Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đỉnh cao mới của chứng khoán Mỹ dựa vào sức mạnh cổ phiếu công nghệ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chỉ số S&P 500, theo dõi 500 cổ phiếu vốn hóa lớn tiêu biểu trên thị trường chứng khoán Mỹ, chạm các mức cao kỷ lục lần đầu tiên trong hai năm qua. Nhưng thực tế, chỉ có cổ phiếu của nhóm ngành công nghệ phá kỷ lục cũ. 10 nhóm ngành còn lại trong chỉ số này chưa trở về mức đỉnh lịch sử của chúng.

“Bộ bảy diệu kỳ”, gồm cổ phiếu của các công ty Alphabet (công ty mẹ của Google), Apple, Amazon, Microsoft, Meta, Nvidia, Tesla chi phối thị trường chứng khoán Mỹ trong phần lớn năm ngoái và đầu năm nay. Ảnh: Financial Times

Sức mạnh của cổ phiếu thuộc nhóm tập đoàn công nghệ khổng lồ (Big Tech) của Mỹ như Microsoft, Apple và Nvidia đẩy chỉ số S&P 500 liên tiếp đạt mức kỷ lục 5 trong 6 phiên giao dịch gần đây nhất. S&P 500 tăng 2,5% kể từ đầu năm 2024, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ tăng 5,9%, lên mức cao từ trước đến nay.

Dù vậy, cổ phiếu của 10 lĩnh vực khác trong chỉ số S&P 500 đang giao dịch ở mức trung bình thấp hơn 15% so với mức cao lịch sử và không có lĩnh vực nào lập mức kỷ lục điểm số mới trong tháng 1.

Cách đây hai năm, đà tăng giá của thị trường chứng khoán Mỹ lan tỏa rộng hơn. Cùng với công nghệ, bảy lĩnh vực khác gồm, công nghiệp, tài chính, hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, tiện ích và vật liệu chứng kiến giá cổ phiếu tăng lên mức cao mới trong hai tuần trước khi S&P 500 lên mức cao kỷ lục hồi tháng 1-2022.

Một đợt tăng giá chứng khoán chỉ dựa phần lớn vào cổ phiếu Big Tech là dấu hiệu đáng lo ngại đối với một số nhà đầu tư và nhà chiến lược. Họ cho rằng, khi chỉ một số ít cổ phiếu lớn gánh vai trò thúc đẩy, thị trường sẽ dễ bị suy thoái hơn nếu những cổ phiếu đó quay đầu giảm giá.

Ví dụ, nếu giá của sáu trong số những cổ phiếu công nghệ lớn nhất trong chỉ số S&P 500 quay trở lại đường trung bình động 200 ngày thì chỉ số này sẽ giảm khoảng 5%, theo phân tích của Bespoke Investment Group. Đường trung bình động 200 ngày là chỉ báo kỹ thuật được theo dõi rộng rãi để đánh giá xu hướng giá dài hạn của cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu Big Tech cũng chi phối thị trường chứng khoán Mỹ trong hầu hết năm ngoái nhờ các kỳ vọng tăng trưởng mới dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI). Trong những tuần cuối cùng của năm 2023, nhà đầu tư trở nên hưng phấn khi đặt cược rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm giảm lãi suất, có thể giúp mọi tài sản, từ cổ phiếu vốn hóa nhỏ đến vàng và trái phiếu, đều tăng giá.

Tuy nhiên, sự lạc quan về triển vọng xoay trục chính sách tiền tệ của Fed đang suy giảm lần. Dữ liệu kinh tế Mỹ nóng hơn dự kiến đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại lên mức cao hơn 4%. Nhà đầu tư cũng đã đẩy lùi kỳ vọng của họ về thời điểm Fed tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên, có thể khiến mạch tăng giá của thị trường chứng khoán khó kéo dài.

Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 31-1. Nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin từ cuộc họp và các phát biểu của quan chức Fed để tìm kiếm manh mối về thời điểm và tốc độ mà Fed giảm lãi suất. Báo cáo việc làm hàng tháng vào cuối tuần cũng giúp nhà đầu tư có nhìn mới nhất về sức mạnh của thị trường lao động Mỹ. Và báo cáo thu nhập mới nhất từ các công ty công nghệ bao gồm Microsoft, Meta Platforms và Amazon.com có thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về liệu đà tăng của thị trường chứng khoán có thể duy trì hay không.

“Ý nghĩ về suy thoái kinh tế đã hoàn toàn bị xóa sạch khỏi tâm trí của hầu hết các nhà quản lý danh mục đầu tư. Họ rất tin tưởng kịch bản ‘hạ cánh mềm’ của nền kinh tế Mỹ. Nhưng có lẽ sự tự tin đó giờ đây gần như sự tự mãn”, David Rosenberg, Chủ tịch của Rosenberg Research & Associates, bình luận.

Thực tế, những cổ phiếu lập đỉnh mức cao mới vào đầu năm 2024 không chỉ hoàn toàn thuộc nhóm Big Tech. Cổ phiếu của Berkshire Hathaway, Visa, McDonald’s và Marriott International cũng gia nhập Microsoft, Meta, Alphabet, và Nvidia để tăng lên các mức cao mới.

Nhưng nhóm cổ phiếu của các công ty vốn hóa nhỏ phần lớn bỏ lỡ cơ hội phục hồi. Chỉ số Russell 2000, tập trung vào vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ của chứng khoán Mỹ, vẫn giảm khoảng 20% so với mức cao kỷ lục vào tháng 11-2021.

Caitlin Frederick, giám đốc kế hoạch tài chính và cố vấn tài sản của Ullmann Wealth Partners, đang khuyến nghị khách hàng mua các  cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ vì chúng có nhiều dư địa để tăng giá so với nhóm cổ phiếu tăng trưởng lớn.

“Bạn muốn mua cổ phiếu của  Amazon vào thập niên 1990 khi công ty mới chỉ bán sách, hay bạn muốn mua một cổ phiếu của Amazon hiện nay? Dĩ nhiên muốn mua nó vào thập niên 1990 vì giá rẻ hơn đáng kể và lúc đó cổ phiếu của Amazon chỉ có vốn hóa nhỏ. Tiềm năng tăng trưởng của Amazon bây giờ ít hơn vì công ty này đã quá lớn”, Frederick nói.

Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy động lực tăng giá sau khi chứng khoán Mỹ chạm đỉnh cao mới là rất lớn. Trong 14 trường hợp trước đó khi S&P 500 thiết lập mức cao kỷ lục mới lần đầu tiên sau sau hơn một năm, đà tăng của chỉ số này tiếp tục diễn ra trong năm sau với hơn 90% thời gian và mang lại tỷ suất sinh lợi trung bình là 13,9%, theo ClearBridge Investments.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới