảng cho vay ký quỹ những năm gần đây luôn đóng góp vào tổng lợi nhuận trên 30%. Cùng với việc tăng vốn mạnh mẽ của các công ty chứng khoán giai đoạn vừa qua, KBSV cho rằng mảng này sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính và bền vững của nhóm ngành chứng khoán trong năm 2024.

Tuy nhiên, với thanh khoản thị trường dự kiến chưa đủ lớn để hấp thụ lượng vốn mới tăng thêm, nhóm phân tích này cho rằng áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng ở mảng margin khiến các doanh nghiệp chủ động hạ lãi suất cho vay để đẩy mạnh giải ngân.

Đồng quan điểm, tại báo cáo chiến lược mới công bố gần đây, Công ty chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng cho rằng cho vay ký quỹ là hoạt động có đóng góp lớn trong hoạt động của các công ty môi giới chứng khoán với tỷ trọng 40,9% trên tổng lợi nhuận gộp, tại quí 3-2023.

Tuy nhiên, trái với đà tăng tốt ở doanh thu, biên lợi nhuận gộp của hoạt động cho vay tiếp tục thu hẹp khi các công ty chứng khoán đang sử dụng chiến lược cạnh tranh về lãi vay để thúc đẩy nhu cầu đầu tư sau khi thị trường trải qua năm 2022 đầy biến động. Cụ thể, một số công ty đã đưa ra các gói vay thời gian ngắn với lãi suất bằng 0% hoặc các chính sách giảm lãi vay, từ đó khiến cho lợi nhuận không có sự cải thiện tương xứng.

Điểm tích cực là dư địa của hoạt động cho vay vẫn còn khá lớn khi tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu của ngành này chỉ đạt 0,8 lần, còn cách xa ngưỡng quy định (2 lần). Trong đó, các công ty chứng khoán có vốn hóa lớn vẫn duy trì tốt tỷ lệ này mặc cho dư nợ đã tăng cao trong qúi 3-2023, trái ngược với diễn biến tại nhóm có vốn hóa nhỏ hơn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới