(KTSG Online) - Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho rằng việc rau lấy ở chợ "đội lốt" VietGAP bán ở siêu thị là sai, nhưng để kết luận cần chờ kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm từ cơ quan chức năng.
Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan đã chia sẻ như trên với KTSG Online bên lề cuộc họp báo Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TPHCM (HCMC FOODEX 2022) ngày 22-9.
- Chỉ đạo khẩn về kiểm tra, xác minh rau củ quả sau bê bối gian lận tại các chuỗi bán lẻ lớn
- TPHCM đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm
Theo bà Lan, thông tin về việc rau chợ phù phép thành rau sạch VietGAP đưa vào siêu thị và việc giả mạo nấm Trung Quốc đưa vào chuỗi hệ thống Bách hóa Xanh, bản chất của vấn đề là gian lận thương mại, giả thương hiệu.
“VietGAP hay không VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn hay không an toàn là những chuẩn mà chúng ta căn cứ vào để làm công cụ cho việc quản lý, còn điều quan trọng nhất là thực phẩm trên thị trường được giám sát chất lượng, được kiểm nghiệm và được phát hiện kịp thời những độc chất hay những chất không cho phép mà nó tích tụ. Chúng tôi có các phương pháp khoa học để kiểm soát vấn đề này”, bà Lan nhấn mạnh.
Không phải chỉ sản phẩm đạt chuẩn, sản phẩm xuất khẩu thì mới là thực phẩm an toàn. Điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giữ vững cam kết của mình và phụ thuộc vào việc quản lý để không có chuyện hàng gian - giả, gian lận thương mại lẫn vào.
Mặt khác theo bà Lan, cũng không nên đánh giá không tốt về những sản phẩm còn lại trên thị trường chưa đạt chuẩn, bởi có thể họ chưa làm thủ tục để được công nhận đạt chuẩn.
“Mục tiêu của chúng ta vẫn là một nền nông nghiệp an toàn và các sản phẩm được cung ứng ra thị trường dù lưu hành tại chợ hay tại siêu thị, hay trên các phương tiện thương mại điện tử, thì cũng phải được kiểm soát, kiểm nghiệm về mặt chất lượng". Bà Lan chia sẻ, và lưu ý, thực phẩm phân phối ở chợ cũng được quản lý chất lượng chứ không phải thả nổi hay đồng nghĩa với thực phẩm không "sạch".
Theo điều kiện về quản lý an toàn thực phẩm thì tại hệ thống các siêu thị dễ theo dõi hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn so với các chợ truyền thống, chợ vỉa hè. Mặt khác, chính siêu thị đã có hệ thống theo dõi, quản lý, kiểm nghiệm nội bộ thực phẩm khi đưa hàng hóa lên kệ bán. Và bà Lan cho rằng, để hàng hóa vào được hệ thống siêu thị bán là không dễ dàng.
Câu hỏi đặt ra là liệu siêu thị có đang hiểu rõ nhà cung cấp của mình không? Bởi, họ là người trả tiền mua hàng thì phải nắm thông tin, chất lượng hàng hóa và điều này cũng là uy tín của họ. “Điều kiện tiên quyết để hàng vào siêu thị là chiết khấu, nhưng quan trọng là chất lượng. Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng, nếu không lưu tâm chất lượng sẽ mất tất cả uy tín thương hiệu”, bà Phong Lan nhấn mạnh.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tập trung quản lý các doanh nghiệp đã đạt được chuẩn VietGAP. Những doanh nghiệp đã đạt chuỗi thực phẩm an toàn thì phải đảm bảo được chất lượng thực phẩm của mình đúng như những gì đã cam kết đã là một khó khăn. Giờ đây, những doanh nghiệp này còn phải cạnh tranh với những đơn vị không đạt chuẩn VietGAP nhưng vẫn tìm cách len lỏi vào chuỗi cung ứng. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tập trung giám sát kỹ hơn và xử lý mạnh tay, nghiêm hơn với họ.
Hiện Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thành lập đoàn kiểm tra có sự tham gia của Sở Công thương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước lúc này là phải tập trung giám sát kỹ hơn và xử lý mạnh tay hơn. Tuy nhiên, bản thân mỗi doanh nghiệp phải cố gắng giữ vững chất lượng của mình, giữ vững được những gì đã cam kết. Có như vậy mới giữ được niềm tin nơi người tiêu dùng.