Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Điện mặt trời: nhà đầu tư bị đẩy vào thế ‘leo lưng cọp’

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau các nhà đầu tư điện gió(1), đến lượt các nhà đầu tư điện mặt trời nhiều tỉnh phía Nam đồng loạt kêu cứu lên Chính phủ. Họ đang mua bán điện theo hợp đồng đã ký kết với công ty điện lực địa phương thì đùng một cái, từ tháng 3 năm nay ngành điện không thanh toán tiền mua điện đẩy họ vào tình thế khó khăn.

Lý do tạm ngưng thanh toán là để yêu cầu nhà đầu tư cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Yêu cầu này được tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra và chỉ đạo các điện lực địa phương thực hiện. Hầu hết tất cả nhà đầu tư điện mặt trời áp mái tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… đều đang bị tạm ngừng thanh toán do điện lực các địa phương thực hiện theo chỉ đạo của EVN và Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Tại tỉnh Bình Dương ngành điện đã tạm ngừng thanh toán với gần 2.600 hệ thống điện mặt trời mái nhà, trong đó có trên 800 hệ thống chưa bổ sung được hồ sơ theo hướng dẫn của sở xây dựng. Tại Đồng Nai, cũng có khoảng 800 trường hợp là doanh nghiệp đầu tư điện áp mái tại nhà xưởng trong khu, cụm công nghiệp rơi vào trường hợp này.

Ước tính, để sản xuất được 1 MW điện mặt trời thì cần đầu tư khoảng 10 tỉ đồng. Với hệ thống điện mặt trời đã đưa vào sử dụng tại các tỉnh phía Nam, doanh nghiệp phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng và giờ đây họ đang đứng trước nguy cơ phá sản do bị đứt dòng tiền thu được từ bán điện để trả tiền vay ngân hàng.

Điều bất hợp lý là các hệ thống điện mặt trời này đã được đầu tư hoàn thành vào cuối năm 2020 và bắt đầu bán cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (ủy quyền cho điện lực các địa phương ký hợp đồng) từ đầu năm 2021. Thế rồi đùng một cái, đầu năm 2022, EVN đột ngột yêu cầu họ phải cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng mới được tiếp tục thanh toán tiền điện.

Lẽ ra yêu cầu này phải được đưa ra trước khi ký hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư nhưng theo thông tin các nhà đầu tư cung cấp cho báo Tuổi Trẻ, trong suốt quá trình đầu tư hệ thống điện mặt trời và đàm phán để bán điện, ngành điện lực không đưa ra bất cứ yêu cầu hay cảnh báo nào về việc phải có các hồ sơ nêu trên(2).

Tới nay, trước yêu cầu của EVN khi hệ thống điện đã hình thành, nhà đầu tư có liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền như sở xây dựng, ban quản lý các khu công nghiệp, Phòng quản lý đô thị cấp huyện thì cũng không thể xin được giấy phép do không có quy định cấp phép cho hệ thống điện đã hoàn thành.

Trong kinh doanh, một khi hợp đồng đã ký thì hai bên có nghĩa vụ tuân thủ, nếu muốn thay đổi điều khoản trong hợp đồng đã ký thì phải ngồi lại đàm phán, thương thảo với nhau. Giải pháp cuối cùng khi vẫn không thương thảo được thì đưa nhau ra tòa. Thế nhưng EVN đã không làm như vậy mà đột ngột ngưng thanh toán, thậm chí dọa cắt hợp đồng mua điện. Cách làm này chẳng khác nào đẩy nhà đầu tư vào thế “lỡ leo lưng cọp” rồi chèn ép khi họ không còn sự lựa chọn.

Khi cho rằng các dự án này đã bị thiếu hồ sơ như yêu cầu thì rõ ràng ngành điện đã làm sai trong quá trình đàm phán hợp đồng vì họ không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp các hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy trước khi ký hợp đồng.

Ngược lại, nếu đến thời điểm này mới có quy định yêu cầu hồ sơ an toàn thì ngành điện phải đàm phán với nhà đầu tư đã ký hợp đồng và phối hợp thực hiện để bổ sung những hồ sơ này.

Khi đây là vấn đề mới phát sinh hoặc do sai sót trong quy trình từ phía ngành điện, sao EVN lại bắt nhà đầu tư gánh chịu hết hậu quả thay vì chia sẻ trách nhiệm và cùng nhau tìm cách tháo gỡ một cách hợp lý?

Cách hành xử của EVN không chỉ là chưa sòng phẳng với các nhà đầu tư điện mặt trời mà còn gây ảnh hưởng không tốt cho chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo mà Chính phủ đã phải tốn rất nhiều công sức để thu hút nhà đầu tư tham gia.

---------

(1) https://thesaigontimes.vn tai-sao-nganh-dien-mai-loay-hoay-voi-co-che/

(2) https://tuoitre.vn/dien-mat-troi-ban-hon-nam-roi-gio-dien-luc-moi-doi-giay-xay-dung-2022052716014024.htm

8 BÌNH LUẬN

  1. Chiến lược này cũng do Bộ Công thương chủ trì. Nhưng không hiểu sao bây giờ ách tắc khắp mọi nơi ? Nếu chiến lược nào cũng đi theo hướng vạch ra/ trả giá/ phá sản/ làm lại từ đầu… thì không biết khi nào mới “chịu phát triển” được ?

  2. Công ty nhà nước mà làm việc kiểu như vậy, làm sao dân có niềm tin bỏ vốn ra đầu tư làm ăn; nên tiền cứ chui hết vào vàng, bất động sản là thế.

    • Cảm ơn tác giả bài báo đã phản ánh thực tại về những bức xúc, thất vọng và khó khăn của những nhà đầu tư NLMTMN Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Để hưởng ứng chủ trương và lời kêu khuyến khích đầu tư NLMTMN của chính phủ, Bộ Công thương và thực hiện là EVN chúng tôi đã tiến hành đầu tư theo hướng dẫn của Bộ Công thương và các điều kiện của EVN đề ra tại thời điểm đầu tư và các nhà đầu tư đã thực hiện đầy đủ các điều kiện và được kiểm tra nghiệm thu, ký kết hợp đồng, nhưng đến này thì EVN yêu cầu bổ sung thêm các pháp lý mà tại thời điểm đầu tư EVN không yêu cầu và hướng dẫn ràng buộc nhà đầu tư phải thực hiện nhưng đến này thì EVN yêu cầu phải có thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC, an toàn xây dựng (giấy phép xây dựng cho phần NLMTMN áp mái) mới tiếp tục thanh toán tiền bán điện hoặc tạm ngưng hợp đồng. Tuy EVN biết rằng để thực hiện hồi tố về những hồ sơ pháp lý bổ sung khi công trình đã hoàn thành đi vào sử dụng là rất khó khăn và không thể, đến hiện nay thì các hướng dẫn chuyên ngành về những pháp lý trên của các sở ban ngành cũng chưa rõ ràng và thống nhất để các nhà đầu tư thực hiện.

  3. Phát triển điện mặt trời mái nhà là một chủ trương rất đúng đắn của chính phủ , tận dụng mais nhà của dân , doanh nghiệp và nguồn lục tài chính trong dân để sx điện sạch Rất cần có sự vào cuộc của chính phủ để xác định các tổ chức cá nhân nào đã dã đi ngược lại chủ trương chính sách lớn của nhà nước gây thiệt hại lớn cho dân , doanh nghiêp

  4. EVN dừng thanh toán vì thực hiện theo kết luận của Bộ chủ quản – đó là Bộ công thương, thông qua kiểm tra của bộ. Nhưng đó là kết luận rất không đúng. Đáng buồn cơ quan quản lý còn vô cảm trước thiệt hại nghiêm trọng của doanh nghiệp, đã đẩy các doanh nghiệp vào tình cảnh không có nguồn thu để chi trả các khoản nợ lãi, nợ gốc vay ngân hàng.

  5. Các vấn đề tác giả đề cập ở trên cũng ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước về sự thiếu ổn định trong chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo nói riêng và môi trường đầu tư nói chung , cũng như lo lắng của họ về các thủ tục hành chính và chi phí có thể phát sinh không lường trước. Rất mong chính phủ, bộ ngành sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vì sự phát triển của đất nước.

  6. Một cơ quan nhà nước mà còn làm cái chuyện như vậy thì người dân còn biết kêu cứu đến ai đây?

    Những bài báo này lý nào không đến bàn làm việc của TTCP?
    Người dân chúng tôi đang chết dần trước nợ nần vay vốn, cũng như tan nát luôn gia đình mình mà hoàn toàn bất lực.

    Nếu có những qui định bắt buộc trên thì ngay từ đầu những ai không đủ điều kiện chẳng phải xuống tiền đầu tư, đâu thống khổ như vầy!

  7. Một cơ quan nhà nước mà còn làm cái chuyện trời ơi như vậy thì người dân còn biết kêu cứu đến ai đây ?

    Những bài báo này lý nào không đến bàn làm việc của TTCP ?
    Người dân chúng tôi đang chết dần trước nợ nần vay vốn, cũng như tan nát luôn gia đình mình mà hoàn toàn bất lực./.

    Nếu có những qui định bắt buộc trên, thì ngay từ đầu những ai không đủ điều kiện thì chẳng phải xuống tiền đầu tư thì đâu thống khổ như vầy !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới