Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điều gì đang xảy ra với đô la Úc?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều gì đang xảy ra với đô la Úc?

TS. Lê Hồng Giang

(TBKTSG) – Tuần trước sự kiện nóng hổi nhất trên truyền thông Úc không phải là dịch bệnh Covid-19 mà là vụ GM, hãng xe hơi của Mỹ, ngừng sản xuất dòng xe Holden. Có vô số bài báo/bloggers than khóc thương hiệu xe hơi “quốc hồn quốc túy” này của Úc dù trên thực tế nó thuộc sở hữu của GM từ hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng cái chết của Holden là điều không thể tránh khỏi và đã được dự báo từ lâu. Gốc rễ của vấn đề như tờ The Economist chỉ ra là ngành công nghiệp chế biến chế tạo (manufacturing sector) của Úc đã liên tục suy giảm hàng chục năm nay, hiện tại chỉ còn chiếm 6% GDP.

Điều gì đang xảy ra với đô la Úc?

Mặc dù Úc là một nước phát triển có trình độ nhân lực, khoa học, công nghệ không kém các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) khác nhưng quốc gia này không thể tránh được một quy luật kinh tế đã được khám phá ra từ giữa thế kỷ 20: Dutch disease (căn bệnh Hà Lan). Với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, mấy chục năm nay kinh tế Úc ngày càng nghiêng về khai thác tài nguyên và xuất khẩu nguyên liệu thô. Nguồn thu nhập “trời cho” này chèn ép các ngành sản xuất khác mà cái chết của ngành công nghiệp xe hơi chỉ là một trong nhiều ví dụ.

Một hệ quả nữa của việc trở thành một nền kinh tế thiên về xuất khẩu thương phẩm (commodity exporter) là Úc bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chu kỳ kinh tế quốc tế mà gần đây là kinh tế Trung Quốc và các nước Đông Á. Rất may RBA, ngân hàng trung ương Úc, đã nhận thấy điều này từ rất sớm và đã thả nổi đồng đô la Úc (AUD) từ mấy chục năm nay. RBA cũng rút dần khỏi thị trường ngoại hối, không can thiệp vào tỷ giá nữa bất chấp có lúc AUD mất giá hơn 50% trong vòng vài tháng như giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2009. Việc AUD mất giá 6% từ đầu năm 2020, quay về mức thấp nhất trong 10 năm qua, không hề làm RBA lo ngại. Thậm chí họ có thể đang mừng thầm và còn mong đồng tiền của mình mất giá thêm nữa.

Dù điều gì xảy ra với đô la Úc trong ngắn hạn, đồng tiền này sẽ biến động theo chu kỳ kinh tế thế giới và nhất là chu kỳ kinh tế của Trung Quốc và Đông Nam Á trong dài hạn. Mức độ dao động sẽ ngày càng lớn, nhưng nói theo Milton Friedman – đó là điều tốt chứ chẳng có gì xấu cả.

Milton Friedman, một nhà kinh tế lừng danh trong thế kỷ 20, đã chỉ ra rằng chế độ tỷ giá thả nổi là một cơ chế bình ổn kinh tế tự động (automatic stabilizer), vừa hiệu quả vừa không tốn kém. Khi một quốc gia tăng trưởng chậm lại rồi rơi vào suy thoái, đồng tiền nước đó mất giá bởi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra và ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất. Đồng tiền yếu đi sẽ giúp sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa tăng lên đồng thời thu hút dòng vốn quốc tế quay lại, giúp cho nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. Vì đây là phản ứng tự nhiên của thị trường nên ngân hàng trung ương không cần làm gì cả, tất nhiên không sợ bị cáo buộc thao túng tiền tệ.

Không chỉ trên lý thuyết, rất nhiều nền kinh tế đã được trợ giúp nhờ chế độ tỷ giá thả nổi hoạt động theo nguyên lý trên. Điển hình như các nước Đông Nam Á sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 1997-1999, Argentina sau năm 2003, Úc sau giai đoạn 2007-2009, Nga sau khi bị cấm vận năm 2014, Anh sau trưng cầu dân ý Brexit năm 2016. Với việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại từ vài năm nay, rồi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, và bây giờ là ảnh hưởng của Covid-19, AUD giảm giá là điều không thể tránh nhưng được nước Úc chào đón, nhất là vào thời điểm có lạm phát thấp như hiện nay. Nhưng liệu AUD có còn xuống thấp hơn nữa hay không?

Hầu hết các mô hình kinh tế, từ đơn giản như Big-Mac Index của tạp chí The Economist đến phức tạp như mô hình BEER của IMF đều cho rằng AUD hiện đã quá thấp, nghĩa là nhiều khả năng nó sẽ tăng trở lại. Ngược lại, giới tài chính nghi ngờ khả năng phục hồi của AUD trong thời gian trước mắt. Hiện tại mặt bằng lãi suất của Úc thấp hơn của Mỹ, điều hiếm khi xảy ra, và từ giờ tới cuối năm khả năng RBA tiếp tục cắt lãi suất mạnh hơn so với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Giá thương phẩm (commodity) thế giới đã bắt đầu giảm, thậm chí từ trước khi Covid-19 bùng phát. Chỉ một điểm sáng duy nhất cho AUD là thị trường bất động sản của Úc bắt đầu nóng trở lại một vài tháng nay, một phần nhờ loạt cắt giảm lãi suất của RBA năm ngoái, một phần nhờ dòng vốn ngoại từ Trung Quốc (và cả Việt Nam) tăng sau khi AUD giảm qua ngưỡng 0,7. Tuy nhiên Covid-19 có thể làm đảo chiều dòng vốn này và đè nặng lên kinh tế toàn cầu. Trong trường hợp đó triển vọng của AUD sẽ không mấy sáng sủa.

Dù điều gì xảy ra với AUD trong ngắn hạn, đồng tiền này sẽ biến động theo chu kỳ kinh tế thế giới và nhất là chu kỳ kinh tế của Trung Quốc và Đông Nam Á trong dài hạn. Mức độ dao động của AUD sẽ ngày càng lớn, nhưng nói theo Milton Friedman – đó là điều tốt chứ chẳng có gì xấu cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới