Ðiện ảnh Việt Nam và những lời khen-chê
Nguyễn Trang
Áp phích giới thiệu phim Giấc mơ Mỹ. |
(SGTT) - Giấc mơ Mỹ – bộ phim được quảng bá là tiếng nói nhân văn, có những cảnh quay hoành tráng tại Việt Nam và Mỹ nhưng bị khán giả cũng như giới bình luận phim và báo giới đánh giá là sản phẩm gây thất vọng vì kịch bản có nhiều sơ hở, không thuyết phục được người xem.
Tuy nhiên, đây vẫn là bộ phim gây ồn ào trong nửa cuối năm nay khi nhà sản xuất kiêm diễn viên chính của bộ phim cùng ê-kíp, ngoài những nỗ lực tăng suất chiếu, còn có dự định truy tìm và kiện những người viết các bài bình luận chê bộ phim này. Ðây không phải là lần hiếm hoi mà nhà sản xuất-nhà phát hành trở nên nhạy cảm với lời phê bình thiếu tích cực như vậy.
Khó chịu với những lời chê
Các đạo diễn làm phim thị trường là những người đi đầu trong phong trào “ai cho mày chê con tao xấu”. Trước đây, đạo diễn Lê Hoàng nổi tiếng với những bài viết bỉ bai phóng viên và những người chê trách phim của ông về mặt chuyên môn. Ðạo diễn Lê Hoàng cũng được biết đến như một ngòi bút tiểu phẩm, hay những đáp trả sắc sảo trên các chương trình truyền hình.
Các tác phẩm gần đây của Lê Hoàng ở cả vai trò đạo diễn hay biên kịch không được đánh giá cao như Cát nóng, Tối nay 8 giờ, Chờ em đến ngày. Sau những đánh giá này, đạo diễn Lê Hoàng xuất hiện với tần suất dày hơn trong các talkshow, và có không ít bài viết cho rằng truyền thông và khán giả hiện tại chưa cảm nhận được cái hay trong tác phẩm của ông.
Ðạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng tỏ ra không đồng tình trước quan điểm của báo chí và công chúng về những tác phẩm của ông. Vào tháng 5-2015, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra mắt Siêu nhân X với mong muốn đây trở thành bộ phim siêu nhân đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, bộ phim này không thành công về doanh thu (do kịch bản bị lộ), và bị báo giới cùng công chúng cho rằng nội dung câu chuyện hài hước nhưng chưa phải là phim siêu anh hùng, và tạo hình nhân vật cũng như kỹ xảo không hấp dẫn.
Tiếp sau đó, bộ phim chuyển thể vở cải lương Dạ cổ hoài lang của đạo diễn này cũng bị cho là không truyền tải hết những nét tinh túy của một câu chuyện lay động nhiều thế hệ, và mắc lỗi khi để họa sĩ thiết kế lấy ảnh bà Tống Khánh Linh (Trung Quốc) làm ảnh thờ đạo cụ.
Nhìn chung, khi phim Việt Nam nở rộ về số lượng, nhiều đạo diễn thị trường hay có hơi hướng theo đuổi phim nghệ thuật vẫn không giữ được bình tĩnh khi nhận lời chê của giới phê bình. Charlie Nguyễn từng cay đắng cho rằng khán giả không hiểu được tâm huyết của anh và ê-kíp với bộ phim Fan Cuồng. Hãng phim Xanh và nhà sản xuất Hồng Ánh từng kêu khổ khi công chúng không đón nhận phim Ðường Ðua. Ðạo diễn Văn Công Viễn của phim Cho em gần anh thêm chút nữa cũng không ngại “điểm mặt chỉ tên” những nhà báo anh biết đã “dám cầm điện thoại khi xem phim” hay các khán giả ngại nước mắt để rồi chê phim truyện đầu tay của anh…
Tuy nhiên, một số nhà phê bình trong lĩnh vực điện ảnh cho rằng, thay vì bức xúc trước những khen chê, các nhà làm phim nên tập trung làm phim hướng tới các tiêu chí mà bản thân đang theo đuổi. Ngoài ra, để thu hút công chúng, các bộ phim nên dựa trên kịch bản logic hơn để những khán giả bình thường nhất cũng có thể hiểu và yêu thích bộ phim đó.
Viết phê bình, cần đảm bảo tính khách quan
Thời gian qua, cùng với số lượng phim gia tăng, phong trào viết bình luận về phim ảnh cũng phát triển mạnh mẽ trên báo chí và mạng xã hội. Theo đó, điều này cũng khiến không ít nhà sản xuất, nhà phát hành trở nên quá nhạy cảm với những bài viết khen-chê này. Một số cây viết về điện ảnh được nhiều người yêu thích và quan tâm cũng trở thành đối tượng được nhà sản xuất, đạo diễn săn đón. Theo đó, điều này có thể khiến những bài viết bình luận phim ảnh trở nên kém khách quan.
Ngoài ra, trên thực tế, hiện ngày càng nhiều status (những dòng viết chia sẻ về tâm trạng, trạng thái của người viết trên mạng xã hội) hoặc các đường dẫn đến các trang web có bài báo bình luận phim được chính tác giả viết và tag (gắn thẻ) rất nhiều thành phần đoàn làm phim vào đọc. Trong khi đó, việc này vốn chỉ dành cho những người chuyên trách việc quảng bá hoặc marketing cho bộ phim.
Cũng có một hiện tượng khác nữa, đó là hiện các dự án điện ảnh bom tấn (được đầu tư bài bản, câu chuyện, dàn diễn viên thu hút) đều có nhà bảo trợ truyền thông là các kênh báo chí, mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn. Cơ bản, đó là một gói các bài viết được thiết kế sao cho tăng độ quan tâm của người đọc với dự án từ giai đoạn tiền kỳ đến khi ra mắt. Tin bài thiên về đưa tin, gây thu hút hơn là các bài viết phê bình.
Nhìn chung, cả người xem lẫn người làm nghề đều đang cho rằng nhiều nhà phê bình ở Việt Nam không chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để tiến dần đến sự chuyên nghiệp thì điều cần thiết là phải tách bạch công việc phê bình với mối quan hệ nhiều cảm tính giữa người viết và đạo diễn, nhà sản xuất, nhà phát hành. Theo ý kiến của một số người am hiểu về lĩnh vực điện ảnh, với một nền điện ảnh nói riêng và trong xã hội “duy tình” như ở Việt Nam, việc này vẫn còn nhiều thách thức.