Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Điều chỉnh quy hoạch sân bay Côn Đảo, công suất 2 triệu khách/năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều chỉnh quy hoạch sân bay Côn Đảo, công suất 2 triệu khách/năm

Yên Minh

(TBKTSG Online) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo theo đúng quy định, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018.

Điều chỉnh quy hoạch sân bay Côn Đảo, công suất 2 triệu khách/năm
Sân bay Côn Đảo được xác định là sân bay nội địa, được định hướng đến năm 2030 có công suất đạt 2 triệu khách/năm. Ảnh: vov.vn

Bộ Xây dựng hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan theo đúng Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải thích một số điều của Luật Quy hoạch và theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không Côn Đảo được xác định là cảng hàng không nội địa, quy mô sử dụng đất dự kiến là 141 ha, được định hướng đến năm 2020 là cảng hàng không cấp 3C, đạt 0,5 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2030 là cảng hàng không cấp 4C, đạt 2 triệu hành khách/năm.

Vào tháng 7 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về phương án quy hoạch Cảnh hàng không Côn Đảo đảm bảo khai thác được các dòng máy bay lớn như A320, A321 thay vì chỉ có thể khai thác máy bay nhỏ ATR72 như hiện nay. Sân bay Côn Đảo có thể đảm bảo khai thác được tàu bay A321 nếu Nhà nước bỏ ra số tiền hơn 5.300 tỷ đồng để nâng cấp kéo dài đường băng.

Cụ thể, nếu kéo dài đường cất hạ cánh lấn ra biển, sân bay Côn Đảo có thể tiếp nhận máy bay A321 chuyên chở được nhiều hành khách hơn so với máy bay ATR72 chỉ chở được khoảng 70 khách mỗi chuyến như hiện nay.

Theo đó, Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) là đơn vị Tư vấn được Cục Hàng không lựa chọn để nghiên cứu phương án kéo dài đường cất hạ cánh sân bay Côn Đảo. ADCC nghiên cứu và đề xuất kéo dài đường băng từ 1.830m lên 2.400m với chiều rộng đường băng là 45m. ADCC cũng đề xuất xây dựng sân đỗ tàu bay đáp ứng tối thiểu 8 vị trí đỗ trong thời điểm xây dựng nhà ga hành khách mới, đảm bảo công suất 2 triệu khách/năm và có dự trữ đất để mở rộng khi có nhu cầu.

Đơn vị tư vấn cũng tính toán tổng kinh phí dự kiến cần để nâng cấp sân bay Côn Đảo là hơn 11.700 tỉ đồng, trong đó khoảng 5.300 tỉ đồng được dành để nâng cấp kéo dài đường băng. Khoản tiền này đã bao gồm cả chi phí vận chuyển đất, đá từ đất liền ra để đắp lấn biển trong điều kiện không thể khai thác mỏ đất tại Côn Đảo. Trường hợp có thể khai thác đất lấp biển tại chỗ, con số này sẽ giảm đi được gần 2.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, hạn chế của phương án này là phải lấn biển khiến tăng chi phí đầu tư xây dựng, kéo dài thời gian xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch.

Hiện nay, sân bay Côn Đảo chỉ duy nhất có máy bay ATR72 của Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO - thành viên của Vietnam Airlines) có đường bay đến. Ngoài Vietjet, Bamboo Airways cũng đã bày tỏ ý định khai thác đường bay Côn Đảo.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà là Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là một Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Các thành viên Hội đồng gồm đại diện các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng; đại diện các Hội, Hiệp hội: Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các đô thị Việt Nam; một số chuyên gia các ngành, lĩnh vực khác có liên quan.

Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định. Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới