Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Định giá của các siêu kỳ lân giảm sâu trong làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mức định giá của các siêu kỳ lân (công ty khởi nghiệp có trị giá 10 tỉ đô la Mỹ trở lên) từ ByteDance của Trung Quốc, công ty đứng sau ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, cho đến Stripe, chuyên về công nghệ thanh toán của Mỹ, giảm sâu hơn 50%, thậm chí 80% so với mức đỉnh hồi năm ngoái. Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ngành công nghệ bị bán tháo trong suốt năm nay.

Mức định giá của ByteDance (Trung Quốc), công ty mẹ của TikTok, giảm xuống mức 220-260 tỉ đô la Mỹ từ mức đỉnh 450 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Shutterstock

Dù chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung, cổ phiếu của các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ vẫn không tránh được làn sóng bán tháo ở các sàn giao dịch thứ cấp với mức định giá của một số công ty giảm đến 80%, đi theo xu hướng suy sụp của cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Khi cổ phiếu công nghệ trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ bắt đầu bị giới đầu tư bán mạnh hồi cuối năm ngoái, định giá của các startup công nghệ không ảnh hưởng nhiều vì họ chưa niêm yết để trở thành công ty đại chúng. Hơn nữa, lượng giao dịch cổ phiếu của các startup trên các sàn giao dịch thứ cấp cũng rất ít.

Trước khi trở thành công ty đại chúng thông qua chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), các startup cho phép nhân viên, người sáng lập và các tổ chức đầu tư giao dịch cổ phiếu thông qua các giao dịch thứ cấp.

Các giao dịch như vậy giúp các bên liên quan có thể thu về tiền mặt trước khi startup tiến hành IPO đồng thời giúp các bên mua đầu tư mới hoặc tăng lượng cổ phần nắm giữ của họ.

Các mức định giá trên thị trường thứ cấp thường chậm điều chỉnh hơn so với định giá trên thị trường niêm yết. Đó là bởi vì cổ phiếu của các startup giao dịch ít thường xuyên hơn và các chủ sở hữu không muốn chấp nhận mức giá thấp hơn vì điều này có thể đồng nghĩa với việc bán lỗ hoặc phải giảm giá trị của số cổ phần còn lại.

Nhiều startup vẫn giữ mức định giá cao trong nhiều tháng sau khi chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ ở Phố Wall bị bán tháo vào tháng 11-2021. Tuy nhiên, khả năng chống chịu của thị trường thứ cấp, nơi cổ phiếu của các startup giao dịch, bắt đầu suy yếu vào mùa hè này khi các công ty đầu tư mạo hiểm và quỹ phòng hộ bắt đầu bán tháo để bù đắp cho tổn thất ở danh mục cổ phiếu của các công ty đại chúng.

Giới đầu tư trên các sàn giao dịch thứ cấp cho biết họ chứng kiến cổ phiếu của các startup công nghệ giảm giá từ khoảng 30-40%, thậm chí 80% so với mức định giá từ các vòng gọi vốn trước đó. Với nhiều startup đang lên kế hoạch huy động vốn mới hoặc tạm dừng kế hoạch IPO do thị trường ảm đạm, các giao dịch thứ cấp đã trở thành thước đo chính cho sự quan tâm của nhà đầu tư.

Những người tham gia thị trường cho biết giao dịch thứ cấp hầu như không tồn tại từ tháng 3 đến tháng 7. Giờ đây, một số người mua tiềm năng đang quay trở lại thị trường này để tìm kiếm cơ hội mua rẻ khi họ đặt cược rằng đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ đã chạm đáy.

Idan Miller, Giám đốc sàn giao dịch Unicorns Exchange (Israel), nói: “Chúng tôi đang chứng kiến nhiều hoạt động mua quay trở lại thị trường”.

Unicorns Exchange cho phép các nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu của các startup công nghệ đình đám chưa niêm yết như công ty tài chính “mua trước trả sau” Klarna (Thụy Điển), nhà cung cấp công nghệ thanh toán Stripe (Mỹ) và ByteDance (Trung Quốc), công ty mẹ của TikTok.

Miller cho biết có một lượng cổ phiếu kỷ lục với tổng giá trị 150 triệu đô la Mỹ được giao dịch trên Unicorns Exchange trong quí 3.

Nhà cung cấp phần mềm quản lý tài sản Addepar (Mỹ) là một trong những công ty bị định giá lại. Một nhà đầu tư đã tích lũy cổ phiếu của startup này trong bảy giao dịch riêng lẻ vào tháng 9 và tháng 10 dựa vào mức định giá 1,7 -1,8  tỉ đô la Mỹ, giảm so với mức định giá 2,5 tỉ đô la Mỹ trong các giao dịch hồi tháng 12 năm ngoái.

Unicorns Exchange không phải là địa điểm duy nhất, nơi mà cổ phiếu của các startup được chào bán với mức định giá giảm. Tại Mirai Capital, một mạng lưới giao dịch thứ cấp khác, một số người bán đang tìm cách bán cổ phiếu của các startup với giá chiết khấu sâu với các đợt giao dịch trước.

Miller cho hay, năm ngoái cổ phiếu của startup công nghệ  ByteDance (Trung Quốc) đã được giao dịch dựa vào mức định giá 450 tỉ đô la Mỹ, nhưng những lời chào bán gần đây đã cho thấy mức định giá đã giảm về mức 220-260 tỉ đô la Mỹ.

Itamar Har- Even, người đồng sáng lập Ion Pacific, một công ty đầu tư trên thị trường thứ cấp, có trụ sở tại New York, cho biết sự sụp đổ này được dự đoán trước sau nhiều năm các startup công nghệ huy động vốn dựa trên mức định giá quá nóng. Ông nói rằng các startup có mức định giá thổi phồng trên một 1 đô la “là những công ty đang thực sự bị ảnh hưởng trên thị trường thứ cấp”.

Adrian Valenzuela, Giám đốc điều hành MCM Partners, cho biết các startup ưu tiên tăng trưởng bằng mọi giá hoặc không đạt được lợi thế độc nhất hoặc có quy mô lớn đang bị trừng phạt.

Valenzuela nói thêm rằng các startup tiêu dùng dựa trên nền tảng internet của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đang chứng kiến mức định giá giảm mạnh. Ông nói: “Nhiều startup được định giá quá cao chỉ dựa vào lợi ích mà họ nhận được từ đại dịch Covid-19”.

Từ tháng 9-2021 đến tháng 6-2022, một quỹ đầu tư của T. Rowe Price Group tự giảm 50% mức định giá của lượng cổ phần Stripe mà quỹ này đang nắm giữ. Hồi tháng 8, một quỹ đầu tư của Fidelity định giá cổ phần đang nắm giữ ở startup giao thực phẩm Instacart thấp hơn 55% so với hồi tháng 10 -2021. Hồi tháng 10, Instacart tự cắt giảm mức định giá nội bộ xuống còn 13 tỉ đô la Mỹ. Đây là lần thứ 3 Instacart tự giảm mức định giá trong năm nay. Năm ngoái, nền tảng giao thực phẩm lớn nhất Mỹ này được định giá đến 39 tỉ đô la Mỹ.

Một số nhà đầu tư đang đặt cược rằng các đợt giảm giá gần đây là quá đà. Chẳng hạn, startup mua trước trả sau Klarna đã huy động vốn mới hồi tháng 7 dựa trên mức định giá 6,7 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với định giá 31 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Đến tháng 9 và tháng 10, các giao dịch thứ cấp đã định Klarna ở mức 9 tỉ đô la Mỹ, tăng 34%.

Những nhà đầu tư khác lo ngại cổ phiếu các startup công nghệ có thể còn giảm nữa. Christian Vogel-Claussen, người điều hành Công ty Alanda Capital Management, có trụ sở tại London, cho biết ông đã chứng kiến các mức chiết khấu từ 40-70%. Tuy nhiên, ông vẫn chưa mua bất kỳ cổ phiếu nào trong các giao dịch thứ cấp vì muốn chờ giá giảm  thêm 10-15%.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới