Diễn biến trái chiều trong xuất khẩu điện tử và xu hướng chuyển dịch đầu tư
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Doanh nghiệp xuất khẩu điện tử hàng đầu Việt Nam sụt giảm giá trị xuất khẩu nhưng toàn ngành lại có mức tăng trưởng khá. Điều này phần nào cho thấy xu hướng dịch chuyển của các tập đoàn sản xuất điện tử lớn về Việt Nam ngày càng rõ nét hơn sau đại dịch.
Samsung Việt Nam dự kiến sẽ giảm giá trị xuất khẩu hàng điện tử trong năm 2020 vì ảnh hưởng của Covid-19 nhưng toàn ngành sản xuất điện tử vẫn có mức tăng trưởng khá tốt. Ảnh minh họa: DNCC |
Bộ Công Thương cho biết, doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020, so với 51,38 tỉ đô năm 2019.
Nhìn trên bình diện chung, ngành sản xuất và lắp ráp, chế biến điện tử gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc trong thời gian đầu năm 2020. Tuy nhiên, nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá. Tăng trưởng thể hiện cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 6 tăng 29,3% so với tháng trước và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất của ngành tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2019 (3,5%).
Giá trị xuất khẩu 6 tháng mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 19,28 tỉ đô la Mỹ (tăng 24,2%). Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 21,5 tỉ đô la (giảm 8,4%). Dự kiến 6 tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.
Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.
Thực tế cho thấy, có nhiều thông tin về việc các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. Đơn cử, LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng.
Theo báo Nikkei, trong quí 2-2020, Apple sản xuất 3-4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận mảng sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.
Những động thái này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.